Những kỷ niệm không thể nào quên
Không chỉ với những chiến công vang dội trong quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được giới văn nghệ sĩ trân quý. Qua triển lãm, người xem được gặp những khoảnh khắc đầy xúc cảm khi Đại tướng bên văn nghệ sĩ, trí thức và nhân dân như nhạc sĩ Văn Cao, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu, nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhà thơ Lê Đại Thanh…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp nhà sử học Trần Văn Giàu tại nhà riêng ngày 31/12/1996 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Cùng tuổi Đinh Hợi (1947), hai ông Trần Định và Nguyễn Đình Toán đều có vài chục năm chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng đây là lần đầu tiên họ làm triển lãm ảnh Đại tướng ở trong nước. Còn ông Trần Định, trước đó, từng làm triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1990 tại Liên Xô (nay là Cộng hòa liên bang Nga).
Từ lần chụp ảnh Đại tướng đầu tiên với tư cách phóng viên báo Ảnh Việt Nam (TTX Việt Nam), ông Trần Định đã dành được thiện cảm với Đại tướng. Những bức ảnh không thể đếm được. Những kỷ niệm không thể nào quên. Những khoảnh khắc luôn khiến người xem xúc động về vị Tổng Tư lệnh trong đời thường. Với riêng ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành bất tử, trong khi có những người đã chết dù họ còn hiện hữu.
Còn ông Nguyễn Đình Toán, do công việc của một phóng viên ảnh tại Tạp chí Xưa và nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng thời được nhiều văn nghệ sĩ yêu quý nên ông có nhiều cơ hội được chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên các văn nghệ sĩ.
Ông Toán cũng là tác giả bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao khi Đại tướng cùng phu nhân Đặng Bích Hà đến thăm vợ chồng tác giả Quốc ca Việt Nam tại nhà riêng, gác 2, số 108 phố Yết Kiêu, Hà Nội. Hôm đó, ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân (1992). Một ngày trước, nhạc sĩ Văn Cao đã gửi đến Nguyễn Đình Toán tấm danh thiếp, một mặt ghi địa chỉ nhà của nhạc sĩ, một mặt ghi dòng nhắn gửi của Văn Cao, mời ông đến chụp ảnh.
Đại tướng thăm nhạc sĩ Văn Cao tại căn nhà trên tầng 2, số 108 phố Yết Kiêu, Hà Nội ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao ngồi bên nhau với gương mặt nhiều suy tư, được Nguyễn Đình Toán lục lại và công bố sau ngày Đại tướng qua đời, trong triển lãm về Văn Cao bên Hồ Gươm, đã được mọi người rất yêu thích.
“Có nhiều người hỏi tôi tại sao chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao buồn thế? Tôi trả lời họ rằng, phải hỏi hai ông chứ, tại sao lại hỏi tôi. Chắc khi đó hai ông cũng có những nỗi niềm”, nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bức ảnh.
Biến khoảnh khắc thành vĩnh viễn
Ông Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta vừa kỷ niệm 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng là một hình tượng tồn tại lâu dài. Đóng góp của những nhà nhiếp ảnh như anh Trần Định và anh Nguyễn Đình Toán biến khoảnh khắc thành vĩnh viễn. Những hình ảnh trong quá khứ được giữ lại trong đó có những gương mặt chúng tôi nghĩ rằng không thể nào quên được, nhất là triển lãm này với chủ đề Đại tướng với các nhà văn hóa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đời thường - Ảnh: Trần Định |
Thông thường, nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúng ta nói đến võ công hay nói đến chính trường, còn ở đây là những hoạt động văn hóa như GS Trần Văn Giàu, nhạc sĩ Văn Cao và nhiều nghệ sĩ đương đại như nhạc sĩ Phó Đức Phương, đạo diễn – NSND Đào Trọng Khánh, nhà thơ Hữu Thỉnh… Chắc chắn triển lãm nó sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho người xem”.
Triển lãm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do hai nghệ sĩ Trần Định và Nguyễn Đình Toán thực hiện khai mạc chiều 2/1/2019 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (266 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Triển lãm kéo dài đến hết ngày 13/1/2019. |