Khiến cho nhiều người lo lắng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng. Đặc biệt, làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh - thế hệ tương lai của đất nước luôn được các đơn vị ban ngành quan tâm.
Thế nhưng, để quản lý được chặt chẽ an toàn thực phẩm trong trường học, những xe hàng rong trước cổng trường… cần sự vào cuộc của toàn xã hội, cũng như ý thức của mỗi người kinh doanh, kể cả kiến thức tự bảo vệ sức khỏe của mỗi học sinh.
Lo nhất bữa xế
Theo Tổng Cục thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 23 vụ ngộ độc, trong đó 419 người bị ngộ độc và 12 người tử vong. Những năm gần đây, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các ban ngành chỉ đạo tổ chức thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng… làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho phụ huynh học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM cho hay, từ đầu tháng 5 đến nay, sau khi trường học hoạt động trở lại, BQL ATTP thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục, ngành y tế kiểm tra công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh cũng như yêu cầu các trường phải kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trường học…
Nói về những tiêu chí trong việc để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, bà Phong Lan cho hay, tất cả đều phải tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm…
Thực phẩm cung cấp trong nhà trường bắt buộc phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối.
Thời điểm trẻ bắt đầu đi học trở lại cũng là thời điểm mùa hè, thời tiết oi nóng khiến thực phẩm dễ bị hư hỏng, ôi thiu. Về vấn đề này, bà Phong Lan cho rằng, các trường cần làm tốt công tác bảo quản thực phẩm, rút ngắn khoảng cách giữa thời gian chế biến và thời gian học sinh sử dụng thực phẩm, rút ngắn thời gian vận chuyển thực phẩm...
"Điều tôi ái ngại nhất là những bữa ăn xế, bởi đa số các trường chọn thực phẩm ăn xế cho học sinh là bánh, sữa, chè, nước ép trái cây... những loại thực phẩm này càng dễ bị ôi thiu trong thời tiết nắng nóng nếu không được bảo quản đúng cách", bà Phong Lan nói.
Do đó, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM cũng khuyến cáo, trong việc lên thực đơn hàng ngày các bữa ăn cho trẻ, nhà trường cần tăng cường cung cấp rau xanh, trái cây, hạn chế các thực phẩm gây nóng, khó tiêu.
Đủ điều kiện mới được hoạt động
Để đảm bảo cho trẻ khi tới trường sau thời gian dài nghỉ phòng tránh dịch Covid-19, Cục An toàn thực phẩm (Bộ GD-ĐT) cũng như Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM liên tiếp có những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, tư thục cũng như công lập, giáo dục thường xuyên.
Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.
Theo đó, yêu cầu bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các trường học phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Chỉ những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định mới được hoạt động.
Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.
Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay; đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng.
Có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi. Có thể bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.
Giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống. Và thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định…