Kiểm tra, hướng dẫn các tiểu thương buôn bán thịt gia súc, gia cầm chấp hành nghiêm các quy định về ATTP. |
Sau đó, là thực hiện nghiêm túc công tác thanh, kiểm tra các cơ sở, xử phạt nghiêm những cơ sở vi phạm. Công khai kết quả kiểm tra, những cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Thanh, kiểm tra đột xuất
Ông Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS Nam Định cho biết, năm 2019, đơn vị đã thực hiện 3 cuộc thanh tra chuyên ngành (22 cơ sở), 2 cuộc kiểm tra liên ngành (11 đơn vị, cơ sở), 1 cuộc kiểm tra đột xuất (3 cơ sở), 8 đợt thẩm định định kỳ và thẩm định đánh giá xếp loại cho 330 cơ sở.
Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 366 cơ sở. Trong đó, có 10 cơ sở vi phạm. Phạt với tổng số tiền 33 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là SX hàng hóa không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; người lao động không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động phù hợp; trang thiết bị, dụng cụ SX chưa phù hợp…
Cũng theo ông Lại, các cơ sở vi phạm sau khi được hướng dẫn của đoàn thanh tra, kiểm tra đã có sự tiếp thu, tự giác khắc phục sai lỗi nên chưa có trường hợp nào vi phạm nhiều lần.
“Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tùy theo mức độ của hành vi vi phạm, ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, cơ sở sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, ông Lại nhấn mạnh.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định có trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. 4 siêu thị, 1 trung tâm giới thiệu nông nghiệp sạch và 37 cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm và sản phẩm tiện ích.
Đến cuối năm 2019, cả tỉnh có 38,5ha rau; 35ha lúa; 9,1ha nuôi tôm; 1,2ha nuôi cá các loại; 24 trang trại chăn nuôi lợn, gà được chứng nhận VietGAP.
Năm 2019, Chi cục đã tiến hành thẩm định đánh giá xếp loại, thẩm định định kỳ 330 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở xếp loại A; 263 cơ sở xếp loại B; 41 cơ sở tạm dừng hoạt động, 4 cơ sở chuyển sang đơn vị khác quản lý.
Siết chặt quản lý giết mổ
Để người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn thực phẩm bảo đảm chất lượng, ATTP…, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định đã tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Lực lượng chức năng kiểm soát, đóng dấu kiểm dịch tại khu giết mổ tập trung. |
Theo ông Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định, trên địa bàn tỉnh có 2.050 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có 4 cơ sở giết mổ tập trung, 2.046 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 79 cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP, 687 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hiện đơn vị mới thực hiện kiểm soát giết mổ tại Công ty TNHH Biển Đông DHS (huyện Hải Hậu) với công suất giết mổ 200 - 250 con/giờ, giết mổ lợn thịt phục vụ tiêu thụ trong nước.
Còn tại Công ty TNHH Công Danh (TP Nam Định) chuyên giết mổ lợn sữa và lợn choai do Chi cục Thú y vùng I thực hiện kiểm soát giết mổ.
Công ty TNHH Trường Huy (huyện Hải Hậu) đang tạm dừng hoạt động. Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành đã chuyển sang sơ chế, chế biến sản phẩm động vật.
Ông Quang thông tin thêm, từ đầu năm đến nay Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh xử lý 15 xe vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vi phạm quy định về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật như không có giấy kiểm dịch vận chuyển, tự ý tháo dỡ niêm phong kẹp chì, sản phẩm không đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm cho con người.
Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 87,2 triệu đồng. Trong đó, tiến hành tiêu hủy 500 kg sản phẩm lòng lợn không đảm bảo điều kiện vệ sinh để sử dụng làm thực phẩm tại huyện Nghĩa Hưng…
Để siết chặt quản lý các cơ sở giết mổ, ông Quang cho hay, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT ban hành Công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ NN-PTNT và Quyết định số 44/2019/QĐ-UBND ngày 21/11/2019 của UBND tỉnh Nam Định.
Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các cơ quan ban ngành và chính quyền các cấp các cấp tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, tác hại, cách nhận biết và biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra, thành lập các đội kiểm dịch lưu động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh thú y và ATTP…