Thế nhưng, qua trường hợp quảng bá cuốn “Dám làm giàu” bằng hình thức rải tiền lẻ từ trên khinh khí cầu tại Huế, có lẽ phải tư duy lại về nhu cầu khoa trương trong việc giới thiệu sách.
![]() |
Khinh khí cầu bay trên bầu trời Huế để… rải tiền ra mắt sách |
Không ai kỳ thị gì việc các doanh nhân xuất bản sách. Thậm chí, công chúng còn nồng nhiệt đón nhận sự có mặt của họ trong hoạt động sách một cách cởi mở và hân hoan. Đã có không ít doanh nhân có tác phẩm tác động tích cực đến người đọc, như Lý Quí Trung với “Bầu trời không chỉ có màu xanh”, Hoàng Thư với “Bí mật những giấc mơ” hoặc Hồ Văn Trung với “Gian truân chỉ là thử thách”… Cho nên, doanh nhân Phạm Tuấn Sơn phát hành cuốn “Dám làm giàu” cũng rất đỗi bình thường.
Doanh nhân Phạm Tuấn Sơn năm nay 36 tuổi, là người sáng lập công ty Babylons chuyên tổ chức các hội thảo về tài chính và đầu tư. Tài sản và sự nghiệp của Phạm Tuấn Sơn hoàn toàn chưa có gì ghê gớm so với nhiều đại gia khác của Việt Nam.
Với cuốn sách “Dám làm giàu”, Phạm Tuấn Sơn thuê khinh khí cầu từ Thái Lan và mời mấy chục nhà báo từ Sài Gòn ra Huế để làm buổi giới thiệu sách.
Doanh nhân Phạm Tuấn Sơn ôm một bao tiền, chủ yếu những tờ mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng lên trên khinh khí cầu. Khi ở độ cao cần thiết, tác giả “Dám làm giàu” đã rải tiền xuống đất để… cho người khác nhặt, với thông điệp: “Cơ hội để tự do tài chính, kiếm tiền và trở nên giàu có luôn ở xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta có nhìn thấy để nắm lấy hay không? Và để có thể nhìn thấy và nắm lấy được những cơ hội đó, chúng ta cần có kiến thức và hiểu biết về tiền bạc và quản lý tài chính cá nhân”.
Đành rằng, doanh nhân Phạm Tuấn Sơn chỉ muốn thả xuống sân vận động Tự Do và đã thuê 100 diễn viên quần chúng đóng vai những người nhặt tiền, nhưng… hướng gió đã thổi những phong bì đỏ ra khỏi khuôn viên dự định. Rất nhiều người dân Huế đã bất ngờ nhận được tiền và cũng rất nhiều người dân Huế bức xúc vì… thái độ ngạo mạn của kẻ rải tiền!
Dù có nêu cao mục đích rải tiền từ khinh khí cầu để quay phim quảng cáo, thì hành vi ấy cũng rất phản cảm. Doanh nhân Phạm Tuấn Sơn ở trên cao ban phát “cơn mưa tài lộc” thì những người trực tiếp được mời góp mặt là các diễn viên quần chúng và các nhà báo có ý nghĩa gì?...
Trước sự việc trên, các bài phản ánh gay gắt do phóng viên tại Huế lên tiếng. Dư luận đã phẫn nộ một cách thích đáng. Và doanh nhân Phạm Tuấn Sơn phải có ngay cái thư giải trình và xin lỗi.
Trong cái thư ấy, dù tỏ vẻ hối hận: “Tôi cũng rất tiếc, vì ban đầu chỉ muốn tạo một hoạt động với quy mô nhỏ truyền tải thông điệp ý nghĩa từ cuốn sách, muốn mang lại giá trị cho mọi người từ những kiến thức và kinh nghiệm trong cuốn sách, mà cuối cùng lại tạo thành một hình ảnh tiêu cực ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là người dân Huế. Tôi chân thành xin lỗi vì sự việc này!” nhưng doanh nhân Phạm Tuấn Sơn vẫn rất hãnh tiến cho rằng: “Chúng ta đang có mặt trong một cuộc chiến, không phải cuộc chiến đấu chống lại các nước khác bằng vũ lực, mà là cuộc cách mạng chống lại sự đói nghèo. Bởi vì khi mỗi cá nhân, mỗi gia đình an toàn tự do về tài chính, ngày càng giàu có hơn thì đất nước cũng ngày càng giàu, mạnh hơn. Tôi đang chiến đấu trong cuộc cách mạng đó, không phải sử dụng vũ khí là bom hay súng, mà là dùng kiến thức và hiểu biết”. Đây rõ ràng không phải cách lý giải của một người viết sách chân thành và lịch thiệp!
Câu chuyện rải tiền trong buổi ra mắt sách của doanh nhân Phạm Tuấn Sơn, một lần nữa cảnh báo về trào lưu “không đẹp” đang có nguy cơ bùng phát. Sách là phương tiện để truyền đạt tình cảm và trí tuệ, chứ sách không phải là công cụ để lợi dụng khoe 'tiền'. Doanh nhân có được cuốn sách là điều đáng hoan nghênh, nhưng quảng bá cuốn sách kiểu đó thì lợi bất cập hại. Dám làm giàu, khác hẳn với dám làm… |