| Hotline: 0983.970.780

Đàm phán không thành, khởi kiện 14 doanh nghiệp xả thải xuống sông Chà Và

Thứ Ba 07/06/2016 , 08:00 (GMT+7)

Sau 2 lần đàm phán đền bù thiệt hại cho các hộ nuôi cá ở sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không thành, lãnh đạo tỉnh này đã phối hợp với 33 hộ dân bị thiệt hại làm đơn khởi kiện 14 DN xả thải xuống sông Chà Và.

Hiện tại, theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thiệt hại từ vụ cá chết hồi tháng 9/2015 khiến hàng chục hộ dân sống trên sông Chà Và gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch xã Long Sơn, nhiều hộ do nợ nần chồng chất phải bán bè để trả lãi vay nóng bên ngoài, rồi lên bờ đi làm thuê để tiếp tục trả nợ. Một số hộ khác hiện đã bỏ về quê làm ăn. Hầu hết các hộ bám trụ còn lại buộc phải tái sản xuất trên nguồn nước bị ô nhiễm mà không biết trước được rủi ro khi nào xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Lùn (làng bè Chà Và) cho biết: “Bây giờ chúng tôi không nuôi cá thì biết làm gì để sống, nợ nần hàng trăm triệu sao mà trả. Mà để có vốn làm ăn, tôi phải cầm cố hết toàn bộ sổ đỏ của gia đình cho ngân hàng, vay nặng lãi bên ngoài tới gần 300 triệu đồng, tiền lãi gần 3 triệu/tháng”.

Không chỉ riêng chị, tất cả các hộ ở đây, từ anh Huệ, chị Nở, anh Minh thuộc khu làng chài này, đều rưng rưng nước mắt kể với chúng tôi. Ai cũng lo lắng việc đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nuôi lại, nhưng phải nuôi ngay trên chính vùng nước bị ô nhiễm, rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào.

Ông Bình nhấn mạnh: “Việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người dân là cần thiết để các hộ dân nơi đây có điều kiện tái sản xuất, đảm bảo cuộc sống, chúng tôi đang tích cực hỗ trợ một phần nào đó để người dân nuôi cá trở lại, thông qua việc hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách, quy hoạch, tìm kiếm các khu vực nuôi cá mới cho người dân”.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, vào tháng 9/2015, nhiều hộ dân trên làng bè sông Chà Và (khu vực thuộc xã Long Sơn) báo với cơ quan chức năng về tình trạng cá chết trắng hàng loạt không rõ lý do. Theo ước tính có 33 hộ dân bị thiệt hại, 130 tấn cá chết, tổng số tiền thiệt hại vào khoảng 18 tỷ đồng.

Sau thời gian điều tra, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định cá chết do ô nhiễm nguồn nước, mà nguyên nhân chính là từ nước thải của các doanh nghiệp gây ra.

Theo kết quả phân tích nước biển của Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐH Quốc gia TP.HCM) có tới 14 DN (thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có hành vi xả chất thải chưa qua xử lý xuống sông Chà Và với nhiều mức độ khác nhau, chiếm 76% vào tỷ lệ gây ô nhiễm nguồn nước, số còn lại do rác thải sinh hoạt của người dân sống trên sông và yếu tố thiên nhiên.

12-44-45_2
Ảnh: Ngô Trường

 

Trong 2 lần đàm phán giữa đại diện 14 DN vi phạm xả thải và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các đơn vị này đều thừa nhận việc xả thải xuống sông Chà Và gây ô nhiễm, một phần nguyên nhân cá chết do họ.

Tuy nhiên, nhiều DN không đồng tình với tỷ lệ ô nhiễm gây ra theo kết quả phân tích, không chấp nhận đền bù 76% thiệt hại như yêu cầu. Nhiều lần đàm phán không thành, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ cho 33 hộ dân bị thiệt hại phối hợp cùng đoàn luật sư tỉnh tiến hành khởi kiện các đơn vị này ra tòa nhằm đòi lại công bằng.

Theo luật sư Hoàng Long Hà thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quy trình khởi kiện 14 DN hiện vẫn theo đúng trình tự. Gần 20 luật sư thuộc 11 tổ chức hành nghề đang tích cực phối hợp cùng với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan và 33 hộ dân trong việc đánh giá thiệt hại một cách chi tiết.

Theo luật sư Hà, vừa qua, đoàn luật sư cùng với 33 hộ dân đã ký, hoàn tất đơn kiện và nộp hồ sơ lên tòa án. Phía tòa cũng đã chấp nhận hồ sơ và yêu cầu người dân đóng tạm ứng án phí để thụ lý vụ án, và đồng ý giảm 50% phí này cho người dân do điều kiện khó khăn. Hiện tại, có gần một nửa số hộ dân đóng hoàn tất tạm ứng án phí, phân nửa còn lại do điều kiện khó khăn, một số hộ đã bỏ đi nơi khác làm ăn nên có chút chậm trễ.

Đối với chứng cứ kiện tụng, có chút khó khăn trong việc xác minh chính xác số lượng cá chết của mỗi hộ dân để có cơ sở xử phạt. Bởi lẽ, vào thời điểm cá chết, người dân không tính toán, xác minh ngay được số lượng. Mãi tới gần 1 tháng sau, người dân phải nhờ các cơ quan chức năng tính toán hộ, thông qua các hợp đồng mua bán con giống, tiền thức ăn, điện nước. Do đó, các luật sư phải phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh xác minh, lấy lời khai của từng nông dân một cách chính xác nhất.

Sau thời gian nghiên cứu hồ sơ, luật sư Hoàng Long Hà cho biết: “Các chứng cứ cụ thể như báo cáo đánh giá tác động môi trường của Sở NN-PTNT, báo cáo kết quả phân tích nước biển của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá thiệt hại do 14 DN xả thải gây ra, đã tương đối đầy đủ và chính xác.

Ngay sau khi có kết luận của cơ quan chức năng về việc xả thải gây ô nhiễm, các DN này không có bất kỳ khiếu nại nào, nên buộc phải chấp nhận nó. Đoàn luật sư có căn cứ để buộc các DN này chấp nhận hình thức xử phạt”.

 

Xem thêm
Cặp vợ chồng tử vong trong khi đốt nương làm rẫy

Quá trình đốt nương để lấy đất canh tác, thấy lửa cháy lan 2 vợ chồng cố gắng dập lửa. Song không may, cả 2 đã tử vong trong đám cháy.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.