Vậy mà nông dân vẫn cứ lên vồng, xuống giống, tiếp tục đeo đuổi “canh bạc” dưa hấu dù thất bại hiển hiện trước mắt!
Lỗ vẫn trồng
Đi qua cánh đồng SX 2 vụ lúa/năm ở xã Nhơn An (TX An Nhơn, Bình Định), chúng tôi thấy cả cánh đồng mênh mông đã được lên vồng, xuống giống dưa hấu. Dừng lại hỏi thăm, được biết đây là diện tích dưa của một nông dân xã khác xuống đây thuê đất trồng. Anh Đào Minh Thiên, chủ ruộng dưa cho biết: “Tôi thuê 1ha đất ruộng giá 20 triệu đồng/vụ (3 tháng). Hiện toàn bộ đã được xuống giống, đang giai đoạn chăm sóc cây con”.
Dù dưa hấu đang bán không ai mua nhưng anh Đào Minh Thiên vẫn thuê 1ha đất ruộng để trồng |
Khi được hỏi: “Trước thông tin dưa hấu hiện đang ế ẩm, thị trường Trung Quốc đã dừng thu mua, bán nội địa giá chưa đến 1.000đ/kg mà vẫn không tiêu thụ được, vậy sao giờ anh vẫn liều trồng vụ dưa mới?”, anh Thiên nói ngay: “Ai đã lỡ “dính” vào dưa hấu mà bị thua lỗ nặng rồi thì không thể rứt ra, bởi muốn gỡ gạc vẫn phải trồng loại cây này. Khi thu hoạch gặp thời điểm dưa có giá mới có cơ hội gỡ lỗ".
Trồng dưa hấu cũng như đánh “canh bạc” giữa đồng, thu hoạch gặp lúc giá lên 7.000 – 8.000đ/kg thì trúng. Nếu gặp lúc ế thì đành chịu lỗ. Ở huyện Vĩnh Thạnh, anh Nguyễn Văn Lê (54 tuổi), người vừa mới thu 30 sào dưa hấu (500m2/sào) cách đây nửa tháng, giá 5.000đ/kg, thu nhập đủ trả công và có lãi chút ít. Hiện anh cũng đang chuẩn bị xuống giống 10ha dưa hấu vụ thu 2018 tại xã Vĩnh Hiệp.
Anh Lê chia sẻ: “Đành là trồng dưa hấu tựa như “đánh bạc”, nhưng người “đánh” giỏi cũng phải biết tính toán. Do vậy phải 1 tháng nữa tôi mới xuống giống, nhằm thu hoạch vào khoảng mùng 10/7 âm lịch, để né cao điểm trái cây xuất rộ sang Trung Quốc, trong đó có dưa hấu.
Hiện Trung Quốc đang thu hoạch dưa hấu đại trà, nên dừng mua dưa của Việt Nam. Thời gian thu hoạch dưa hấu bến đó kéo dài 2 tháng là chấm dứt, hy vọng đến lúc ấy họ lại nhập dưa hấu của ta. Nhiều năm qua, lứa dưa hấu vụ thu nào tôi cũng trúng giá, nên vụ này tôi vẫn tin tưởng”.
Dưa hấu “du canh” đắn đo
Theo Sở Công thương Bình Định, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 13.000ha đất được trồng dưa hấu, năng suất 40 tấn/ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 50.000 tấn, đầu ra chủ yếu là xuất sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Bình Định còn có hàng trăm hộ nông dân đeo đuổi nghiệp trồng dưa hấu kiểu “du canh”, đi tha phương thuê đất để trồng. Tiền thuê đất, thuê công ngày càng tăng cao, nên những hộ trồng dưa hấu “du canh” đang rất đắn đo có nên xuống giống vụ mới hay không, bởi giá cả lên xuống quá bất thường.
Anh Nguyễn Văn Tánh (SN 1972) quê ở thôn 3, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) có hơn 20 năm “du canh” thuê đất trồng dưa hấu từ tỉnh Phú Yên lên Tây Nguyên. Vừa rồi, khi 35 sào dưa hấu của anh cho thu hoạch cũng là lúc Trung Quốc vừa “đóng cửa”, thương lái không thu mua, anh phải tự thuê xe chở dưa đi bán lẻ.
Ảnh minh họa |
Kết thúc vụ dưa, anh Tánh chưa hết choáng váng vì khoản lỗ khổng lồ, rất muốn trồng lại vụ dưa mới để gỡ lỗ, nhưng anh lại đắn đo vì sợ ... lỗ tiếp. “Bán xong vụ dưa, tôi thấy mệt mỏi quá, quyết định không trồng nữa, đợi vụ dưa ĐX năm sau để tránh rủi ro. Trồng vào thời điểm này gặp mưa dông cây dưa dễ sinh bệnh, thu hoạch dưa đúng vụ rộ các loại trái cây khác, cầm chắc đi tong”, anh Tánh chia sẻ.
Anh Tánh tính toán: Tiền thuê đất ngày một tăng cao, nhất là đất tại Phú Bổn (Gia Lai). Đất trồng dưa ở Phú Bổn giá thuê từ 18 - 30 triệu đồng/ha/vụ, tùy vị trí đất, đất càng chủ động nước và gần đường đi thì giá càng cao. Chi phí thuê nhân công cũng rất nhiều. Công làm đất, lên vồng lên luống, xuống giống, chăm cây con, chọn cành dọn nhánh, chọn trái, ... hết 6 triệu đồng/người/tháng.
“Tính chi li, mỗi sào dưa từ khi làm đất xuống giống đến thu hoạch, chi phí 8 triệu đồng. Nếu năng suất đạt 2 tấn/sào, dưa đứng giá 7.000 – 8.000đ/kg thì người trồng có lãi, nếu 5.000đ/kg thì thu mới đủ bù chi. Còn nếu chỉ 1.000đ/kg thì người trồng dưa lỗ chỏng gọng”, anh Tánh bộc bạch.
“Trong công cuộc chuyển đổi cây trồng, dưa hấu là loại cây mà ngành nông nghiệp Bình Định không khuyến khích. Nếu nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng lạc, vừng, đậu đỗ các loại thì sẽ được hỗ trợ 50% giống và các chính sách khác. Nếu chuyển sang trồng dưa hấu thì không được hưởng các chính sách hỗ trợ nói trên”, ông Đào Văn Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định. |