| Hotline: 0983.970.780

Thị trường bấp bênh, lại đua nhau phát triển nóng, dưa hấu liên tục nếm vị đắng

Thứ Hai 14/05/2018 , 13:05 (GMT+7)

Ngoài cây có múi, thì dưa hấu chính là loại trái cây bấp bênh nhất, có nguy cơ bị dư thừa bất cứ lúc nào. Đơn giản, là cây dưa hấu ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, dễ trồng, nên nông dân phát triển ồ ạt, theo kiểu mạnh ai nấy làm, bất biết thị trường ra sao...

Vì vậy, ở các tỉnh miền Trung, một điệp khúc kinh niên là hầu như năm nào cũng kêu gọi "giải cứu" dưa hấu.

Tại huyện Phú Ninh (Quảng Nam), vụ sản xuất dưa hấu xuân hè nông dân trồng vượt quá quy hoạch 90ha. Trong khi đó thương lái ngừng thu mua nên hàng ngàn tấn dưa bị ứ đọng. Để "giải cứu" dưa hấu, ngành nông nghiệp tỉnh phải kêu các cơ quan nhà nước vào cuộc.
 

1.300 tấn dưa ứ đọng

Chiều tối hôm trước cơn mưa chiều đổ xuống, anh Nguyễn Văn Khánh, xã Tam Phước đoán chắc ruộng dưa 3 sào đã đến kỳ thu hoạch quả bị nứt nẻ. Mới sáng sớm, anh đã ra thăm ruộng và không tin vào mắt mình, bởi nhiều quả dưa dấu nứt toác, ruột dưa đỏ hồng bung ra nhiều hơn anh dự tính.

10-23-05_nh_1
Ruộng dưa của anh Khánh chín rục trên ruộng

“Thời vụ trồng dưa hấu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, ruộng dưa của tôi vượt quá 5 ngày rồi, mặc dù giá bán 1.000 đồng/kg vẫn không có người mua. Thời tiết mưa bất thường, chắc vài ngày nữa dưa hỏng đến 30%. Giờ chẳng biết làm sao cả, bỏ mặc dưa ngoài ruộng chứ đưa về không có nơi bảo quản”, anh Khánh chua chát.

Theo anh Khánh, vụ này thời tiết thuận lợi, năng suất dưa hấu đạt 2 tấn/sào. Để có thành quả đó, anh đầu tư mỗi sào hết 3 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. “Nếu dưa có giá 8.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi lãi được 13 triệu đồng. Còn cứ đà này thì 9 triệu đồng đầu tư cho 3 sào và công chăm bón hơn 2 tháng qua đi tong", anh nói.

10-23-05_nh_2
Dưa chín gặp mưa bị nứt nẻ nằm lăn lóc trên ruộng

Cạnh ruộng dưa của anh Khánh, ông Ngô Đức Thắng, thị trấn Phú Thịnh trồng 5 sào dưa đã chín, không có người thu mua, nên ông cắt đi bán lẻ. Ông Thắng thuê xe tải nhỏ chở dưa lên các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My bán.

“Cũng chưa biết có bán được không nữa, bởi rất nhiều người đưa dưa lên đó bán rồi. Nhưng để dưa hư hỏng ngoài ruộng thì xót quá nên không đành. Bán giá 5.000 đồng/kg thì có được đồng lời, còn không ai mua thì mất cả vốn trồng dưa lẫn tiền thuê xe chở đi tiêu thụ”, người nông dân này nói.

Bà Nguyễn Thị Phương, xã Tam An, trồng 5 sào dưa hấu giống Hắc Mỹ Nhân, thu 8 tấn trái. Dưa chín rục trên ruộng, bà gọi thương lái bán với giá 1.000 đồng/kg nhưng chẳng ai đến. Bà may mắn được một nhóm giải cứu ở Hà Nội gọi điện vào mua 3.000 đồng/kg nên cả gia đình cắt dưa đưa ra đường chờ xe đến chở đi. Với giá bán này, bà mới hòa vốn.

10-23-05_nh_3
Bà Phương mang dưa ra đường để nhóm giải cứu đưa đi bán

Cay đắng hơn phải kể đến làng trồng dưa “du mục”, họ thuê đất canh dưa nhưng nay không có người mua. Anh Nguyễn Văn Trình, xã Tam Phước, cùng 5 người hàng xóm ra vùng đất xã Bình Định, huyện Thăng Bình cách nhà 40 km thuê đất trồng dưa. Mỗi người trồng trên 10 sào, vốn đầu tư cả chục triệu giờ đứng trước nguy cơ mất trắng.

Theo anh Trình, ở quê gia đình anh có 5 sào đất thì trồng lúa để lấy gạo ăn. Ở đó việc làm không có nên anh ra đây thuê 11 sào đất với giá 400 ngàn đồng/sào để trồng dưa. Anh dựng lều trên ruộng ăn ở chăm sóc dưa.

Trước việc dưa ứ đọng, Sở NN-PTNT Quảng Nam viết thư gửi đến các tổ chức, cá nhân, kêu gọi mua dưa hấu ủng hộ nông dân. Bức thư viết, giá dưa hấu tại Quảng Nam đang giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 1.000 đồng/kg. Lượng dưa hấu còn tồn đọng trong dân 55 ha, với sản lượng 1.300 tấn, chủ yếu ở xã Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Phước... của huyện Phú Ninh.
“Để giải quyết đầu ra nhằm ổn định đời sống cho bà con nông dân, Sở NN-PTNT kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu, giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay”, thư viết.

Sau gần 3 tháng thời tiết thuận lợi, năng suất đạt 1,7 tấn/sào, trọng lượng mỗi quả dưa đạt trên 4kg đáp ứng tiêu chí bán sang Trung Quốc. Cứ ngỡ, vụ dưa này anh sẽ mang về một khoản tiền lớn, ai ngờ dưa chín đầy ruộng thì không có người mua, mặc dù giá bán 1.800 đồng/kg.

“Tổng tiền đầu tư hết 60 triệu đồng gồm giống, phân bón, máy cày đất, bơm nước tưới… chưa kể công bỏ ra giờ bị lỗ nặng. Cây dưa rất ngắn ngày, dễ trồng hơn nhiều cây khác, nếu bán được giá thì lợi nhuận cao gấp nhiều lần, cũng vì thế sau một vụ dưa bán được giá, nông dân mở rộng diện tích canh tác”, anh Trình bày tỏ.
 

Vượt quá quy hoạch

Ông Võ Thanh Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh cho biết, đầu vụ thương lái thu mua giá 6.000 đồng/kg dưa hấu xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, sau đó đóng cửa khẩu nên bị ứ đọng 1/3 diện tích, với sản lượng khoảng 3.000 tấn.

Theo ông Anh, dựa vào lượng tiêu thụ các năm, huyện quy hoạch sản xuất 400ha dưa hấu. Tuy nhiên năm trước dưa bán được giá nên năm nay người dân tự mở rộng thêm 90ha. “Hiện tại có một số mạnh thường quân, doanh nghiệp đã mua được gần 1.000 tấn dưa của bà con với giá 4.000 đồng/kg. Sau đó đưa đi TP Tam Kỳ, TP.HCM... tiêu thụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi giải cứu dưa hấu”, ông Anh nói.

Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, dưa hấu tại Quảng Nam được thương lái thu mua và xuất bán chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Cách thức buôn bán này ngành nông nghiệp không biết được mỗi năm ở cửa khẩu cần mua bao nhiêu dưa, do đó không có số liệu cụ thể để quy hoạch vùng sản xuất, dự báo cho nông dân canh tác.

“Dấu hấu vào vụ thu hoạch đồng loạt nên số lượng rất lớn, không tiêu thụ nhanh chóng sẽ bị hư hỏng. Tại Quảng Nam hiện chưa có một kho lạnh nào để bảo quản dưa hấu”, ông Muộn cho hay.

Theo ông Muộn, các năm trước người dân huyện Phú Ninh tính toán trồng dưa bán hết trong tháng 4 và được giá. Riêng năm nay, đầu vụ sản xuất trời mưa, đất ướt nên một số diện tích bị trễ vụ. “Năm nay ở Trung Quốc thời tiết nắng ấm sớm, họ trồng được dưa và đang thu hoạch nên nhu cầu nhập dưa không lớn dẫn đến thương lái mua ít. Do đó số dưa ứ đọng rơi vào đúng giai đoạn này nên giá thấp”, ông Muộn thông tin.

10-23-05_nh_4
Dưa chất thành đống

Ông Muộn chia sẻ thêm, để giải quyết chuyện được mùa mất giá, tại huyện Phú Ninh mấy năm trước đã có mô hình sản xuất dưa VietGap, Sở mời các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối đến bàn cách tiêu thụ dưa cho dân. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào bắt tay liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, còn siêu thị, chợ đầu mối chỉ thu mua rất ít.

“Không thể giải cứu mãi được nhưng hiện nay giá dưa 1.000 đồng/kg nên chúng tôi buộc phải kêu cứu. Còn về lâu dài phải có cách khác”, ông nói và cho rằng rất mong muốn có những ký kết giữa hai Việt Nam và Trung Quốc xuất dưa hấu chính ngạch.

Theo con đường này, Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, cái này khó về trước mắt nhưng về lâu dài có lợi cho ta. Khi đó có số lượng cụ thể thì ngành nông nghiệp đưa ra dự báo, quy hoạch sản xuất, tránh bị ứ đọng như hiện nay.

10-23-05_nh_5
Ông Thắng gánh dưa đưa lên xe tải đi bán lẻ
Ngoài huyện Phú Ninh trồng dưa hấu, tại Quảng Nam người dân các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc cũng trồng dưa khá nhiều. Diện tích này hơn nửa tháng nữa thu hoạch, trước việc dưa chín không ai thu mua, người dân rất lo lắng. Nông dân hi vọng vụ dưa trễ hơn huyện Phú Ninh gần 20 ngày nên dễ bán, và được giá hơn.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.