| Hotline: 0983.970.780

Dân đồng thuận hiến đất cho xây dựng NTM kiểu mẫu

Thứ Ba 16/11/2021 , 09:07 (GMT+7)

Đất đai ở Hải Phòng có nơi giá lên đến vài chục triệu đồng/m2, nhưng công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các hạng mục NTM kiểu mẫu vẫn thuận lợi.

Không có cuối tuần

Sau khi 8 xã thí điểm một số hạng mục công trình xây dựng NTM kiểu mẫu sắp hoàn thành, UBND TP Hải Phòng đã tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu tại 14 xã tiếp theo với khối lượng công việc trọng tâm là giải phóng mặt để mở rộng mặt đường giao thông nông thôn.

Đường NTM kiểu mẫu ở xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Đường NTM kiểu mẫu ở xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Dù mục tiêu mới chưa hoàn thành nhưng bộ mặt nông thôn đã thực sự lột xác, nhà cao tầng mọc san sát ven những con đường rộng thênh thang, có cả điện chiếu sáng. Buổi chiều dọc những con đường bê tông thẳng tắp giữa các cánh đồng trẻ em thì vui vẻ đạp xe vui chơi, người lớn thì phấn khởi đi lại tập thể dục.

Có được thành quả này, ít ai biết rằng, thời gian qua, cả hệ thống chính trị ở Hải Phòng đã vật lộn, họp lên họp xuống với việc đền bù và giải phóng mặt bằng để thi công các hạng mục công trình và đã có nhiều Chủ tịch UBND xã không có ngày nghỉ cuối tuần để dành thời gian cho việc vận động nhân dân hiến đất.

Còn nhớ, khi Hải Phòng bắt đầu thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thép (lúc đó đang là Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hải Phòng) đã thẳng thắn bộc bạch rằng “Một trong những nỗi lo lớn nhất trong xây dựng NTM ở Hải Phòng là giải phóng mặt bằng bởi giá đất đang lên rất cao, hiến 100m2 có nơi dân đã mất đến cả tỷ đồng”.

Chia sẻ này hoàn toàn có lý khi trên thực tế, từ 2019 đến nay, tình trạng sốt đất đã diễn ra mạnh mẽ ở Hải Phòng, có những nơi ở nông thôn như xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, giá đất lên đến 70 triệu đồng/m2, còn một số xã như Đồng Thái (An Dương), Xuân Đám (Cát Hải), Thụy Hương (Kiến Thụy), Tân Dân (An Lão),… giá đất cũng không dưới 20 triệu đồng/m2 cho những vị trí tương đối.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp – Chủ tịch UBND xã Xuân Đám chia sẻ cho biết, sau khi địa phương được lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu, cái đầu tiên lo là làm thế nào có đất để mở rộng đường nông thôn theo tiêu chí quy định bởi đặc thù địa phương trên đảo đất đai ít, giá trị lại cao.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai thì những khó khăn vướng mắc đều được tháo gỡ, có những hộ mất đến hàng trăm m2 đất, có những hộ phải hiến đến 2 lần (xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu) và đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã hầu như không có ngày nghỉ cuối tuần.

“Đất du lịch nên giá trị đất đai cao, anh em gia đình tôi tính ra hiến đất tính ra giá trị cũng lên đến 700-800 triệu đồng, còn người dân cón những hộ đã hiến đến sát nền nhà nếu lấy đất tiếp thì rất khó khăn. Tuy nhiên, bằng cách làm sáng tạo, đến nay chúng tôi đều đã xử lý ổn thỏa, người dân vui vẻ hiến đất để xây dựng NTM”, ông Nghiệp chia sẻ.

Lấy bao nhiêu đất cũng được

Xã Chiến Thắng, huyện An Lão vừa được UBND TP Hải Phòng lựa chọn là một trong 14 xã tiến hành xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2021, khỏi phải nói đến sự phấn khởi người dân địa lớn như thế nào. Tuy nhiên, với một số lãnh đạo chủ chốt thì sự lo lắng về trách nhiệm cũng hiện rõ trên khuôn mặt.

Ông Đào Đăng Dũng - Phó Chủ tịch UBND Chiến Thắng chỉ cho PV khu vực người dân tự phá bỏ công trình để hiến đất xây dựng NTM kiểu mẫu. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đào Đăng Dũng - Phó Chủ tịch UBND Chiến Thắng chỉ cho PV khu vực người dân tự phá bỏ công trình để hiến đất xây dựng NTM kiểu mẫu. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đào Đăng Dũng – Phó Chủ tịch UBND Chiến Thắng chia sẻ, địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 và hiện tại được UBND TP Hải Phòng được lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu, trong 2021, chúng tôi được phê duyệt 4 hạng mục công trình, có 1 tuyến đường rộng 9m.

Dù chưa triển khai chính thức, nhưng qua nắm bắt thông tin ban đầu, người dân đồng thuận rất cao, những vị trí lo ngại sẽ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng như ngã 3, ngã 4 đường, người dân đã sãn sàng hiến đất dù chưa có bất cứ thông báo nào.

“Khó khăn đầu tiên chúng tôi tiên liệu đó là giải phóng mặt bằng, nhất là các nút giao, ngã 3, ngã 4 đường bởi giá trị, tuy nhiên, đến nay đã có nhiều hộ đăng ký hiến đất cho nhà nước làm đường, có hộ còn khẳng định lấy bao nhiêu cũng được”, ông Dũng chia sẻ.

Theo tìm hiểu, ngoài xã Chiến Thắng đang chuẩn bị thì trên địa bàn huyện An Lão hiện tại đang có 1 địa phương đang giai đoạn nước rút để hoàn thành các hạng mục công trình xây dựng NTM kiểu mẫu là xã Tân Dân.

Triển khai các hạng mục công trình, xã Tân Dân đã vận động hộ dân hiến 32.704m2 đất, gồm: 23.669m2 đất nông nghiệp, 9.898m2 đất ở, 100% các hộ đã đồng thuận hiến đất, tương ứng với kinh phí khoảng 21.198 triệu đồng (theo giá nhà nước) và khoảng 76.699 triệu đồng (theo giá thị trường).

Để thực hiện được khối lượng công việc này, ngay sau khi có chủ trương, công tác triển khai được tiến hành sâu rộng xuống các khu dân cư của các thôn, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị trong công tác vận động nhân dân tổ chức giải phóng mặt bằng hiến đất ở, đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông.

Đồng thời trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện xác định nội dung quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu nội dung, ý nghĩa và các quy định, hướng dẫn liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ đó, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vật kiến trúc trên đất, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công thực hiện các dự án cải tạo mở rộng đường giao thông trên địa bàn xã.

Ông Đặng Duy Thược, 1 cựu chiến binh thông Mông Thượng cho biết: “Chỗ đó là đất anh trai tôi, diện tích phải hiến khoảng 50m2, giá trị hiện tại cũng gần 1 tỷ đấy. Còn gia đình tôi có thể sẽ hiến nhiều hơn, nhưng nhà nước cần bao nhiêu chúng tôi hiến bấy nhiêu”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.