Đầu tư “khủng” cho tiêu chí giao thông và môi trường
Trao đổi với NNVN, ông Phạm Văn Thép – Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hải Phòng cho biết, chủ đề mà BCH Đảng bộ thành phố đã đưa ra cho năm 2021 là đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị và xây dựng NTM kiểu mẫu.
Trên cơ sở đó, ngoài 8 xã đã được lựa chọn năm 2020, hiện nay, TP Hải Phòng đang hoàn thiện các bước để tiếp tục mở rộng quy mô xây dựng NTM kiểu mẫu thêm 14 xã khác với nguồn kinh phí giao động từ 150-200 tỷ đồng/xã.
Ông Thép cho biết, trong xây dựng NTM kiểu mẫu, Hải Phòng đã chọn 2 tiêu chí để làm điểm là đường giao thông và môi trường với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng mà hiện nay trong cả nước mới chỉ có TP Hải Phòng thực hiện được.
Cụ thể về giao thông, tại các xã NTM kiểu mẫu sẽ có 4 loại đường, loại thứ nhất là đường huyện về xã có mặt đường rộng 9m, vỉa vè mỗi bên tối thiểu phải rộng 1,5m, có điện chiếu sáng, có rãnh thoát nước, có cây xanh.
Loại đường thứ 2, từ trung tâm xã về trung tâm các thôn, mặt đường rộng 7m, tối thiểu vỉa hè mỗi bên rộng 1,5m, có điện chiếu sáng, có rãnh thoát nước, có cây xanh. Loại thứ 3 là đường trong nội bộ các thôn sẽ có chiều rộng là 5,5m, còn loại thứ 4 là đường ngõ xóm, rộng 3,5m, cả 2 loại đường này đều có điện chiếu sáng và rãnh thoát nước.
Đối với tiêu chí về môi trường, hiện tại, ngoài việc cấp 130 tỷ để xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại Cát Hải, thành phố cũng bố trí 2.000 tỷ để xây dựng khu xử lý rác thải Biogas và đang cho khảo sát cho xây dựng nhà máy nghiền rác tại Đình Vũ với công suất khoảng 2.000 tấn/1 ngày, tổng mức đầu tư khoảng 215 triệu USD.
Đối với việc xử lý rác thải nông thôn, trước mắt, Hải Phòng sẽ xây dựng mỗi xã một khu xử lý chôn lấp rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường ở nông thôn, còn về lâu dài, mỗi huyện sẽ quy hoạch 1 điểm để xử lý rác cho địa phương với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản hiện nay.
“Trong tương lai, TP Hải Phòng sẽ tập trung cho đô thị hóa theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, đến năm 2030 thì 50% số huyện ở Hải Phòng sẽ tiến tới xây dựng thành quận, do đó thành phố sẽ tập trung đi trước 1 bước để thực hiện tiêu chí này”, ông Thép chia sẻ.
Tiên phong hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng
Trong quá trình xây dựng NTM ở Hải Phòng cũng có xuất hiện một số vướng mắc, trong đó khó khăn nhất là về hiến đất để giải phóng mặt bằng do giá trị đất tại địa phương này hiện nay đang lên rất cao, có nơi đã tăng lên gấp 10 lần so với 1-2 năm trước.
Đơn cử như tại xã Đồng Thái, huyện An Dương, năm 2021, địa phương này sẽ phải hoàn thiện xây dựng 14 tuyến đường còn lại theo bộ tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu. Với vị trí mặt đường ở xã Đồng Thái, giá đất hiện tại sẽ giao động từ 20-25 triệu đồng/m2, nếu người dân bỏ ra khoảng 50m2 đất để làm đường thì tổng thiệt hại đã lên đến cả tỷ đồng. Với con số ấy, khi chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân hiến đất chắc chắn sẽ là một thách thức cực lớn.
Ghi nhận của PV, việc khó khăn trong giải phóng mặt bằng không chỉ xảy ra tại huyện An Dương mà hầu khắp các địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu đều vướng vấn đề giải phóng mặt bằng, ví dụ như xã Xuân Đám (huyện Cát Hải), xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), xã Gia Đức, Gia Minh (huyện Thủy Nguyên),…
Tại 8 xã được lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2020 đến nay vấn đề này cơ bản đã hoàn hành nhưng với 14 xã của năm 2021 và các địa phương khác trong những năm tới sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện với phương châm “khó đến đâu gỡ đến đó”, những vướng mắc đều được thành phố tiếp thu và xử lý, ví dụ như việc chỉnh lý hồ sơ sau khi hiến đất, sau khi nắm được tình hình, hiện nay thành phố đã chi trả phần kinh phí này cho người dân.
Mặt khác, TP Hải Phòng cũng đã có kế hoạch để hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người tham gia hiến đất…. Do đó, trong thời gian tới việc xây dựng NTM kiểu mẫu tại Hải Phòng chắc chắn sẽ nhận được đồng thuận cao của nhân dân.
“Ban đầu không ít người chưa đồng thuận, tuy nhiên với cách làm làm quyết liệt, sáng tạo, chính quyền vận động, dòng họ vận động, gia đình vận động gia đình, vận động người dân hướng đến lợi ích chung, mặt khác, các địa phương có hình thức động viên, khen thường người đã hiến đất kịp thời nên sau đó bà con cơ bản đều đồng thuận.
Thời gian tới, có thêm cơ chế hỗ trợ của thành phố, nhất là trong hỗ trợ giải phóng mặt bằng để mở rộng đường giao thông nông thôn thì cơ bản những vướng mắc lớn nhất đã được giải quyết, các địa phương chỉ cần tập trung hoàn thiện các hạng mục công việc theo yêu cầu”, ông Thép cho biết.
Năm 2020, thành phố lựa chọn 8 xã trên địa bàn để triển khai thí điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu với tổng kinh phí là 1.083,79 tỷ đồng.
Theo dự định ban đầu, tại 8 xã này sẽ được đầu tư xây dựng tổng cộng 244 công trình, trong đó, 240 công trình đường giao thông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mới thí điểm đầu tư xây dựng 38 công trình, đến nay các công trình này đều đã hoàn thành.
Năm 2021, các công trình chưa thực hiện được theo kế hoạch tại 8 xã này sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đồng thời gối vào đó là 14 xã khác cũng tiến hành xây dựng NTM kiểu mẫu với tổng nguồn kinh phí khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, với 14 xã mới triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, dự kiến mỗi xã sẽ được giải ngân khoảng 40 tỷ đồng.