| Hotline: 0983.970.780

Dân dùng nước nhiễm bẩn khi nhiều công trình nước sạch 'đắp chiếu'

Thứ Ba 27/06/2023 , 15:14 (GMT+7)

Hàng nghìn hộ dân dùng nước nhiễm bẩn trong khi nhiều công trình nước sạch tập trung tiền tỷ xuống cấp, bỏ hoang, gây lãng phí. Thực tế này xảy ra tại tỉnh Quảng Trị.

Người dân xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) đang phải sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) đang phải sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Ảnh: Võ Dũng.

Từ vùng biển đến vùng núi phải dùng nước nhiễm bẩn

Ông Đoàn Văn Bi, tổ 11, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) cho hay, từ nhiều đời nay, người dân ở đây phải sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Không chỉ giếng khơi, giếng khoan sâu hàng chục mét sau khi lọc thô 2-3 lần vẫn có mùi tanh, màu đỏ quạch. Vì vậy, lõi lọc nước RO của gia đình ông phải thay liên tục.

“Nước tràn ra từ bể lâu ngày để lại dấu vết mùn đỏ rất rõ. Chúng tôi đời đời kiếp kiếp phải ăn nguồn nước này chứ cũng không biết làm sao”, ông Bi cho hay.

Bài liên quan

Nước bị ô nhiễm, ông Bi và nhiều hộ dân trong vùng phải đi mua nước đóng bình về để nấu ăn và sử dụng. Nước giếng khoan chủ yếu chỉ dùng tưới cây, tắm giặt.

Tình trạng này cũng đang xẩy ra tại xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong). Theo thống kê của UBND xã Triệu Giang, 100% giếng khoan tại đây bị ô nhiễm do tình trạng xâm nhập mặn.

Ông Hồ Viết Tuyền, trưởng thôn Trà Liên Tây cho biết, tình trạng xâm nhập mặn đã khiến hầu hết giếng nước trên địa bàn bị ô nhiễm.

“Thôn Trà Liên Tây có 800 hộ dân với 4 nghìn nhân khẩu. Tất cả các giếng khoan đều nhiễm mặn mức độ nặng. Chúng tôi rất lo và mong có công trình nước sạch để người dân đỡ vất vả”, ông Tuyền cho hay.

Đại diện UBND xã Triệu Giang cho hay, tất cả các giếng khoan trên địa bàn xã đều đã nhiễm phèn. Nhiều lần cử tri đã đề nghị xây dựng công trình nước sạch nhưng đến nay người dân vẫn chưa được đáp ứng.

“Trước mắt, xã khuyến cáo người dân sử dụng các bể lọc nước tự xây dựng để lọc và lọc lại bằng máy để sử dụng”, ông Phan Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Giang chia sẻ.

Ngược lên các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng ngày càng ô nhiễm và khan hiếm.

Ngay trong vườn nhà bà Hồ Thị Mai, thôn Kỳ Tăng, xã Lìa (huyện Hướng Hóa) có một bể nước tập trung. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, bể không còn một giọt nước. Gia đình bà phải sắm rất nhiều can nhựa để khi mùa hè đến đi xin nước từ các làng bên về dùng hoặc ra suối xách nước. Đây là tình cảnh chung của hàng chục hộ dân thôn Kỳ Tăng.

“Nhà phải đào giếng cạnh suối Ka Đặp nhưng nước cũng bẩn lắm! Nhà tôi phải đi xin nước về dùng nhưng cũng không đủ. Trong thôn có vài hộ khoan giếng nhưng nước bị nhiễm vôi, không dùng được”, bà Mai cho hay.

Theo thống kê của UBND xã Lìa, thôn Kỳ Tăng có 116 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Hai công trình nước tự chảy, trong đó một công trình được Nhà nước đầu tư đã lắp đường ống dẫn dài trên 10km để lấy nước từ thượng nguồn về.

Tuy nhiên, công trình này hiện đã xuống cấp và nguồn nước không ổn định. Công trình còn lại có quy mô nhỏ nên không thể cung cấp đủ nước cho người dân sử dụng.

Người dân vùng Lìa huyện Hướng Hóa phải đi hàng km để tìm nước sinh hoạt. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân vùng Lìa huyện Hướng Hóa phải đi hàng km để tìm nước sinh hoạt. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa cho biết: “Vì thiếu nước vào mùa hè, đa phần các hộ dân phải dùng nước ao hồ, suối không đảm bảo, có nguy cơ mắc một số bệnh đường tiêu hóa. Chúng tôi mong Nhà nước, các ngành cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng thêm công trình nước sinh hoạt để đáp ứng đủ nhu cầu nguồn nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh cho người dân”.

Không riêng xã Lìa, một số địa phương của huyện Hướng Hóa như xã Thanh, xã Thuận… vài năm lại đây cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại rất nhiều xã trên địa bàn huyện Đakrông.

Nhiều công trình cấp nước tiền tỉ “đắp chiếu”

Tại xã Hải Chánh, dự án Hệ thống cấp nước có tổng mức đầu tư gần 31 tỷ đồng; trong đó, sử dụng vốn viện trợ ODA của Chính phủ Italia hơn 8,2 tỷ đồng (cung cấp vật tư hàng hóa), vốn ngân sách đối ứng trong nước hơn 19 tỷ đồng, vốn góp của chủ đầu tư (Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị) và người dân hơn 3,4 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 6/2014, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 7/2015.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xây dựng phần thô gồm công trình thu nước và trạm bơm 1; các hạng mục thuộc dây chuyền xử lý nước tại khu xử lý (bể lắng, bể lọc, bể chứa, nhà điều hành, trạm bơm cấp nước, nhà hóa chất…), trị giá trên 8,3 tỷ đồng thì dừng lại từ năm 2015 đến nay.

Dự án gián đoạn là do hiệp định viện trợ đã hết thời hiệu, phải tiến hành đàm phán gia hạn. Năm 2017, công trình được tiếp tục bố trí đối ứng vốn ngân sách gần 11 tỷ đồng nhưng do chậm trễ của gói thầu cung cấp vật tư nên không thể giải ngân theo kế hoạch và dự án dừng cho đến nay.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Hải Chánh 'đắp chiếu', hoang phế do thiếu vốn thi công. Ảnh: Võ Dũng.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Hải Chánh "đắp chiếu", hoang phế do thiếu vốn thi công. Ảnh: Võ Dũng.

Việc dừng thi công dự án trong thời gian dài khiến các hạng mục công trình xây dựng dở dang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và bức xúc trong dư luận.

Trong khuôn viên rộng khoảng 1ha dự án Hệ thống cấp nước xã Hải Chánh, cây cỏ mọc um tùm, nền đất đỏ nhão nhoẹt, lầy lội bởi vô số chân trâu, bò. Trong những căn nhà bỏ hoang, rơm rạ vung vãi khắp nơi, trộn lẫn với phân bò ngổn ngang, chẳng khác nào một bãi chăn nuôi gia súc.

Khung cảnh này khiến nhiều người xót xa vì mặc dù ở cạnh công trình cấp nước tiền tỉ nhưng hàng chục năm nay, hàng nghìn hộ dân xung quanh vẫn phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh từ các giếng đào, giếng khoan, sông suối bị nhiễm vôi, phèn.

Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho hay, dự án Hệ thống cấp nước này khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho trên 1,8 nghìn hộ dân với khoảng 9 nghìn nhân khẩu đang sinh sống tại 6 thôn của xã Hải Chánh, xã Hải Sơn cùng một số vùng lân cận.

Thế nhưng, sau khi thi công một số hạng mục cơ bản, đến tháng 9/2015 công trình dừng lại cho đến nay. Do để hoang lâu ngày, một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, được người dân tận dụng làm nơi nhốt trâu, bò.

“Hiện nay, chúng tôi chỉ biết vận động, khuyến khích người dân sử dụng các bể lọc tạm thời và mua máy lọc nước RO nhằm đảm bảo sức khỏe, bởi hầu hết nguồn nước lấy lên trực tiếp bị nhiễm phèn, nhiễm vôi. Về lâu dài, chúng tôi rất mong chờ cấp trên triển khai các giải pháp để hệ thống cấp nước sạch sớm đi vào hoạt động”, ông Sinh nói.

Nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung tại các huyện miền núi cũng hoạt động không hiệu quả. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung tại các huyện miền núi cũng hoạt động không hiệu quả. Ảnh: Võ Dũng.

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Quảng Trị, trong số 124 công trình cấp nước tập trung được xây dựng trên địa bàn hiện có 61 công trình hệ bơm dẫn và 63 công trình cấp nước tự chảy được xây dựng chủ yếu ở huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Trong số này hiện chỉ có 36 công trình hoạt động bền vững, 50 công trình tương đối bền vững và 38 công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp. Những công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp hoặc bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước, trong khi nhu cầu nước sạch của nhân dân đang rất bức thiết.

Theo Sở NN-PTNT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình hoạt động kém hiệu quả là do ô nhiễm, cạn kiệt, suy thoái nguồn nước làm ảnh hưởng đến tính bền vững công trình và khó khăn trong đảm bảo chất lượng nước, nhất là công trình quy mô nhỏ.

Nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với công trình cấp nước nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc các công trình nhanh hư hỏng, xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất