Theo dòng lịch sử hình thành vùng đất phương Nam, hoạt động nhóm chợ trên sông được hình thành, mở rộng thành không gian kinh tế tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Những ngày đầu, chợ nổi Cái Răng còn sơ khai, cấu trúc không gian trên bến dưới thuyền bao trùm sinh hoạt giao thương, giao tiếp, đời sống của cộng đồng thương hồ. Dần dần, chợ nổi Cái Răng vừa là nơi mua bán, kinh doanh dịch vụ. Nơi đây cũng trở thành địa điểm thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm địa phương, giới thiệu trực tiếp cho du khách trong và ngoài nước.
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa văn hóa chợ nổi Cái Răng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trước tác động của công trình xây dựng kè bờ sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu, đường giao thông phát triển, các nhà vườn được thương lái đưa xe đến tận nơi giao thương nông sản, ít dùng ghe chở trên sông. Từ thực tế trên, năm 2016, UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, tổng kinh phí đầu tư hơn 63 tỷ đồng cho 13 công trình hạng mục và đang tiếp tục thực hiện.
Hàng năm, UBND quận Cái Răng cũng xây dựng kế hoạch vừa bảo tồn, phát triển chợ nổi, vừa phục vụ tốt hoạt động du lịch, đang trên đà tăng trưởng mạnh. Ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng cũng lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016. Đến nay, ngày hội đã trở thành sự kiện kết nối và gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, góp phần giới thiệu, quảng bá đất và người Cần Thơ.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị lãnh đạo quận Cái Răng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở ngành liên quan tập trung phát triển chợ nổi theo hướng bền vững. Song song đó, đẩy nhanh xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia văn hóa chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đặc biệt, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực đến đầu tư, khai thác và bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và cộng đồng tham gia các hoạt động mua bán sản phẩm phục vụ khách du lịch, nâng cao thu nhập phát triển kinh tế
Chuỗi hoạt động tại Ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng lần thứ VII năm 2023 bao gồm những sự kiện nổi bật như: Hội thi trưng bày mô hình ghe, tàu, cây bẹo mua bán nông sản tại chợ nổi; Thưởng thức các loại bánh dân gian; Hội thi Nét đẹp áo bà ba xưa và nay; Đờn ca tài tử trên sông; Hội thi đàn hát dân ca hay đua thuyền rồng và các trò chơi dân gian, cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội.
Thông qua ngày hội, lãnh đạo TP. Cần Thơ mong muốn các doanh nghiệp được trực tiếp gặp gỡ, liên kết, hợp tác trong kinh doanh. Đồng thời, lắng nghe những nhận xét, đánh giá của du khách gần xa và các đơn vị lữ hành, các nhà quản lý về sản phẩm du lịch hiện nay của thành phố. Từ đó, ngành du lịch TP. Cần Thơ sẽ từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh giới thiệu hình ảnh và con người vùng đất Cái Răng đến đông đảo du khách. Sớm đưa chợ nổi Cái Răng trở thành điểm du lịch hấp dẫn hơn nữa trong thời gian tới.
Thời gian qua, TP. Cần Thơ tập trung nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của thành phố. Các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch phong phú đa dạng đã thu hút du khách đến với Cần Thơ.
6 tháng đầu năm 2023, TP. Cần Thơ đón gần 4 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, tăng 34% so cùng kỳ. Doanh thu đạt được từ du lịch lên tới hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.