| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP vào hệ thống kinh doanh du lịch trên chợ nổi Cái Răng

Thứ Năm 06/07/2023 , 16:23 (GMT+7)

TP. Cần Thơ Ngày 6/7, Cần Thơ ra mắt điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP đặt tại cơ sở hủ tiếu Nhà Bè, trên chợ nổi Cái Răng, khởi đầu có 10 chủ thể được kết nối.

Lễ ra mắt điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Kim Anh.

Lễ ra mắt điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Kim Anh.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng lần thứ VII năm 2023, tiến đến các hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, ông Trần Thái Nghiêm bày tỏ, chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan. Tuy nhiên, thời gian qua, các sản phẩm trên chợ nổi chưa đa dạng, nhất là các sản phẩm đặc sản OCOP ít lan tỏa đến các điểm kinh doanh.

Trong khi đó, việc phát triển các sản phẩm OCOP là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp, nông thôn lớn. Hỗ trợ phát triển chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Chương trình này thể hiện rõ vai trò tích hợp đa giá trị trong ngành nông nghiệp, đó cũng là điểm nhấn để phát triển các nông đặc sản ở TP Cần Thơ.

Khách du lịch thích thú tìm mua các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Cơ sở hủ tiếu Nhà Bè trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Kim Anh.

Khách du lịch thích thú tìm mua các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Cơ sở hủ tiếu Nhà Bè trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, xúc tiến sản phẩm OCOP. Đồng thời đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP tới các điểm kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan trên địa bàn. Trong đó, tập trung gắn kết các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống kinh doanh du lịch trên chợ nổi. Cách làm này vừa phát huy giá trị văn hóa độc đáo thông qua hoạt động giao thương trên sông nước của người dân ĐBSCL, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên chợ nổi Cái Răng. Qua đó, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh và du khách tiếp cận được những sản phẩm nông đặc sản có chất lượng.

Anh Nguyễn Thanh Trúc, chủ cơ sở hủ tiếu Nhà Bè cho biết, trước đây anh chủ yếu kinh doanh các sản phẩm đặc thù ở những vùng miền khác trên cả nước. Những sản phẩm này đa phần nhập qua trung gian nên mẫu mã, bao bì không bắt mắt, hơn nữa việc kiểm định chất lượng cũng rất khó.

Sản phẩm OCOP tiêu biểu của TP Cần Thơ có ưu điểm đa dạng chủng loại, bao bì được thiết kế, in ấn công phu, hấp dẫn, đó là điểm cộng lớn để anh quyết định kinh doanh. Hiện cơ sở hủ tiếu Nhà Bè đã kết nối kinh doanh với 10 chủ thể phát triển sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ. Đánh giá bước đầu, anh Trúc cho biết, sản phẩm OCOP được du khách yêu thích lựa chọn, chỉ trong 10 ngày bắt đầu trưng bày 70% lượng hàng nhập vào đã được tiêu thụ hết.

Cơ sở đang chuẩn bị tăng số lượng nhập hàng, kết nối thêm các chủ thể OCOP khác để đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh.

Bước đầu, điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP đã kết nối được 10 sản phẩm và từng bước mở rộng trong thời gian tới. Ảnh: Kim Anh.

Bước đầu, điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP đã kết nối được 10 sản phẩm và từng bước mở rộng trong thời gian tới. Ảnh: Kim Anh.

Toàn TP Cần Thơ hiện có 92 sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn năm 2023 - 2025, ngành nông nghiệp thành phố kỳ vọng những sản phẩm OCOP sẽ trở thành một trong những chương trình kinh tế nông thôn phát triển sôi động.

Hiện nay ngành nông nghiệp đang tập trung hỗ trợ các chủ thể tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì. Đồng thời tổ chức liên kết, quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường, hình ảnh các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ vươn xa; góp phần bảo tồn, giới thiệu bản sắc văn hóa chợ nổi đến bạn bè trong và ngoài nước.

Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là loại hình chợ độc đáo và đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL.

Đồng thời, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, với kinh phí hơn 63 tỷ đồng. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng theo hướng trở thành chợ đầu mối, trung chuyển hàng nông sản của vùng ĐBSCL, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, bảo đảm vệ sinh môi trường và các vấn đề an sinh xã hội.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.