Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau mưa lũ dịch bệnh thường xảy ra như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân và dễ lây lan thành dịch. Vì vậy người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh truyền nhiễm.
Ghi nhận thực tế tại xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tình trạng nước ngập sâu kéo dài suốt một tuần qua. Nhiều điểm ngập hơn 2 mét, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập khiến chất thải của người và động vật không được xử lý triệt để, làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.
Ông Nguyễn Trọng Hứa, thôn Đồng Dâu, xã Tốt Động (Chương Mỹ, Hà Nội) vừa tranh thủ vệ sinh nhà cửa khi nước rút vừa nói, “ngập một tuần nay rồi, nguồn nước sinh hoạt thì bị ô nhiễm, nếu không kiểm soát tốt vệ sinh chúng tôi rất sợ mầm bệnh phát sinh, lan truyền gây bệnh cho người dân”.
"Trong xóm, nhiều hộ gia đình không có đủ điều kiện ăn chín uống sôi, thiếu lương thực, thực phẩm… khiến sức đề kháng của người dân suy giảm nên rất dễ mắc các dịch bệnh. Vậy nên chính quyền địa phương cũng cần phải quan tâm hơn đến những đối tượng này", ông Hứa chia sẻ thêm.
Dù gần 1 tuần nay anh Nguyễn Trọng Dương thôn Đồng Dâu không ra khỏi nhà, thế nhưng thời tiết ẩm ướt, môi trường sống thường xuyên bị ngập úng đây là điều kiện cho các loài ký sinh trùng, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và hoạt động mạnh. Các kẽ chân, kẽ tay của anh cũng bắt đầu xuất hiện ngứa do vi khuẩn và nấm xâm nhập.
Không chỉ riêng anh mà rất nhiều hộ dân khác trong xóm cũng đang gặp phải tình trạng nước ăn chân. Đây là bệnh ngoài da thường gặp nhất sau những đợt mưa lũ. “Người dân chúng tôi rất lo lắng sau mưa lũ gặp phải các bệnh lý về da...”, anh Dương chia sẻ.
Để đảm bảo không phát sinh dịch bệnh sau ngập lụt, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần khẩn trương thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Bên cạnh đó, cần tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong điều kiện mưa lũ, không có nguồn nước sạch, khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn, người dân cần làm trong nước bằng cách: Dùng phèn chua hòa vào nước (1 gam phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó nước cần được khử trùng bằng cloramin B hoặc clorua vôi.
Nếu trời mưa, người dân nên hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dùng để nấu nước uống và chế biến thức ăn.
Người dân cũng không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nước, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.
Người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương sau khi nước rút.