| Hotline: 0983.970.780

Những câu chuyện nơi biên giới Cà Lò

Đang đi học lớp 6, bố mẹ đón về cho lấy vợ

Thứ Sáu 18/11/2022 , 06:05 (GMT+7)

Cà Lò với 100% là người dân tộc Dao, thiếu thốn đủ thứ khiến bản vùng cao này trở thành vùng trũng về giáo dục, kéo theo đó là nhiều hệ lụy đáng buồn.

Nỗ lực xóa mù chữ cho trẻ em

Bài liên quan

Cà Lò là bản vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, có địa hình dốc núi hiểm trở. Đến hiện tại, nơi đây vẫn là bản làng 4 không: Không có đường giao thông, không điện chiếu sáng, không nước sinh hoạt và không sóng điện thoại. Cả xóm có 34 hộ gia đình là người dân tộc Dao, 100% là hộ nghèo, cuộc sống, sinh hoạt của bà con gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Chúng tôi có mặt tại nhà trưởng bản là ngày giữa tuần, nhưng cô con gái đang học lớp 8 của vị trưởng bản này không đi học, ở nhà phụ giúp việc cho gia đình. Trưởng bản Chảo Vần Sang nói: “Tuần này nhà thu ngô trên bãi về, nó thích ở nhà để phụ nấu ăn cho người làm hộ (là dân bản) về còn ăn nữa. Hôm nào lấy hết ngô về rồi thì mình đưa nó lên xã học”.

Theo chia sẻ của Trưởng bản Chảo Vần Sang, bản Cà Lò đến nay vẫn chưa có người học đến cấp III, cao nhất cũng chỉ là học hết lớp 9 rồi nghỉ học. Lý do là ở bản chỉ có phân trường từ cấp học mầm non cho đến lớp 4, còn từ lớp 5 trở đi lại phải đưa các cháu ra học ở phân trường thuộc xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc) cách bản 8km. Đoạn đường này khó đi, thời tiết thuận lợi có thể đi được xe máy mất khoảng 40 phút. Sau khi hết tiểu học, các cháu sẽ phải ra học bán trú THCS trên xã (Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Khánh Xuân). Nhưng nhận thức chung của các học sinh trong bản không bằng nơi khác, nên học được hết lớp 9 là đã tốt lắm rồi.

05ddc3d1239ae5c4bc8b

Chảo Vần Sang - Trưởng bản Cà Lò nói chuyện với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trưởng bản Sang thừa nhận rằng người dân trong bản thật sự chưa chú trọng tới việc học của con em mình, nên học được tới đâu là nỗ lực của từng cháu. Thực tế nữa là, bình thường ở nhà thì các cháu phải ăn ngô xay, mèn mén, thi thoảng mới được ăn thịt và đến dịp cứu đói mới được ăn cơm. Vì vậy các cháu đến lớp học, vừa được cô giáo cho vui chơi, lại còn có cơm, có thịt ăn hàng ngày. Nhưng chỉ từ mầm non tới hết THCS, còn khi lên THPT thì các cháu phải tự lo việc ăn, ở, các gia đình không có điều kiện nên cho con nghỉ học.

Đến Điểm trường mầm non, tiểu học Cà Lò (thuộc Trường Mầm non và Tiểu học Khánh Xuân), với gần 40 học sinh thuộc cấp học, trình độ từ mầm non cho tới lớp 4, giáo viên là 3 cô giáo tên Hoa, Trầm và Dung. Do trẻ em hàng ngày nói tiếng Dao, nên ban đầu các cô phải dạy các cháu biết nói, giao tiếp bằng tiếng phổ thông trước, sau đó mới học chữ. Ngoài giờ lên lớp, các cô còn trở thành những bảo mẫu, chăm lo bữa ăn có đầy đủ cơm, rau, thịt cho học sinh vào bữa trưa.

Một cô giáo nói lên sự thật đáng buồn: Nếu không có cơm ăn, thi thoảng có bánh kẹo thì nhiều cháu còn không đến lớp học. Chúng em hàng ngày lên lớp đầy đủ các chương trình theo quy định của ngành giáo dục, nhưng do các cháu hàng ngày không giao tiếp bằng tiếng phổ thông nên tiếp cận kiến thức chậm hơn nơi khác. Vì vậy mà các cô cố gắng kèm thêm cho học sinh môn tiếng Việt để có thể biết đọc thông, biết viết thạo, với mong muốn sau này các cháu có thể thay đổi được cuộc sống.

6de2ae355fb499eac0a5

Cô giáo đang cho các học sinh khối mầm non ở Điểm trường Cà Lò ăn cơm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nghỉ học sớm, kết hôn sớm

Nhìn qua danh sách học sinh của của khối lớp 1 + 2, năm học 2021 - 2022 do cô giáo Nông Phương Dung phụ trách, tôi giật mình với những phụ huynh tuổi đời còn rất trẻ đã sinh con. Đáng chú ý như học sinh Chảo A Ton (sinh năm 2014), có mẹ là Chảo Mùi Sinh (sinh năm 1999, tức có con khi mới 15 tuổi); Chảo A Khé (sinh năm 2014), mẹ là Chảo Mùi Nảy (sinh năm 1997, tức có con khi mới 17 tuổi).

Thông qua thông tin này, chúng tôi đã tìm hiểu và thấy rằng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người dân ở Cà Lò không phải là vấn đề mới. Điều này cũng xuất phát từ việc, trẻ em nghỉ học sớm, rồi ở nhà dựng vợ, gả chồng. Tình trạng tảo hôn ở Cà Lò đã trở thành vấn đề được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương quan tâm.

5

Nhiều người dân ở Cà Lò vẫn giữ suy nghĩ, lấy vợ sớm cho con để có thêm người làm việc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hủ tục lấy vợ sớm cho con cháu ở đây như “ăn sâu, bám rễ” vào tư tưởng, tâm lý của người dân bản. Thông kê cho thấy, cả xóm có hơn 80% hộ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Một số trường hợp (trước năm 2020) mới 12, 13 tuổi đã nghỉ học ở nhà và gánh thiên chức là những người vợ, người mẹ.

Việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết giữa anh, chị, em họ kết hôn trong phạm vi 3 đời khiến cho tỷ lệ trẻ em sinh ra bị suy dinh dưỡng, thấp còi, bị hội chứng down, dị tật bẩm sinh, bạch tạng, bệnh tan máu bẩm sinh xuất hiện nhiều... Nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ để tự lập, chưa biết làm ăn nên không ổn định được cuộc sống. Trước thực trạng trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan đoàn thể địa phương, lực lượng biên phòng đóng quân trên địa bàn nỗ lực vào cuộc, quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy lùi vấn nạn này.

Empty

Ông Triệu Văn Khánh (ảnh), Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền xã triển khai nhiều giải pháp, lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm. Cùng với đó là sự phối hợp với lực lượng Biên phòng xác định rõ đối tượng cần tập trung tuyên truyền, từ đó lên kế hoạch tuyên truyền cho bà con hiểu. Bên cạnh đó, phát huy vai trò gương mẫu của người có uy tín, cùng người dân xây dựng mô hình gia đình, dòng họ, xóm bản nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đẩy lùi tảo hôn, kết hôn cận huyết

Khó khăn trong ngăn chặn nạn tảo hôn ở những xóm đồng bào dân tộc thiểu số như ở bản Cà Lò là do nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế. Không chỉ các bạn trẻ chưa ý thức hết những quy định của pháp luật, hệ lụy tảo hôn gây ra. Ngay cả các bậc cha mẹ vẫn giữ suy nghĩ là để con lấy vợ, lấy chồng sớm thì gia đình thêm lao động, giảm bớt gánh nặng trong công việc.

Đồn biên phòng Xuân Trường, đơn vị đóng tại địa bàn, không chỉ cử cán bộ thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra và đảm bảo an ninh vùng biên giới, mà còn phối hợp  thường xuyên với chính quyền địa phương đến tuyên truyền về chính sách, pháp luật cho người dân. Những cán bộ được cử đi tuyên truyền là những người am hiểu tiếng nói, phong tục, tập quán của bà con để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con những quy định của pháp luật.

25f4658582ce44901ddf

Một cháu bé bị bệnh bạch tạng tại bản Cà Lò. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đơn cử như trường hợp gia đình ông Chảo Sành Phấu đã lấy vợ cho cháu trai khi mới đang học lớp 6, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ông Phấu nghĩ rằng cưới vợ cho cháu là muốn có thêm người giúp làm nương, rẫy.

Khi được cán bộ biên phòng, cán bộ xã tuyên truyền, gia đình đã biết khi kết hôn không đúng độ tuổi sẽ ảnh hưởng đến tương lai cũng như sự phát triển, duy trì nòi giống sau này của con cháu. Gia đình hai bên đã trót làm lễ nhưng bây giờ chưa cho ở với nhau để các cháu tập trung vào học tập, sau này học xong, có việc làm mới cho về ở với nhau.

Vệc tuyên truyền kịp thời sau khi phát hiện ra những trường hợp có ý định vi phạm tảo hôn cũng đã có hiệu quả. Điều này được thể hiện qua những con số, năm 2020, bản Cà Lò chỉ còn 3 cặp vợ chồng tảo hôn; còn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn không còn trường hợp nào tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.