Gian nan đường đến bản
Xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc có 13 xóm thì chỉ có 5 xóm vùng thấp hơn có đường ô tô nhưng chủ yếu cũng chỉ là đường đất, chưa có xóm nào có đường bê tông đến trung tâm. Còn 8 xóm vùng cao ở vùng núi đá cheo leo, hiểm trở, đi xe máy vào đến trung tâm xóm cũng mất từ hơn 30 phút cho tới vài tiếng.
Trong chuyến công tác của nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đến Trường tiểu học Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), được nghe các thầy, cô trong Ban giám hiệu nhà trường kể về những khó khăn, vất vả của người dân vùng cao, cũng như điều kiện làm việc của các giáo viên. Nhà trường có 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ, nằm ở các bản, làng chưa được đầu tư đường giao thông, điện lưới quốc gia và thiếu nước sinh hoạt.
Trong đó, khó khăn nhất phải nói đến là điểm trường Cà Lò, một bản biệt lập ở giáp với biên giới Trung Quốc. Nơi đây có 100% là người dân tộc Dao, toàn bộ là hộ nghèo. Từ trung tâm xã Khánh Xuân đi đến Cà Lò là 32km, nhưng có 8km là đường mòn, rất khó khăn. Nếu thời tiết thuận lợi, vừa đi xe máy, vừa nổ máy dắt bộ thì đến nơi cũng mất khoảng 2h đồng hồ. Riêng đoạn đường khó 8km, nếu trời mưa thì chỉ có cách là đi bộ băng qua núi rừng cũng mất cả 1 buổi.
Sau khi thấy chúng tôi quyết tâm muốn đến với bản Cà Lò, các cô giáo nhà trường đã cho phóng viên mượn xe máy, và đương nhiên là xe số vì xe máy tay ga không thể đi được ở những cung đường miền núi ngoằn nghèo toàn đá hộc và những đoạn đường dốc tới hơn 30 độ.
Thầy Quanh, là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Khánh Xuân đã trực tiếp là người dẫn đường cho chúng tôi đi vào bản. Quãng đường hơn 20km đầu tiên rất thuận lợi đi theo đường nhựa chạy dọc quốc lộ 4A, tuy nhiên cũng phái mất khoảng 1h đồng hồ cho đoạn đường này vì chủ yếu là đèo dốc ngoằn nghoèo. Khó khăn chỉ thực sự xảy ra ở đoạn 8km đường mòn vào bản. Thời tiết rất ủng hộ, nên chúng tôi không phải đi bộ mà có thể đi được xe máy.
Trong lúc vừa đẩy xe máy, vừa thở hổn hển, phóng viên Ngọc Tú thốt lên rằng: Em đã đi nhiều vùng miền, nhiều làng bản khó khăn ở miền Bắc, nhưng chưa bao giờ thấy con đường nào khó đi đến vậy. Thực tế nó không phải là đường, mà chỉ là lối mòn, toàn đá và đá. Nhiều đoạn dốc đá treo leo, nếu tay lái yếu 1 tý thôi là có thể rơi xuống vách đá mất mạng. Hai bên đường rừng núi âm u, nếu có hỏng xe thì chỉ có bỏ xe ở lại mà nhờ người giải cứu chứ không còn cách nào khác, dắt bộ mà không nổ máy thì cũng không thể dắt được.
Do không quen đường nên sau 2h đồng hồ vừa đi, vừa để nổ máy đẩy bộ qua đoạn đường này thì chúng tôi cũng đã đến được với bản Cà Là. Một bản làng có 34 hộ dân, sống rất quần cư, với những nhà sàn được dựng trên những trên những sườn núi đá có độ dốc rất lớn.
Đường không dành cho người dưới 16 tuổi và trên 40 tuổi
Cả bản chỉ có 1 con đường bê tông duy nhất, rộng hơn 1m, dài khoảng hơn 200m từ đầu bản vào tới giữa bản (con đường này được các nhà hảo tâm hỗ trợ vật liệu, bà con bỏ công sức ra cùng làm). Do vậy nên việc đi lại loanh quanh trong bản và lên nương rẫy của người dân là đi bộ, đương nhiên vấn đề vận chuyển nông sản của bà con cũng chỉ còn cách là gánh bộ.
Anh Chảo Vần Sang, Trưởng bản Cà Lò chia sẻ rằng, do bản có địa hình toàn là núi đá có độ dốc lớn, nên dân bản phải đi tới những lũng đất cách xa bản cũng phải mấy km, nhiều nơi xa tới 6 – 7km nằm ở giáp với biên giới Trung Quốc để trồng ngô. Đường đến nương ngô phải vừa đi vừa trèo qua các sườn núi đá rất khó đi, chỉ có thể đi bộ nên những người dưới 16 tuổi và trên 40 tuổi sẽ không đủ sức khỏe để đi. Những người ở tầm tuổi này chỉ có thể ở nhà để làm các việc phụ và nấu cơm cho người đi làm về ăn thôi.
Theo Trưởng bản Sang, do đường đi lại khó khăn nên việc dân bản sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Người dân trồng ngô để ăn (thay cơm gạo) và làm thức ăn chăn nuôi; còn chăn nuôi (gà, lợn) là để thịt vào dịp lễ tết, hoặc mời dân người trong bản ăn những ngày làm đổi công (trồng ngô, thu ngô). Còn nếu bán ngô, bán vật nuôi để có tiền mua vật dùng khác, thì phải rất vất vả để mang được hàng hóa ra tới chợ. Do đường đi khó nên không có tư thương hoặc doanh nghiệp nào vào bản để mua hàng cho người dân cả… khó khăn như vậy dẫn tới cả bản đều là hộ nghèo. Mọi người trong bản mong ước Nhà nước sẽ sớm đầu tư cho một con đường bê tông, chỉ cần đủ để đi được xe máy thôi là cuộc sống người dân đỡ khổ rồi, con trẻ có đường mà học lên cấp 2, cấp 3.
Qua những câu chuyện với người dân Cà Lò, chính vì đường giao thông từ bản ra bên ngoài, hoặc đi lên nương rẫy quá khó khăn, nên có nhiều người lớn tuổi hoặc không có sức khỏe để đi bộ, leo đèo vượt núi nữa nên nhiều năm nay không đi ra khỏi bản nữa đã là chuyện bình thường.
Nằm ngay ở đầu bản Cà Lò là điểm trường tiểu học và mầm non Khánh Xuân, với 2 căn nhà cấp 4 lắp ghép mới được các nhà hảo tâm tài trợ đầu tư xây dựng. Ở đây có 3 cô giáo tên Dung, Trầm và Hoa, chính là những người hàng tuần phải đi lại từ ngoài xã vào bản để dạy học. Có người cũng đã cố gắng xin chuyển nơi công tác, thậm chí là xin nghỉ làm việc luôn cũng chi vì đường tới Cà Lò quá khó khăn.
Các cô giáo chia sẻ rằng, chưa kể tới việc ở Cà Lò không có điện chiếu sáng, không có sóng điện thoại và không có nước sạch, thì việc con đường đến bản gian nan như vậy khiến cho giáo viên chưa thể yên tâm công tác. Với các cô, vì công việc để kiếm miếng cơm manh áo mới đến công tác tại Cà Lò, chứ đi lại khó khăn như vậy thì rất khó để có thể yêu nghề ở nơi này. Nhiều hôm trời mưa, đường trơn thì đi bộ cũng không được, nhất là người đang mang bầu nên chỉ còn cách là nhờ chồng ở ngoài hoặc nhờ người dân trong bản phụ giúp việc tiếp tế lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác đến cho.
Ông Triệu Văn Khánh - Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng thông tin: Nhiều xóm, bản vùng cao trong xã hiện rất khó khăn, trong tình trạng thiếu đường giao thông, điện lưới Quốc gia, nước sạch sinh hoạt. Điều này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa của nhân dân, dẫn tới cơ bản người dân là hộ nghèo. Một số tuyến đường lên các bản biên giới, trong đó có Cà Lò đã có dự án đầu tư làm đường bê tông kiên cố bằng nguồn vốn của Bộ Quốc phòng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.