| Hotline: 0983.970.780

Đáng ngại tình trạng cán bộ thú y cơ sở xin nghỉ việc, còn lại không có chuyên môn

Thứ Sáu 08/06/2018 , 09:15 (GMT+7)

Bên cạnh phải có bằng trung cấp thú y và cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu theo quy định, thì việc cán bộ thú y ở các xã đã và đang xin nghỉ việc ngày càng nhiều khiến lực lượng này đang bị hụt hẫng thực sự.

Chúng tôi tìm đến xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, tìm hiểu về tình hình nuôi tôm. Người tiếp chúng tôi là anh Trương Công Dân, cán bộ một cửa UBND xã, tốt nghiệp trường Trung cấp hành chính - văn thư, nhiệm vụ chính của anh là trực tiếp nhận hồ sơ, công văn giấy tờ, sau đó chuyển giao lại cho lãnh đạo và các phòng ban xử lý. Bất ngờ là anh Dân thừa nhận mình là “cán bộ thú y” kiêm nhiệm gần cả năm nay do địa phương chưa tìm được người thay.

Xã Phước Vĩnh Tây có cán bộ hành chính “một cửa” kiêm nhiệm vụ thú y gần năm nay do không tìm được người thay

Đây là xã đặc thù nuôi tôm với diện tích hàng năm lên đến 900 ha, bên cạnh đó còn chăn nuôi 1.500 con heo, 20 ngàn con gà, 300 ngàn con vịt thả đồng, nên đây là một áp lực rất lớn đối với anh, nhất là công tác tiêm phòng do anh Dân không biết tiêm chích. “Lương căn bản của tôi là cán bộ bán chuyên trách 1,3 triệu; tiền phụ cấp chuyên môn (hành chính văn thư) là 620 ngàn đồng; phụ cấp nhiệm vụ trực một cửa 350 ngàn đồng; phụ cấp kiêm nhiệm thú y là 400 ngàn đồng. Tổng cộng 2,67 triệu đồng, mà thời gian làm việc như cán bộ hành chính 8 tiếng/ngày. Tính ra, thu nhập chưa đến 100 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, ngày 22 hằng tháng còn lên Trạm Thú y huyện, nếu tập huấn thì được bồi dưỡng 80 ngàn đồng/ngày; còn họp chay báo cáo thì không có tiền...”, anh Dân chia sẻ.

Khi được hỏi công việc của một cán bộ thú y xã ở đây là gì thì anh Dân cho biết: “Tôi theo dõi công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm, gia súc gia cầm, hễ người dân có báo dịch bệnh nào thì mình liên hệ báo ngay cho trạm huyện cử cán bộ phụ trách khu vực xuống kiểm tra. Ngoài ra, còn đi thu thuế, đi tiêm phòng trên heo, gà, vịt; kết hợp với cán bộ khuyến nông đi xịt thuốc vệ sinh chuồng trại cho các hộ chăn nuôi, mỗi lần đi được bồi dưỡng 200 ngàn đồng/ngày. Nói chung, do công tác kiêm nhiệm nên khá vất vả, nhưng ở xã do hiện không tìm ra người tốt nghiệp trung cấp hoặc đại học chuyên ngành thú y, mà nếu có thì người ta cũng kiếm nơi khác để làm thôi”.

Anh Trương Công Dân, tuy có bằng Trung cấp đáp ứng yêu cầu cho một cán bộ bán chuyên trách thú y cơ sở, nhưng nghiệp vụ lại hành chính - văn thư

Khi PV nhờ anh hướng dẫn đi thực địa một số ao tôm đang bỏ trống chưa dám thả, anh Dân từ chối vì công việc đang trực một cửa ủy ban không dám bỏ đi mà phải nhờ đến anh Lê Thanh Thuận, tốt nghiệp Trường Cao đẳng xây dựng đang phụ trách khuyến nông xã. Tuy nhiên, anh Thuận cũng là cán bộ khuyến nông kiêm nhiệm, bởi nhiệm vụ chính của anh là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã.

Anh Lê Thanh Thuận, cán bộ khuyến nông kiêm nhiệm giúp anh Dân đi cùng PV NNVN khảo sát ao tôm bỏ trống vì giá thấp

Theo ông Nguyễn Quang Đăng, Trưởng Trạm thú y huyện, trước đây cán bộ thú y địa bàn (xã) chỉ cần bằng sơ cấp và không giới hạn độ tuổi, nhưng sau này tiêu chuẩn hóa là phải có bằng trung cấp trở lên và tuổi công tác cũng phải nghỉ hưu theo quy định, nên có nhiều cán bộ thú y xã trước đây phải nghỉ việc vì không đáp ứng đủ điều kiện. Thay vào đó, buộc phải đôn cán bộ khác kiêm nhiệm dù họ không hề có nghiệp vụ. Thứ hai, hiện có một số cán bộ thú y xã đủ điều kiện đang công tác, dù có thời gian làm việc thú y ở xã rất lâu, có kinh nghiệm trong công tác chống dịch, tiêm phòng nhưng lại làm đơn xin nghỉ việc vì điều kiện kinh tế gia đình, thu nhập thấp dưới 2 triệu đồng/tháng.

“Mặc dù là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh Long An về nuôi trồng thủy sản với diện tích tôm thả hàng năm gần 1.500 ha, nhưng hiện có 4 cán bộ bên Hội Nông dân và khuyến nông xã kiêm nhiệm thú y; 2 đơn xin nghỉ việc thú y đang xem xét của anh Nguyễn Hồng Hạnh và Võ Thanh Bình ở xã Phước Hậu và Trường Bình. Trước đó, cũng có anh Nguyễn Văn Quý ở xã Long Thượng mới xin nghỉ việc. Tới đây, một vài anh em khác cũng có ý định xin nghỉ, chúng tôi đang làm công tác vận động, thuyết phục họ ở lại bởi số cán bộ này đều công tác lâu năm, có nghiệp vụ, kinh nghiệm trong hoạt động ngành thú y cơ sở”, ông Đăng cho biết.

“Hiện nay, Trạm  Khuyến nông huyện chỉ có 13 con người, chưa kể lãnh đạo nhưng phụ trách tới 16 xã, 1 thị trấn, cùng với 8 cơ sở giết mổ, 2 cơ sở kho lạnh, 8 trại tôm giống... Ngoài ra, hằng năm còn kiểm dịch trên 550 triệu tôm giống, nên con người rất thiếu, vì vậy cần có cán bộ thú y xã chuyên trách và nghiệp vụ để phối hợp thuận lợi. Tình trạng này gần như huyện nào cũng có”.

(Ông Nguyễn Quang Đăng)

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.