| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau những cuộc 'giải cứu' nông sản

Thứ Sáu 21/02/2020 , 16:53 (GMT+7)

Sau đợt “giải cứu” dưa hấu, thanh long vừa qua, đang là vấn đề liên kết sản xuất tiêu thụ, khai thác thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.

Trước ảnh hưởng của dịch virus Covid - 19, hoạt động xuất khẩu thanh long, dưa hấu sang thị trường Trung Quốc đã bị ùn ứ, khiến giá tại các tỉnh phía Nam bị tụt sâu.

Với sự vào cuộc, đẩy mạnh tiêu thụ của người dân và hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước, giá thanh long, dưa hấu hiện đã tăng cao trở lại.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết thời gian qua, hưởng ứng kêu gọi của các bộ ngành, địa phương trong việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu, thanh long cho nông dân, cùng với các doanh nghiệp khác, Hapro cũng như các hệ thống siêu thị trong Tập đoàn BRG đã nỗ lực vào cuộc tham gia chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ thanh long và dưa hấu trong toàn hệ thống siêu thị của Hapro cũng như trong toàn hệ thống siêu thị tiện ích của Tập đoàn BRG.

Ông Nguyễn Tiến Vượng. Ảnh: Tiến Dũng.

Ông Nguyễn Tiến Vượng. Ảnh: Tiến Dũng.

Toàn bộ 27 điểm cửa hàng siêu thị của Hapro từ ngày 6/2 đã đồng loạt triển khai chương trình đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu và thanh long. Việc tiêu thụ không chỉ được tổ chức ở các kệ hàng mà còn xây dựng thành các ụ đảo thanh long và dưa hấu tại mặt tiền các siêu thị để thu hút, tiện lợi cho người tiêu dùng mua hàng... Nhờ đó, lượng tiêu thụ thời gian qua đã gia tăng từng ngày.

Đến thời điểm này, các hệ thống cửa hàng, siêu thị của Hapro đã tiêu thụ được khoảng trên 200 tấn thanh long và dưa hấu chỉ trong thời gian ngắn. Hiện tại, Hapro vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình đẩy mạnh tiêu thụ đối với thanh long và dưa hấu, mặc dù giá trên thị trường hiện cũng đã tăng lên.

Qua triển khai những chương trình này, rất đáng mừng là người tiêu dùng Thủ đô rất đồng hành, ủng hộ và tham gia mua rất đông, mua tăng hơn so với bình thường. Nhiều khách hàng còn mua thêm để biếu người khác, với mục đích trên hết là gia tăng tiêu thụ cho nông dân...

Vấn đề xa hơn là làm sao sau những chương trình này, chúng ta cần phải có những giải pháp, cách làm mang tính bền vững hơn trong việc xây dựng mối liên kết giữa nông dân, các HTX với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nhằm khai thác thị trường 100 triệu dân. 

Theo ông, đâu là những điểm nghẽn khiến mối liên kết này còn lỏng lẻo, gần như chỉ khi “giải cứu”, các doanh nghiệp, siêu thị trong nước mới rầm rộ vào cuộc?

Chúng ta rất có thế mạnh về nông sản nhiệt đới, nhất là trái cây các tỉnh phía Nam, các sản phẩm theo mùa vụ tại các tỉnh phía Bắc.

Chúng ta cũng có một yếu tố rất thuận lợi, đó là gần ngay cạnh thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ nông sản khổng lồ, giá cao và chưa yêu cầu những điều kiện quá khắt khe. Tuy nhiên, cũng không thể coi nhẹ thị trường nội địa với sức mua gần 100 triệu dân. Đây là thị trường mà chúng ta còn chưa khai thác hết tiềm năng, sức tiêu thụ còn rất lớn. Nhất là chưa khơi thông được khâu liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ.

Hapro cũng như nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác đã chấp nhận bán dưa hấu, thanh long không lãi nhằm kích cầu tiêu thụ. Ảnh: Lê Bền.

Hapro cũng như nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác đã chấp nhận bán dưa hấu, thanh long không lãi nhằm kích cầu tiêu thụ. Ảnh: Lê Bền.

Trong khi đó, chúng ta lại đang dựa quá nhiều vào lợi thế ở thị trường Trung Quốc. Dĩ nhiên là lợi thế, giá cao hơn thì chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng vẫn cần chú trọng hơn nữa cho việc xây dựng hệ thống thương mại ở thị trường nội địa.

Khi bình thường, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có lợi hơn rất nhiều so với bán cho hệ thống siêu thị trong nước do giá thường cao hơn. Vì thế, việc tiêu thụ lâu nay gần như được các thương nhân bao hoàn toàn để xuất sang Trung Quốc. Nông dân, HTX gần như lâu nay không cần phải suy nghĩ ngoài Trung Quốc thì bán ở đâu, không chú trọng trong việc tìm kiếm và liên kết với hệ thống thương mại nội địa.

Câu chuyện nhiều doanh nghiệp bán lẻ không biết nơi nào bán thanh long, nơi nào bán dưa hấu để mà “giải cứu” là vì thế. Bởi lúc bình thường, không ai mặn mà bán hàng cho các doanh nghiệp thương mại nội địa. Bản thân các nhà bán lẻ luôn mong muốn sẵn sàng, kể cả lúc bình thường cũng luôn muốn có đang dạng mặt hàng để bán, miễn là có lợi nhuận chấp nhận được thì họ vẫn sẵn sàng làm.

Về nguyên tắc mà nói thì chỉ khi người sản xuất có nhu cầu, họ sẽ phải tìm đến để hợp tác với các doanh nghiệp tiêu thụ. Anh có hàng, và muốn bán hàng, thì phải thể hiện ý chí mong muốn ấy của anh trước. Và mức giá bán phải duy trì ở một mức nào đó phù hợp, để giữa nông dân và các doanh nghiệp bán lẻ đều chấp nhận được một cách hài hòa theo giá trị tại thị trường Việt Nam, chứ không thể đi so sánh với giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Người sản xuất có thể chấp nhận bán cho kênh tiêu thụ nội địa với giá thấp hơn so với xuất khẩu ở những thời điểm nhất định, nhưng lại đều đặn, bền vững và ổn định về giá cả và lượng tiêu thụ; hoặc làm ăn theo cách cũ là bán giá cao cho thương lái xuất khẩu, cho thương lái ở thị trường “hàng chợ” nhưng không đều đặn về lượng và chấp nhận những rủi ro của thị trường. Hoặc anh bán cho siêu thị phân phối, có hệ thống trong tay, có đảm bảo cam kết tiêu thụ với giá, lượng ổn định; hoặc bán cho thương lái và chấp nhận rủi ro, bởi thương lái thì chả có một cam kết nào, giá lên họ mua lên, giá xuống họ mua xuống...

Đông đảo người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội ủng hộ mua dưa hấu do Hapro tổ chức bán hàng. Ảnh: Lê Bền.

Đông đảo người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội ủng hộ mua dưa hấu do Hapro tổ chức bán hàng. Ảnh: Lê Bền.

Ngay khi giá thanh long, dưa hấu những ngày qua tăng trở lại gần với mức bình thường, đã có những dư luận ì xèo các siêu thị mua thanh long, dưa hấu “giải cứu” quá rẻ. Nông dân, HTX thì phàn nàn rằng bán hàng cho siêu thị thường giá thấp hơn so với giá xuất khẩu hoặc thị trường tự do, thủ tục giấy tờ rườm rà, điều kiện phức tạp, đã thế còn hay thanh toán chậm... Ông có bình luận gì về những dư luận này?

Lúc thanh long, dưa hấu ùn ứ, thị trường xuống giá quá thấp do ách tắc cửa khẩu, giá thanh long, dưa hấu giảm sâu. Dưa hấu có nơi chỉ còn 1.000 - 2.000 đ/kg, Hapro cũng như các doanh nghiệp khác đã mua cho nông dân với giá gấp đôi, và thậm chí chấp nhận chịu lỗ phí vận chuyển, bốc dỡ, lưu kho lưu bãi, không tính toán gì tới chi phí bán hàng... Khi giá thị trường bắt đầu tăng mạnh, các siêu thị cũng chỉ bán giá từ 7-8.000 đ/kg dưa hấu để kích thích tiêu thụ, chỉ tăng giá dần lên sau khi thị trường tự do lên giá.

"Về dài hơi, các bộ ngành phải đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp chế biến nông sản. Bởi chế biến thì vừa giá trị gia tăng cao, ổn định, không chỉ thuận lợi cho tiêu dùng trong nước mà còn có thể hướng tới xuất khẩu rất thuận tiện", ông Nguyễn Tiến Vượng.

Về mặt thương mại, phải hiểu rằng nông dân trồng ra sản phẩm không phải ai cũng tự mình đưa được sản phẩm bán tới tay người tiêu dùng. Qúa trình lưu thông từ ruộng tới tay người tiêu dùng có những khâu không thể nào cắt bỏ, đó là vài trò của các doanh nghiệp thương mại. Nông dân, HTX chỉ có thể đảm nhiệm tốt khâu sản xuất, chứ không thể tự mình tổ chức tiêu thụ được tới tay người tiêu dùng.

Điều này chính là việc chúng ta phải chuyên môn hóa dần các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Bản thân nông dân hay HTX không thể trực tiếp tổ chức bán hàng với giá tốt hơn các doanh nghiệp thương mại chuyên nghiệp.

Hoạt động bán lẻ của siêu thị thì phải có những nguyên tắc hoạt động của nó. Một là phải đảm bảo những điều kiện về hàng hóa như hóa đơn chứng từ, tem nhãn, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện về ATTP... Chất lượng hàng hóa cũng phải tốt, đồng đều, và đặc biệt là phải đều đặn về nguồn cung, không thể cắc bọp nay có, mai không. Bởi nó liên quan đến việc xây dựng thói quen người tiêu dùng.

Nhân viên siêu thị sẽ giải thích thế nào nếu khách hàng phàn nàn sản phẩm A hôm qua có, tại sao hôm nay lại không có, sản phẩm A hôm qua giá thế này, chất lượng thế này, hôm nay chất lượng lại thế kia? Lâu nay chúng ta xuất khẩu, đều phải tuân theo những điều kiện khắt khe như vậy cả, thậm chí khắt khe hơn rất nhiều. Vậy tại sao lại đòi hỏi bán cho siêu thị thì vừa phải có giá cao như đối với xuất khẩu, lại vừa phải dễ dàng về điều kiện hàng hóa, điều kiện thanh toán...?

Cũng như Hapro, Big C đã vào cuộc đẩy mạnh tiêu thụ, góp phần không nhỏ nâng giá cho dưa hấu thời gian qua. Ảnh: Lê Bền.

Cũng như Hapro, Big C đã vào cuộc đẩy mạnh tiêu thụ, góp phần không nhỏ nâng giá cho dưa hấu thời gian qua. Ảnh: Lê Bền.

Bán siêu thị cũng không thể như bán hàng cho chợ truyền thống, không cần nhà cách ly, kho bảo quản, không cần mặt bằng đắt đỏ, không cần kệ hàng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh ATTP... Đương nhiên, chi phí bán hàng cho siêu thị sẽ phải đội lên cao hơn so với bán cho chợ truyền thống. Nhưng đổi lại, người tiêu dùng lại được ở chất lượng hàng hóa, ở sự yên tâm về ATTP, về truy xuất, tính ổn định của hàng hóa...

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, yêu cầu nông sản khi đưa vào siêu thị tiêu thụ còn phải đảm bảo, chứng minh được nhiều điều kiện về trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất như không được sử dụng lao động bất hợp pháp, lao động trẻ em; không được vi phạm các điều kiện về môi trường, an toàn lao động... Chúng ta chưa thể đáp ứng được những điều ấy lúc này, nhưng tương lai có thể sẽ còn phải tiến tới những điện kiện khắt khe ấy.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên

Ngày 21/4, Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên (xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập.