Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (thứ nhất và thứ hai từ phải sang) thăm khu thực hành Khoa Chăn nuôi – Thú y của Học viện |
Là một trong 22 trường ĐH thí điểm tự chủ về tài chính theo chủ trương của Chính phủ, sau 3 năm thí điểm thực hiện, Học viện Nông nghiệp VN hiện có số lượng sinh viên tuyển sinh hàng năm hệ chính quy khoảng 5.000, hiện Học viện đã hoàn thành việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT ban hành, với tỉ lệ đạt yêu cầu chiếm 54/61 tiêu chí (đạt 88,5%).
Đặc biệt là hệ thống cơ sở giảng dạy, phòng thí nghiệm hiện đại… Nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng thực tế cho sinh viên, Học viện đã triển khai đề án tăng cường thực hành, thực tập cho sinh viên bằng nguồn kinh phí của Học viện, đưa trên 5.100 lượt sinh viên đi thực tế cơ sở giai đoạn 215-2017. Nhờ có tính thực tiễn cao, Học viện được đánh giá có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm chiếm trên 90%.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan, GĐ Học viện, bên cạnh những khởi sắc thời gian qua, cơ chế tự chủ về tài chính cũng khiến công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là chi phí cho công tác thực hành, thực tập của sinh viên ngày càng nhiều, trong khi việc tăng học phí đối với sinh viên khó thực hiện…
Trước tình hình này, Học viện đề nghị Bộ NN-PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng trường ĐH cấp đặc biệt cho Học viện; miễn thuế thu nhập cá nhân co các nhà khoa học từ nguồn thu nhập do thực hiện các đề tài KH-CN, các hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ nhằm động viên tinh thần cũng như tạo điều kiện cho cán bộ koa học tái đầu tư nghiên cứu. Học viện cũng mong muốn được Bộ NN-PTNT giao thực hiện một số các hoạt động như: Tổ chức đào tạo kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao; vệ sinh ATTP; xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ HTX, hộ nông dân, các DN trong lĩnh vực NN-PTNT…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: KH-CN không chỉ là trụ cột mà còn có tính quyết định tới sự phát triển của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới. Trong đó, Học viện có vai trò là đơn vị đào tạo, nghiên cứu đầu ngành về nhân lực, KH-CN chất lượng cao cho ngành nông nghiệp cả nước. Vì vậy, mặc dù Học viện đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tuy nhiên, Bộ NN-PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu học tập cũng như về cơ chế tài chính, ưu tiên các chương trình, dự án cũng như đặt hàng cho Học viện các đề tài nghiên cứu thiết yếu cho ngành nông nghiệp giai đoạn tới.