Danh họa Trần Phúc Duyên (1923-1993) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, thuộc lớp sinh viên sau cuối của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Danh họa Trần Phúc Duyên sống và vẽ tại châu Âu với các tên tuổi cùng thế hệ như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu. Tuy nhiên, không giống những đồng nghiệp, danh họa Trần Phúc Duyên đã chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo và xuyên suốt quá trình sáng tạo.
Danh họa Trần Phúc Duyên cũng tự nhận là một “artiste laqueur” (họa sỹ sơn mài) từ những năm đầu 1950, khi còn ở Hà Nội. Ông ghi danh hiệu đó đằng sau các bức tranh của mình. Và trên thực tế cũng như về căn bản, danh họa Trần Phúc Duyên đã tiếp tục và kết thúc sự nghiệp nghệ thuật của mình ở chính vai trò ấy.
Di cư sang châu Âu, bất chấp khoảng cách địa lý lẫn sự thiếu thốn về nguyên liệu, danh họa Trần Phúc Duyên dành trọn cuộc đời cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo với sơn mài. Và ông đã thành công trong việc đưa sơn mài đi từ mỹ nghệ tới mỹ thuật. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt đánh giá: “Trần Phúc Duyên sử dụng sơn điêu luyện, thanh thản như một họa sỹ, nhà thư pháp Trung Hoa sử dụng mực”.
Có thể nói, đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở.
Ngoài bức tranh “Chân dung thiếu phụ ngồi ghế” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác phẩm của danh họa Trần Phúc Duyên có mặt trong các bảo tàng trên thế giới. Ví dụ, 6 bức tranh vẽ phong cảnh Sài Gòn và Chùa Thầy ở Bảo tàng Vatican, hoặc những bức vẽ nông thôn Việt Nam ở Bảo tàng Massena tại Nice, Pháp.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Trần Phúc Duyên, triển lãm “Họa duyên tương ngộ” được tổ chức tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP.HCM). Với tư cách giám tuyển triển lãm “Họa duyên tương ngộ”, nhà nghiên cứu chia sẻ: “Trần Phúc Duyên là một trong những danh họa sơn mài quan trọng nhất tốt nghiệp từ Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sỹ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây”.
Sau 71 năm, kể từ triển lãm lần đầu tiên với 30 tác phẩm sơn mài tại Sài Gòn vào tháng 1/1952, công chúng phương Nam lại được dịp “tái ngộ” danh họa Trần Phúc Duyên. Triển lãm “Họa duyên tương ngộ” trưng bày hơn 100 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của danh họa Trần Phúc Duyên kể từ khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), cho đến khi ông di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sỹ (1968-1993), và mất tại đó.
Không gian triển lãm “Họa duyên tương ngộ” gồm 2 tầng với tổng diện tích khoảng 600m2, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Đời sống, Phong cảnh, Tĩnh vật và Tiểu cảnh, Thủy mặc và Thiền Họa, Trừu tượng và Phúc niệm.
Sau khi Trần Phúc Duyên qua đời năm 1993, toàn bộ tác phẩm, tài liệu, sổ sách của ông được đóng thùng và lưu tại một nhà kho ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sỹ. Trong 20 năm, di sản này bị ngủ quên, cho tới năm 2018 được hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh tình cờ khám phá trong sự hân hoan: “Là những người con xa quê, chúng tôi đã thật sự xúc động khi lần đầu đứng trước những sáng tác đậm tình quê hương của ông. Ngắm nhìn những bức tranh đang còn vương bụi thời gian, dần mở lại những ký họa được lưu trữ, lần giở những cuốn sổ tay của ông, chúng tôi thầm hứa sẽ đưa ông trở về với quê hương trong một ngày thật gần.
Chúng tôi tin rằng những người yêu nghệ thuật và cái đẹp ở Việt Nam sẽ chào đón ông, để tâm hồn ông sau bao năm xa quê lưu lạc sẽ được bay lượn trên những cánh đồng lúa trĩu bông vùng Hà Tây xứ Đoài, ngắm nhìn Vịnh Hạ Long nơi ông và các bạn đồng lứa năm xưa cùng nhau đi thực tế lấy mẫu sáng tác, đắm mình dưới những đêm trăng tĩnh mịch, và hơn tất cả, để ông trở về với đất mẹ yêu thương”.
Với triển lãm “Họa duyên tương ngộ”, giới mộ điệu không chỉ được ngắm cảnh sắc thủy mặc trong sơn mài Trần Phúc Duyên, mà quan trọng hơn, còn được cảm nhận và sống cùng với những triết lý, suy tư, trăn trở của một danh họa Việt tha hương.
Thông qua “Họa duyên tương ngộ”, người yêu mỹ thuật cũng hiểu thêm, vì sao nhà nghiên cứu Jean–Claude Piguet khi đến triển lãm hội họa Trần Phúc Duyên vào năm 1983 tại Thụy Sỹ, đã nhận xét: “Mọi thứ (trong tranh Trần Phúc Duyên) đều được xử lý để nhường chỗ cho sự im lặng, cho những giấc mơ và cho thiền. Người họa sỹ đã vượt ra ngoài ranh giới của sự thể hiện, để miêu tả sự thống nhất sâu sắc của các sự vật”.