| Hotline: 0983.970.780

Dành làn đường ưu tiên kiểm tra xe chở nông sản vào TP.HCM

Chủ Nhật 11/07/2021 , 16:23 (GMT+7)

TP.HCM Để xe nông sản không bị ùn ứ, chốt kiểm soát Covid-19 trên Quốc lộ 1A TP.HCM đã bố trí làn xe và lực lượng riêng 24h/24h ưu tiên kiểm tra xe chở nông sản…

Nhiều giải pháp được thực thi

Ghi nhận của PV NNVN tại chốt chân cầu Đồng Nai trên đường Quốc lộ 1A, tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh thành trong cả nước, mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện vận chuyển tất cả các loại mặt hàng, đặc biệt là nông sản từ các tỉnh thành phía Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên cung cấp cho miền Nam.

Chốt kiểm soát tại chân Cầu Đồng Nai đã thông thoáng trở lại. Ảnh: Trần Trung.

Chốt kiểm soát tại chân Cầu Đồng Nai đã thông thoáng trở lại. Ảnh: Trần Trung.

Trái với hình ảnh từng đoàn xe nối đuôi nhau dài hàng km để khai báo y tế, làm các thủ tục liên quan để qua chốt kiểm soát dịch trong ngày đầu TP. HCM thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 9/7), trong sáng ngày 11/7, do đã nắm được quy định của Thành phố, hầu hết các tài xế đều chuẩn bị sẵn các giấy tờ cần thiết và chỉ mất khoảng một phút để qua chốt.

Chỉ còn một số ít trường hợp tài xế đường dài không thể qua chốt ngay do giấy xét nghiệm hết hạn, đối với trường hợp này tổ liên ngành đã bố trí nơi đậu xe thích hợp và hướng dẫn đến trung tâm y tế gần nhất để bổ sung, tránh nông sản bị hư hại và không gây ùn tắc giao thông, các bác tài đều vui vẻ hợp tác.

Lực lượng tổ liên ngành tại chốt hướng dẫn tài xế xuất trình các thủ tục theo quy định. Ảnh: Trần Trung.

Lực lượng tổ liên ngành tại chốt hướng dẫn tài xế xuất trình các thủ tục theo quy định. Ảnh: Trần Trung.

Đang tìm cách đến Trung tâm y tế gần nhất làm xét nghiệm bổ sung thủ tục để được qua chốt, anh Nguyễn Văn Tiến, tài xế tải đường dài Bắc Nam cho biết, mặc dù hiểu rõ các quy định nhưng do lộ trình vận chuyển nông sản từ TP.HCM đi Hà Nội và ngược lại mất gần 1 tuần nên không kịp làm xét nghiệm, được cán bộ chốt hướng dẫn anh vẫn vui vẻ chấp hành. “ Nếu tại các chốt có tổ chức xét nghiệm nhanh đối với trường hợp tài xế đường dài thì tốt quá, đỡ mất thời gian cho cánh tài xế như chúng tôi”, anh Tiến nói.

Anh Nguyễn Văn Tiến vui vẻ đi làm xét nghiệm để hoàn tất thủ tục kịp thông chốt. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Tiến vui vẻ đi làm xét nghiệm để hoàn tất thủ tục kịp thông chốt. Ảnh: Trần Trung.

Thiếu tá Võ Minh Hiếu, Tổ trưởng tổ kiểm soát liên ngành tại đây cho biết, khác với các chốt kiểm soát khác, chốt này đặt trên tuyến Quốc lộ 1A với 8 làn dành cho xe ô tô, mật độ phương tiện rất đông.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm ngày đầu ra quân, tổ bố trí một làn xe riêng và bố trí lực lượng túc trực 24/24 dành cho các loại xe ưu tiên và các xe vận chuyển các nông sản thiết yếu, xe vận chuyển hàng cứu trợ nhằm giải quyết nhanh các thủ tục. Đối với các trường hợp các xe vận chuyển nông sản thiếu thủ tục trong phạm vi bổ sung được, tổ hướng dẫn nơi đậu đỗ và chờ hoàn tất để thông hành.

“Tính từ 13h30 phút đến 21h30 phút ngày 10/7 tổ phát hiện 16 trường hợp xe ô tô thiếu giấy xét nghiệm, trong đó 3 trường hợp sau khi bổ sung thủ tục kịp thời được tiếp tục lưu thông, các trường hợp buộc quay đầu chủ yếu là các loại xe ô tô 4 đến 7 chỗ chở người, rất ít trường hợp xe tải chở hàng. Riêng trong sáng ngày 11/7 hầu hết các xe đều chấp hành đúng quy định”, Thiếu tá Võ Minh Hiếu thông tin.

Tương tự tại chốt cầu Vĩnh Bình không còn hiện tượng ùn tắc như những ngày trước. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự tại chốt cầu Vĩnh Bình không còn hiện tượng ùn tắc như những ngày trước. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, tại chốt chân cầu Vĩnh Bình trên đường Quốc lộ 13, tuyến đường nối TP.HCM với Bình Dương và Bình Phước, mặc dù chỉ có 4 làn đường dành cho xe ô tô nhưng có hàng chục cán bộ của tổ liên ngành túc trực.

Cán bộ tại chốt còn linh hoạt sử dụng loa cầm tay để hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ các thủ tục trong lúc chờ đến lượt nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra. Nhờ vậy, trong sáng ngày 11/7, nhìn chung mật độ xe lưu thông qua chốt rất trật tự, không ùn tắc.

Cán bộ tại chốt cầu Vĩnh Bình sử dụng loa cầm tay để hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ các thủ tục trước khi tới lượt xét duyệt để qua chốt. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ tại chốt cầu Vĩnh Bình sử dụng loa cầm tay để hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ các thủ tục trước khi tới lượt xét duyệt để qua chốt. Ảnh: Trần Trung.

Anh  Nguyễn Trọng Nhân, lái xe chở heo cho một doanh nghiệp chăn nuôi  ở Bình Phước  cho biết: "Tôi có biết thông tin TP.HCM thực hiện kiểm soát các phương tiện vào Thành phố và công ty cũng yêu cầu tôi xét nghiệm Covid-19 để đi lại. Khi đến trạm tôi thực hiện khai báo y tế đầy đủ khi vào TP.HCM".      

Trung tá Phạm Công Bằng, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bình Triệu, Tổ trưởng tổ liên ngành chia sẻ, các tài xế xe tải chở hàng khi qua chốt kiểm dịch, chỉ cần ngồi yên trên xe và xuất trình giấy xét nghiệm âm tính cho lực lượng kiểm tra xem và sẽ được đi ngay. Điều này, nhằm hạn chế ùn tắc so với việc tài xế phải xuống xe và xuất trình giấy xét nghiệm cũng như các giấy tờ liên quan.

Hầu hết các tài xế đều chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để trình duyệt theo đúng quy định. Ảnh: Trần Trung.

Hầu hết các tài xế đều chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để trình duyệt theo đúng quy định. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài 2 cửa ngõ trên, theo ghi nhận của PV, tất cả các cửa ngõ còn lại trên các tuyến đường dẫn vào TP.HCM đều thông thoáng trong ngày thứ 3 TP.HCM tăng cường kiểm soát phương tiện lưu thông vào Thành phố.

Kích hoạt “luồng xanh” cho trên 8.000 xe

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các xe vận chuyển nông sản, tối 10/7, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, Sở đã cấp thẻ nhận diện phương tiện cho 8.178 xe thuộc 19 đơn vị. Trong đó, số xe của Sở Công Thương được cấp nhiều nhất, với gần 1.700 ô tô. Saigon Co.op được cấp thẻ nhận diện cho gần 600 ô tô, cảng Calofi Hiệp Phước gần 500 xe, cảng Bến Nghé 432 xe, Tổng Công ty Tân Cảng 275 xe, cảng Bông Sen 244 xe, cảng Tân Thuận 203 xe, cảng Trường Thọ 123 xe...

Xe có đăng ký thẻ nhận diện được giải quyết nhanh chóng để lưu thông tại chốt Long Phước trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Trần Trung.

Xe có đăng ký thẻ nhận diện được giải quyết nhanh chóng để lưu thông tại chốt Long Phước trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Trần Trung.

Những phương tiện này sẽ đi theo lộ trình di chuyển đã đăng ký và được thông hành qua 12 chốt kiểm tra ở cửa ngõ TP.HCM. Thành phố sẽ tạo các "luồng xanh" ưu tiên để các phương tiện này lưu thông. Khi đến các chốt kiểm soát, cơ quan chức năng sẽ quét mã QR trên thẻ nhận diện để kiểm tra thông tin.

Trung tá Nguyễn Đình Dương - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (PC08, Công an TPHCM) cho biết, những xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, được Sở Giao thông Vận tải cấp giấy sẽ được ưu tiên đi vào "làn xanh", tại các chốt kiểm dịch, tài xế chỉ cần trình giấy xét nghiệm âm tính là được đi ngay. Ngoài ra, lực lượng vũ trang, lực lượng thực thi công vụ, lực lượng y tế tham gia công tác chống dịch,... cũng được giải quyết đi ngay khi xuất trình đủ giấy tờ để chứng minh.

Tài xế chỉ cần trình giấy xét nghiệm âm tính là được đi ngay. Ảnh: Trần Trung.

Tài xế chỉ cần trình giấy xét nghiệm âm tính là được đi ngay. Ảnh: Trần Trung.

"Mục tiêu cao nhất của Thành phố là để chống dịch, tại các chốt kiểm soát dịch, lực lượng CSGT và các đơn vị tham gia kiểm soát đều tuân thủ đúng theo nguyên tắc, chứ không phải làm khó người dân.

Do vậy, để tránh ùn tắc tại các chốt kiểm soát, người dân trước khi ra đường thì phải chuẩn bị đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc trường hợp cấp thiết phải ra đường. Trường hợp không thuộc diện cấp thiết thì phải ở nhà, tránh tình trạng bị buộc quay đầu xe, vừa gây mất thời gian của người dân, vừa gây đông đúc, quá tải và ùn tắc tại các chốt kiểm dịch" - lãnh đạo Phòng PC08 nói.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, hàng hoá từ các tỉnh về TP.HCM đã được đảm bảo tăng 50% so với những ngày trước khi áp dụng Chỉ thị 16. Nguồn cung ứng ổn định, cộng thêm nguồn dự trữ hàng khô nên TP.HCM đã có khoảng 120.000 tấn thực phẩm và vẫn đang tiếp tục đươc bổ sung.

“Khi tổ chức theo luồng xanh, kể cả một số nhà vận tải, cung ứng lớn thì họ đã công bố những xe chuyên dùng để chuyên chở hàng hóa thiết yếu, thì lượng hàng trên các kệ siêu thị, chợ đều đảm bảo vì các đơn vị này đã gia tăng mật độ lên hàng. Ngày bình thường thì chỉ 2 lần nhưng nay điều tiết lên hàng từ 3 - 4 lần mỗi ngày” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm