| Hotline: 0983.970.780

Danh sĩ Đỗ Nhuận - Tâm và tài đối với quê hương, đất nước

Thứ Tư 13/11/2019 , 10:12 (GMT+7)

Đánh giá về Danh sĩ Đỗ Nhuận (1446 - ?), sử gia Phan Huy Chú đã xếp ông vào danh sách 18 người phò tá có công lao tài đức thời Lê Sơ (1428 – 1527).  

Danh sĩ Đỗ Nhuận là một trong những bậc hiền tài của kinh thành Thăng Long. Ảnh: Kiều Khải.

Còn các sử quan triều Nguyễn tham gia biên soạn bộ “Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi nhận Tiến sĩ Đỗ Nhuận là một trong những nhân vật tiêu biểu dưới thời Lê (1428 – 1788).

Ngày 12/11/2019, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận – Con người và sự nghiệp” tôn vinh những đóng góp của Tiến sĩ Đỗ Nhuận (1446 - ?), một trong những bậc hiền tài của kinh thành Thăng Long dưới triều vua Lê Thánh Tông.

Tại Hội thảo, các đại biểu và các nhà khoa học đã tập trung thảo luận vào các nội dung: Vai trò của Tiến sĩ Đỗ Nhuận đối với Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Dấu ấn của Tiến sĩ Đỗ Nhuận với các địa phương phụng thờ tại Kim Hoa – Mê Linh, Xuân Nộn – Đông Anh, Hòa Bình – Thường Tín (Hà Nội) và Chí Linh (Hải Dương); Đóng góp của Tiến sĩ Đỗ Nhuận đối với quê hương, đất nước.

Đỗ Nhuận quê làng Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, thi đỗ Tiến sĩ năm 1466 đời vua Lê Thánh Tông khi mới 21 tuổi. Ông là người có tài văn chương, được nhà vua yêu mến, cử làm Phó Nguyên soái của Hội Tao Đàn gồm 28 nhà khoa bảng thường được sử sách gọi với tên “Tao Đàn nhị thập bát tú”.

Tiến sĩ Đỗ Nhuận đã để lại nhiều dấu ấn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Kiều Khải.

Trong quãng đời làm quan của mình, Tiến sĩ Đỗ Nhuận đã trải qua nhiều chức vụ, các tài liệu chính sử ghi lại cho biết, ông làm quan tới Thượng thư – Đông các Đại học sĩ. Ông đã tham gia biên soạn các bộ sách “Thiên Nam dư hạ tập” – ghi chép về các chế độ, luật lệ, điển chế; bộ “Quốc triều hình luật” – thường gọi là bộ Luật Hồng Đức – mà Đỗ Nhuận là một trong số các tác giả; bộ “Thân chinh ký sự” – ghi chép về các sự kiện diễn ra trong thời gian vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thanh và Ai Lao mở mang bờ cõi vào phía Nam…Ngoài ra, vua Lê Thánh Tông còn tin cậy, cử ông giữ chức Độc quyển trong các khoa thi tiến sĩ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước vào các năm 1475, 1481, 1487 và 1493.

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm HĐKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Tiến sĩ Đỗ Nhuận đã để lại nhiều dấu ấn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ tại đây. Nhà vua đã giao cho Tiến sĩ Đỗ Nhuận cùng các quan đồng triều như Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Đào Cử… chia nhau soạn văn bia tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đến khoa thi năm 1481. Tiến sĩ Đỗ Nhuận đã được giao viết bài văn bia khoa thi năm 1448”.

Nội dung bài văn bia mở đầu như sau: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của đế vương không gì cần kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của Nhà nước, tất phải chờ ở bậc hậu thánh. Là bởi trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc, chế tác mà không dựa vào thánh nhân đời sau thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hóa phồn vinh, văn vật điển chương đầy đủ…?”.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.