Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Như Đông |
Xây dựng đề án bảo tồn và phát triển
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề tranh dân gian Đông Hồ đang được UBND tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm. Tỉnh đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy làng nghề tranh dân gian Đông Hồ gia đoạn 2014 - 2020. Đồng thời cũng xây dựng dự án trung tâm bảo tồn phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành trên diện tích 2ha với vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
Theo ông Phong việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ở làng nghề đặc biệt được quan tâm. Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc bao tiêu sản phẩm ở các làng nghề như các sản phẩm tranh Đông Hồ được mua lại từ các nghệ nhân để tặng bạn trong nước và quốc tế, nhằm tăng thêm thu nhập, khuyến khích người dân gắn bó với làng nghề.
Đồng quan điểm với ông Phong, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh bày tỏ: “Tỉnh đã có những đề án thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm tranh Đông Hồ. Trong thời gian vừa qua Sở VH-TT&DL tỉnh cũng đã có những đề án, có 3 dự án để bảo tồn và phát triển làng nghề tranh dân gian Đông Hồ…”.
Quảng bá tranh dân gian Đông Hồ đến khách quốc tế. Ảnh: Như Đông |
Thứ nhất là tuyên truyền quảng bá tranh dân gian Đông Hồ đến các nước trên thế giới, kết hợp với các loại hình dân ca quan họ để truyền bá sâu rộng dòng tranh này tới công chúng. Thứ hai là đưa nghệ nhân tham gia vào các lễ hội, tham gia trình diễn tại các tỉnh để quảng bá nghề tranh. Tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các khóa nghiên cứu và học nghề làm tranh. Thứ ba là lập hồ sơ công nhận nghệ nhân cấp tỉnh và trung ương, hỗ trợ kinh phí để các nghệ nhân sưu tập lại những bản khắc tranh dân gian Đông Hồ cổ truyền.
Tất cả các công việc trên đều nằm trong dự án xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia trình UNESCO để đưa tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Phát triển đầu ra cho tranh dân gian Đông Hồ
Theo đánh giá chung của gia đình các nghệ nhân tại hội thảo, mặc dù có nhiều nỗ lực trong quá trình quảng bá, đầu tư các nguồn lực để bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ từ nhiều năm qua, nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả của mục tiêu tiêu thụ sản phẩm và mở rộng cơ sở làm tranh vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức.
Thực trạng đó đòi hỏi cần có sự bảo vệ và hỗ trợ khẩn cấp từ các cấp, các ngành, từ trong nước đến quan hệ quốc tế, để đáp ứng những nguyện vọng chính đánh của cộng đồng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Như Đông |
Có mặt tại hội thảo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã đề xuất hai giải pháp cho việc phát triển đầu ra cho sản phẩm của tranh dân gian Đông Hồ.
Theo ông Sơn hai giải pháp bền vững hiện nay chính là đa dạng dạng hóa sản phẩm với nhu cầu mới của thị trường và phát triển du lịch tại làng nghề. Để làm được điều đó cần nhiều giải pháp khách nhau. Đầu tiên là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò, vị trí của tranh dân gian Đông Hồ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Cần phải có những chính sách nhất định để xây dựng thương hiệu cho nghệ nhân và hỗ trợ về thuế hay đầu ra cho sản phẩm… Khi tranh có thương hiệu, giá sản phẩm sẽ nâng cao phù hợp với thương hiệu để thấy được giá trị của sản phẩm”.
Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” được UBND tỉnh Bắc Ninh và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại Bắc Ninh trong 2 ngày 1 và 2/11/2019.