Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm Mậu Dần 1938. Đạo diễn Đặng Nhật Minh là con trai của bác sĩ – liệt sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967) mà ông từng thổ lộ: “Tôi thừa hưởng ở cha tôi rất nhiều điều, trước hết đó là nhân cách của người trí thức”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh thuộc thế hệ đạo diễn thứ hai của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, sau thế hệ Nguyễn Văn Thông, Phạm Văn Khoa, Hải Ninh, Huy Thành... Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và có nhiều năm làm Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.
Huân chương Hiệp sĩ văn học nghệ thuật của Bộ Văn hóa Pháp là sự tôn vinh dành cho những văn nghệ sĩ có đóng góp cho sự phát triển giao lưu văn hóa quốc tế. Huân chương Hiệp sĩ văn học nghệ thuật của Bộ Văn hóa Pháp từng trao cho nhiều nhân vật Việt Nam như nhà thiết kế Minh Hạnh, nhà làm phim tài liệu Xuân Phượng...
Có mặt tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội để nhận Huân chương Hiệp sĩ văn học nghệ thuật, đạo diễn Đặng Nhật Minh thổ lộ: “Tôi rất hạnh phúc. Đây là một vinh dự lớn đối với tôi, một người hoạt động điên ảnh Việt Nam”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh bước vào nghệ thuật thứ bảy khá muộn màng. Năm 1970, ở tuổi 32, đạo diễn Đặng Nhật Minh mới được làm bộ phim đầu tay “Chị Nhung” cùng đạo diễn Nguyễn Đức Hinh, dựa theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Năm 1973, đạo diễn Đặng Nhật Minh tự viết kịch bản và thực hiện bộ phim “Ngôi sao biển”. Thế nhưng, phải đến bộ phim “Thị xã trong tầm tay” sản xuất năm 1982 thì đạo diễn Đặng Nhật Minh mới thực sự tạo được phong cách và vị trí trong làng điện ảnh Việt Nam.
Sự nghiệp của đạo diễn Đặng Nhật Minh gắn liền với những bộ phim “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Hà Nội mùa đông 1946”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt”...
Đạo diễn Đặng Nhật Minh ngoài làm phim còn là một cây bút truyện ngắn. Hiện tại, dù đã cao niên, ông vẫn tràn đầy sức sống và đam mê. Cuốn sách “Hồi ký điện ảnh” của đạo diễn Đặng Nhật Minh rất thu hút công chúng và được tái bản nhiều lần.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng: “Tôi không nghĩ tất cả văn nghệ sĩ đều dửng dưng trước những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, trừ một số người vì đồng tiền chạy theo guồng máy của nền văn hóa tiêu thụ đang ngự trị. Việc chưa có tác phẩm hay như chúng ta mong đợi, có thể vì người nghệ sĩ lực bất tòng tâm, chưa có đủ tài, đủ kiên trì để theo đuổi đến cùng điều mình ấp ủ nung nấu”.