| Hotline: 0983.970.780

Đạo diễn Lê Quý Dương tái hiện huyền thoại tuổi thanh xuân

Chủ Nhật 15/10/2023 , 11:54 (GMT+7)

Đạo diễn Lê Quý Dương phục dựng câu chuyện 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, thành tác phẩm sân khấu ‘Huyền thoại tuổi thanh xuân’.

Đạo diễn Lê Quý Dương.

Đạo diễn Lê Quý Dương.

Đạo diễn Lê Quý Dương năm nay 55 tuổi, được xem như một chuyên gia hàng đầu về dàn dựng lễ hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của đạo diễn Lê Quý Dương vẫn là những tác phẩm sân khấu rung động lòng người.

Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (1968 - 2023) đạo diễn Lê Quý Dương đưa lên sàn diễn vở kịch “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, chính thức công diễn vào ngày 20/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sau đó sẽ tổ chức xuất diễn định kỳ vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Mỗi xuất diễn chỉ phục vụ đúng 110 khán giả.  

Có lẽ nhiều người Việt Nam cũng đã biết đến câu chuyện Ngã ba Đồng Lộc. Trên tuyến đường huyết mạch 15A, nơi 10 nữ thanh niên xung phong đã chiến đấu và anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho các đoàn xe chở vũ khí, lương thực từ miền Bắc tiến vào chiến trường miền Nam trong cuộc chống Mỹ cứu nước. Không ít tác phẩm nghệ thuật đã phản ánh sự kiện lẫm liệt này, như bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Bây giờ Ngã ba Đồng Lộc được sân khấu hóa như thế nào? Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ quá trình khởi động “Huyền thoại tuổi thanh xuân” từ trang giấy: “Tôi đã viết toàn bộ kịch bản này trong đúng ba ngày, từ 30/9/2023 đến 2/10/2023, hay chính xác hơn là trong đúng 30 giờ. Bình quân mỗi ngày tôi đã ngồi viết liên tục 10 giờ đồng hồ trong suốt ba ngày đó. Điều này không có nghĩa là tôi viết nhanh. Trong quá trình viết, tôi cảm thấy như từng nhân vật, từng sự kiện, tình huống và chi tiết của mười nhân vật như hiện ra trước mắt mình, mách bảo, chỉ đường cho tôi viết”.

10 thanh niên xung phong từng được nhắc tên một cách trân trọng và biết ơn: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Hà Thị Xanh, Trần Thị Hường, Trần Thị Rạng, Võ Thị Hà. Nếu giới mỹ thuật có thể phục dựng chân dung họ bằng trí tuệ nhân tạo, thì việc tìm những người thật ngoài đời để vào vai họ không đơn giản.

Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Tôi đã tiến hành tổ chức tuyển chọn 10 nữ diễn viên một cách gắt gao và kiên định để vào vai của mười cô gái Đồng Lộc. Mục tiêu của việc tuyển chọn là phải tìm ra được mười cô gái đang ở độ tuổi từ 18 đến 24, đúng với lứa tuổi của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc năm xưa. Điều quan trọng hơn là tôi muốn tuyển những diễn viên vào được vai của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc thì trước hết có nét giống về diện mạo, nhân dáng và hơn thế, có tính cách và cảm xúc giống với nhân vật.

Đã có rất nhiều diễn viên chuyên nghiệp, nổi tiếng đến dự tuyển nhưng tôi không chọn lựa. Có người rất phù hợp với nhân vật nhưng lại quá tuổi hoặc đã có gia đình, không còn nguyên vẹn cảm xúc của tuổi thanh xuân, hồn nhiên và trong sáng như nhân vật đã từng sống. Thậm trí có diễn viên rất phù hợp và có kỹ thuật biểu diễn rất tốt nhưng không đảm bảo được thời gian và kỷ luật dàn tập, dàn dựng.

Tôi thực sự muốn tuyển mười diễn viên để linh hồn thiêng liêng của mười nhân vật có thể tin tưởng nhập vào chứ không tuyển mười diễn viên có kỹ thuật biểu diễn điêu luyện để hóa thân vào nhân vật. Cuối cùng thì tôi cũng tìm được mười cô gái như mình mong muốn”.

10 gương mặt nữ tham gia phục dựng 'Huyền thoại tuổi thanh xuân'.

10 gương mặt nữ tham gia phục dựng "Huyền thoại tuổi thanh xuân".

Bối cảnh sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân” có một đạo cụ đặc biệt, đó là vỏ bom do nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sưu tầm tại một cửa hàng săt phế liệu ở Ngã ba Đồng Lộc và chở về Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã tặng vỏ bom ghi dấu lịch sử kia cho ê-kip “Huyền thoại tuổi thanh xuân” để tạo điểm nhấn mỹ thuật cho chương trình.

Tác phẩm sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân” bắt đầu từ một lời thì thầm như đồng vọng quá khứ: “Xin chào các bạn. Cảm ơn các bạn đã từ khắp nơi trên hành tinh tới căn phòng bé nhỏ này để tôi được chia sẻ câu chuyện của mình. Câu chuyện đã trở thành một trong rất nhiều huyền thoại trên đất nước của tôi. Việt Nam! Việt Nam! Vâng! Việt Nam! Mỗi chúng ta đều có một tổ quốc trong trái tim mình. Nếu các bạn là những chàng trai cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân được sinh ra và lớn lên trên một đất nước thịnh vượng và hòa bình, tôi chắc chắn rằng cuộc sống của các bạn sẽ đầy ắp hạnh phúc và những giấc mơ ngọt ngào.

Bạn sẽ ước mơ và phấn đấu để trở thành những bác sĩ, những nhà giáo, nhà khoa học, những doanh nhân thành đạt, những nghệ sĩ tài năng, những công nhân lành nghề … có khi bạn chỉ đơn giản khát khao trở thành những người vợ, người mẹ yêu thương chồng con và sống cuộc đời bình dị bên gia đình hạnh phúc. Những giấc mơ ấy sẽ trở thành hiện thực cùng với đam mê và nghị lực của các bạn…

Nhưng hãy thử hình dung! Nếu các bạn không may sinh ra và lớn lên giữa một đất nước đang bị bom đạn chiến tranh giày xéo! Bạn có thể hình dung được không? Tất cả sẽ đổi khác! Cả những giấc mơ và khát vọng. Cả tuổi thanh xuân và những tình yêu mãnh liệt. Vâng! Tất cả sẽ đổi khác”.

Tái hiện bối cảnh Ngã ba Đồng Lộc.

Tái hiện bối cảnh Ngã ba Đồng Lộc.

“Huyền thoại tuổi thanh xuân” gồm 9 cảnh. Thông điệp của cảnh cuối cùng là “Sống một đời đáng sống” nhắc nhớ khoảnh khắc 16 giờ 40 phút ngày 24 tháng 7 năm 1968, 10 nữ thanh niên xung phong  đã vĩnh viễn ra đi vì sức ép của quả bom oan nghiệt rơi trúng trước cửa hầm nơi họ trú ẩn đưới chân đồi Trọ Voi. Thi thể của họ khi được tìm thấy còn nguyên vẹn hồng hào, thanh khiết như tuổi thanh xuân của họ. Đủ cả chín người chỉ thiếu mỗi Hồ Thị Cúc…

Và những câu thơ day dứt khép lại chương trình nhưng vẫn khiến “Huyền thoại tuổi thanh xuân” nghẹn ngào: “Cúc ơi! Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn quây quần đủ hết/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/ Chỉ thiếu mình em! Chín bỏ làm mười răng được/ Bọn anh đã tìm vẹt cuốc/ Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/ Cúc ơi! Em ở đâu! Đất nâu lạnh lắm/ Da em xanh! Áo em thì mỏng/ Cúc ơi! Em ở đâu! Về với bọn anh/ Tắm nước sông Ngàn Phố! Ăn quýt đỏ Sơn Bằng! Chăn trâu cắt cỏ/ Bài toán lớp năm em còn chưa nhớ/ Gối còn thêu dở! Cơm chiều chưa ăn/ Ở đâu hỡi Cúc ơi! Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp! Gọi em! Gào em! Khản cả cổ rồi! Cúc ơi!”.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Manchester United thắng nhọc ở Europa League

Manchester United (MU) phải rất nhọc nhằn mới hạ được đội bóng Scotland Rangers ở vòng áp chót giai đoạn vòng phân hạng Europa League vào rạng sáng 24/1.

Dự kiến hơn 3.000 vận động viên tham gia giải Marathon ở Trà Vinh

Trà Vinh Giải chạy Aikya Trà Vinh Cross Country Marathon dự kiến diễn ra từ ngày 12 - 13/4 tại công viên Phạm Ngũ Lão, với sự tham gia của hơn 3.000 vận động viên.   

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất