Chiều 16/1, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp".
Tại buổi tọa đàm, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các định hướng phát triển, và nhấn mạnh vai trò đào tạo trong việc thích ứng và thực thi Nghị quyết 57.
Điều hành diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng: "Buổi tọa đàm nhằm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 03 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57. Đây là cơ hội để các đơn vị cùng thảo luận, kết nối và đồng hành trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi từ nhận thức đến hành động".
Các viện, trường tham gia tọa đàm đều có bề dày trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời đã ứng dụng thực tiễn thành công, có những đột phá lớn trong ngành nông nghiệp.
Tìm kiếm động lực nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu Nghị quyết 57
"Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang chủ động đón chào Nghị quyết 57 của Trung ương", GS.TS Phạm Bảo Dương nhận định và cho biết thêm, khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa để duy trì sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thế kỷ XXI và trên chặng đường xa hơn.
Ông Dương cho rằng, đổi mới sáng tạo thành công bắt đầu từ nông nghiệp, từ việc cải thiện cơ chế sản xuất, giải phóng nguồn lao động. Nông nghiệp từng bước tạo động lực mạnh mẽ cho người nông dân sản xuất, khai hoang và tăng năng suất, bây giờ, tăng trưởng năng suất vẫn sẽ là mục tiêu cốt lõi.
Cuộc cách mạng công nghiệp, đổi mới sáng tạo lần thứ hai dành cho các trường đại học yêu cầu mỗi viện, trường cần có cách tiếp cận sáng tạo, chủ động đón nhận tinh thần của Nghị quyết 57.
Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã nỗ lực bám sát nhu cầu đào tạo của ngành NN-PTNT và các khu công nghiệp tại khu vực. Hiện tại, trong số 20 ngành đào tạo của trường, nhà trường mở mới 7 ngành về lĩnh vực cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin và tiến tới mở rộng sang công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bày tỏ sự phấn khởi khi đón nhận Nghị quyết 57, nhưng cũng bày tỏ trăn trở về trách nhiệm của các nhà khoa học trong việc tạo động lực nghiên cứu và đáp ứng kỳ vọng.
Ông Cường nhấn mạnh rằng phải có những nhà làm nghiên cứu say sưa, tâm huyết, trăn trở về trách nhiệm của chính các nhà khoa học tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu.
Học Viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ chú trọng phát triển nghiên cứu, trong đó xây dựng các đề án, sắp xếp tổ chức và nhóm nghiên cứu để thích ứng với các yêu cầu mới của Nghị quyết 57. "Động lực chính sách cần được chuyển hóa thành những hành động cụ thể", GS.TS Phạm Văn Cường khẳng định.
Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp, GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng hiện nay, cạnh tranh toàn cầu không chỉ xoay quanh năng suất lao động mà còn phụ thuộc vào khả năng phân tích và xử lý dữ liệu. Ông nhận định Nghị quyết 57 là một nền tảng vững chắc, và điều quan trọng là cách chúng ta hành động, thực thi và áp dụng nó vào thực tế.
Trường Đại học Lâm nghiệp đã xây dựng một bản thảo xác định rõ mục tiêu và các giải pháp cụ thể, triển khai theo Nghị quyết 57 và chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
Các cơ sở đào tạo: 'Cánh tay nối dài' trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới
GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp chia sẻ: "Khoa học bắt nguồn từ đời sống, và việc đổi mới sáng tạo là một xu thế toàn cầu mang tính thời sự. Sự liên kết trong khối viện, trường đã đặt nền móng tạo động lực cho các trường đại học hành động thực hiện mục tiêu mới".
Theo ông, các trường đại học có ba sứ mệnh quan trọng: phát triển, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong quá trình đưa ra giải pháp thực hiện, các trường cần hợp tác với nhóm "tứ giác thực thi" gồm: doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước - địa phương và cựu sinh viên. Các trường đại học đóng vai trò như cầu nối phối hợp giữa các nhóm này.
"Các trường đại học cần kích hoạt nội tại của mình để tận dụng nguồn lực, đồng thời hợp tác vì lợi ích chung, thay vì lợi ích một chiều", Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp nói.
Trên thực tế, trường Đại học Lâm nghiệp đã triển khai trung tâm trí thức số và hỗ trợ cộng đồng, xây dựng một nền tảng kết nối giữa các bên. Lấy ví dụ là website của trường không chỉ phục vụ cho mục đích thông báo mà còn cung cấp thông tin hữu ích cho cả sinh viên và doanh nghiệp. Dự định, trường sẽ xây dựng mô hình Đại học số, mục tiêu tạo ra nguồn thu từ chuyển đổi số.
Về phía trường Đại học Thủy lợi, GS.TS Nguyễn Trung Việt chia sẻ, trên tinh thần đổi mới, tập thể lãnh đạo và giảng viên của trường đã sẵn sàng thực hiện hóa Nghị quyết 57 và Nghị quyết 03, cụ thể hóa các đột phá về khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Trường đã chuẩn bị các kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 2025-2030, kỳ vọng vào những chính sách đột phá và vượt trội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Sứ mệnh của trường Đại học Thủy lợi là công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, ông Việt chia sẻ. Tập thể sư phạm nhà trường quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Mặc dù trên chặng đường sẽ gặp phải không ít khó khăn, công tác đổi mới sẽ được triển khai từng bước, từ công tác đào tạo, quản lý nhà trường, đến việc cải cách thể chế đào tạo nguồn nhân lực đột phá.
Chuyển giao công nghệ là một phần quan trọng trong xu thế đổi mới và sáng tạo. Trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng các nội dung nghiên cứu rõ ràng, kèm theo cơ chế hợp tác minh bạch và hiệu quả. Các cơ quan nghiên cứu cần chủ động hơn trong việc tận dụng nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có và chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao.
Trong tọa đàm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị Bộ cho phép triển khai nghiên cứu, sản xuất và đào tạo một cách linh hoạt. Các sản phẩm như giống cây trồng và vật nuôi, sẽ được phép sử dụng để hợp tác và phát triển, nhằm mang lại lợi ích chung.