Hội nghị đã nghe công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là Phó Trưởng Ban.
Tại Bộ NN-PTNT, có 1 điểm cầu chính, 451 điểm cầu của các đơn vị và hơn 7.500 đại biểu, nhà khoa học tham dự hội nghị quan trọng này.
Nhiệm vụ chiến lược
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Nhiều Nghị quyết quan trọng đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.
Tổng Bí thư cho rằng nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ như báo cáo đã nêu từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện. Nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các Nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học", “Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết", “Nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong kỷ nguyên mới.
Để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Tổng Bí thư nêu rõ quan điểm luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.
Đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội để các trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến “sỏi đá thành cơm".
Tổng Bí thư nêu rõ, cần thống nhất nhận thức và hành động. Xác định phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động với Chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng.
Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị cần lập kế hoạch cụ thể, bám sát mục tiêu Nghị quyết 57, với nhiệm vụ rõ ràng, phân công cụ thể, thời gian hoàn thành và kết quả đo lường được. Ngay trong năm 2025 này, cần phải lựa chọn và giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo cú hích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội.
Đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh
Trong Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về lợi thế cạnh tranh của thể chế.
Theo Thủ tướng, trong kỷ nguyên mới, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn chặt với chuyển đổi số, đây là sự gắn bó khách quan, yêu cầu tất yếu. Trong đó, khoa học, công nghệ là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển đổi số là kết nối, con người là trung tâm, là chủ thể. Những tư tưởng này thể hiện rất rõ tại Nghị quyết 57.
Để thực hiện Nghị quyết 57, thì có 3 việc rất quan trọng phải thực hiện nhanh, hiệu quả: Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh; cùng các điều kiện khác và bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
Thủ tướng cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Nhóm thứ hai là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Nhóm thứ ba là tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS. Nhóm thứ tư là phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Nhóm thứ năm là đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Nhóm thứ sáu là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp. Nhóm thứ bảy là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Hoàn thiện pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ
Liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về thể chế, để thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, đầu tiên là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS.
Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật: các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định.
Một vấn đề quan trọng nữa là tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Trên tinh thần đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 57.