| Hotline: 0983.970.780

Đập dâng Phú Phong chuẩn bị đưa vào sử dụng

Thứ Ba 01/10/2024 , 11:00 (GMT+7)

Khi vận hành, đập dâng Phú Phong sẽ góp phần ổn định sản xuất cho hàng trăm ha lúa và tạo nguồn phục vụ nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn người dân địa phương.

Đảm bảo nước tưới cho hơn 500ha lúa

Sông Kôn đoạn ngang qua thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) có khẩu độ khá rộng, mực nước lũ hàng năm là rất lớn. Thế nhưng vào mùa khô, mực nước sông Kôn xuống thấp, cộng với cát bồi khiến dòng sông cạn kiệt nước. Đầu năm 2022, Bình Định quyết định đầu tư xây công trình đập dâng Phú Phong để tạo nguồn cấp nước tưới ổn định cho hơn 500ha đất sản xuất nông nghiệp nằm ở phía Nam sông Kôn và cấp nước sinh hoạt cho 56.000 người dân huyện Tây Sơn.

Sau hơn 2 năm xây dựng, đến nay, công trình đập dâng Phú Phong nằm trên địa bàn thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) sắp hoàn thành. Từ tháng 6/2024, đập dâng Phú Phong đã tích nước thử tải, công trình được nghiệm thu và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Toàn cảnh công trình đập dâng Phú Phong nằm trên địa bàn thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Toàn cảnh công trình đập dâng Phú Phong nằm trên địa bàn thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đặng Công Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Bình Nghi (huyện Tây Sơn) chia sẻ: “Xã Bình Nghi có khoảng 250ha lúa sử dụng nguồn nước từ các trạm bơm xóm Bắc, xóm Đại Đồng và xóm Đông. Các trạm bơm này lấy nước từ sông Kôn, nhưng khi nguồn nước sông Kôn cạn kiệt thì hoạt động các trạm bơm không ổn định, nên cây lúa luôn gặp khó khăn. Khi đập dâng Phú Phong đi vào vận hành, hàng trăm ha lúa của HTX sẽ thoát cảnh khát nước, nhất là trong vụ hè thu”.

Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, ngoài việc đảm bảo nước tưới trên 500ha lúa ở phía Nam sông Kôn gồm các xã Bình Nghi và Tây Xuân (huyện Tây Sơn); đập dâng Phú Phong còn nâng cao mạch nước ngầm, tạo nguồn để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 56.000 người dân ở các xã Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Hòa, Bình Nghi và thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông cho người dân sống 2 bờ sông Kôn, kết nối giao thông liên huyện, tạo đà phát triển kinh tế trong khu vực và kết hợp phát điện với công suất 2,9MW.

“Huyện Tây Sơn đã đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng hoàn thành tuyến đường có chiều dài 2,3km, nền đường rộng 28m, kết nối giao thông từ quốc lộ 19 đến quốc lộ 19B qua đập dâng để phát huy hiệu quả của công trình này”, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn chia sẻ.

Đập dâng Phú Phong có chiều dài hơn 589m, bao gồm phần đập có cửa van rộng 350m với 20 khoang có cửa; đập tràn hai bên rộng 239m… Ảnh: V.Đ.T.

Đập dâng Phú Phong có chiều dài hơn 589m, bao gồm phần đập có cửa van rộng 350m với 20 khoang có cửa; đập tràn hai bên rộng 239m… Ảnh: V.Đ.T.

Quy trình vận hành chặt chẽ

Đập dâng Phú Phong là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định do Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 754 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương 550 tỷ đồng. Đập có chiều dài hơn 589m, bao gồm phần đập có cửa van rộng 350m với 20 khoang có cửa; đập tràn hai bên rộng 239m; trên đập kết hợp cầu giao thông rộng 10m gồm 29 nhịp, dầm chính thi công bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.

Tháng 5/2024 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quy trình vận hành đập dâng Phú Phong. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định giao đơn vị quản lý, vận hành đập là Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định phối hợp với Công ty TNHH Thủy điện Phú Phong xây dựng quy chế và phương án phối hợp vận hành giữa công trình đập dâng Phú Phong và Nhà máy Thủy điện Phú Phong. Trong đó, làm rõ trách nhiệm, phương án phối hợp, vận hành để vừa đảm bảo an toàn cho công trình, vừa không gây lũ lụt, ngập úng nhân tạo cho vùng hạ du.

Từ tháng 6/2024, đập dâng Phú Phong đã tích nước thử tải. Ảnh: V.Đ.T.

Từ tháng 6/2024, đập dâng Phú Phong đã tích nước thử tải. Ảnh: V.Đ.T.

UBND tỉnh Bình Định cũng đồng thời giao Công ty TNHH KTCTTL Bình Định phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác, vận hành các công trình trên cùng lưu vực sông Kôn - Hà Thanh xây dựng quy chế phối hợp, vận hành, phòng chống thiên tai và ứng phó khẩn cấp cho đập dâng Phú Phong. Theo Quy trình vận hành đập dâng Phú Phong, trong điều kiện thời tiết bình thường, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quyết định vận hành xả lũ và vận hành cống lấy nước theo quy định.

“Thế nhưng trong trường hợp khẩn cấp, khi mưa lũ xảy ra vượt tần suất thiết kế hoặc động đất vượt tiêu chuẩn thiết kế, thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định sẽ quyết định sự vận hành của đập dâng Phú Phong”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Xem thêm
Ông Triệu Đức Văn làm Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn Từ ngày 1/10, ông Triệu Đức Văn được UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở NN-PTNT, thời hạn bổ nhiệm 5 năm.

Có vốn từ quỹ khuyến nông, mỗi bao cám bớt được 40.000đ

'Trước đây do không có tiền nên tôi phải mua cám chịu của đại lý, mỗi bao cám 25 kg đội giá thêm 45.000đ, thành ra 1.000 bao mất thêm 40 triệu đồng'.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Cha con 'người hùng không biết chữ' cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Dù không biết chữ, cha con anh Nguyễn Văn Hai vẫn mày mò tự chế thiết bị lặn để cứu trạm bơm Cống Bún khỏi sự cố rò rỉ trước thời điểm mưa lũ.