| Hotline: 0983.970.780

Đập Rào Nan mới sẽ cho 22 xã được hưởng lợi

Thứ Sáu 29/03/2019 , 11:18 (GMT+7)

Đập ngăn mặn Rào Nan (xã Quảng Sơn- thị xã Ba Đồn- Quảng Bình) được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Công trình thủy lợi này đã cung cấp nước tưới cho khoảng 1.400ha lúa của 9 xã vùng nam thị xã Ba Đồn. Tuy nhiên qua nhiều năm sử dụng, đập đã xuống cấp, hư hỏng, không đủ lượng nước bơm trong các tháng khô hạn…

Những lo lắng về lũ lụt

Dự án đập thủy lợi Rào Nan mới có tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là một trong những công trình trọng điểm do Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Vì vậy, việc nâng cấp, xây dựng lại hệ thống thủy lợi Rào Nan đang là việc làm cấp thiết và cần được triển khai ngay.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số ý kiến của người dân thôn Linh Cận Sơn (xã Quảng Sơn) bày tỏ sự lo lắng khi đầu tư xây dựng đâp Rào Nan. Ông Mai Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết, thôn Linh Cận Sơn có 252 hộ dân sinh sống phía hạ lưu con đập. Có khoảng 80 hộ dân không đồng tình với dự án này. “Chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động bà con nên thay đổi suy nghĩ, tin tưởng vào các nhà khoa học và cũng vì lợi ích chung để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều bà con vẫn chưa đồng thuận”- ông Kiên chia sẻ.

Đập Rào Nan đã xuống cấp không đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra

Khi được hỏi, những người dân thôn Linh Cận Sơn như ông Nguyễn Văn Toản, bà  Nguyễn Thị Tình, Phạm Thị Thủy… bày tỏ lo ngại đập thủy lợi Rào Nan sẽ gây ra nguy cơ lũ ống, lũ quét. “Người dân lo ngại vỡ đập hoặc nước tràn về lúc nào không biết bởi sợ công trình không đảm bảo an toàn”- bà Tình nói. Một số bà con cũng cho rằng phải hạ thấp cao trình của đập hoặc di dời địa điểm đập lên phía thượng lưu khoảng vài cây số.

Không ảnh hưởng đến người dân…

Trước lo lắng của người dân về dự án, khi còn đương chức, chính Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đã trực tiếp vào đối thoại, giải thích cho bà con hiểu. Ông Thắng và các đơn vị chuyên môn khẳng định độ an toàn cao cũng như nhiều lợi ích cộng đồng do con đập mang lại. “Đập bê tông là an toàn nhất. Tuy nhiên khó là nền móng, điều kiện địa chất đủ cường độ mới làm được. Nhiều công trình chúng tôi mong làm đập bê tông nhưng không được.  Riêng công trình đập Rào Nan đã nghiên cứu cả 3 tuyến và chúng tôi chọn tuyến cuối cùng. Chọn tuyến dưới làm đập bê tông thì chúng ta có thể yên tâm về an toàn công trình”, ông Thắng nói.

Ông Phan Văn Khoa- Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cũng cho biết, việc xây dựng con đập là cấp thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao đời sống cho ngườu dân. Công trình hoạt động dưới dạng nước tự chảy theo động lực học, không cần phải dùng trạm bơm. Ngoài ra, xây con đập như bắc nhịp cầu nối giữa bờ Bắc và bờ Nam sông Nan để bà con qua lại thuận tiện hơn. “Bản chất là công trình đập dâng, nước vẫn chảy bình thường, chứ không phải là hồ chứa. Vì thế công trình không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân”- ông Khoa cho hay.

Theo tính toán, đập Rào Nan sẽ tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện nay ở tỉnh Quảng Bình. Dự kiến con đập sẽ cấp đủ nước cho 1.800 ha đất sản xuất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 22.000m3/ ngày.đêm.

Khác với đập thủy điện, dự án đập dâng Rào Nan có chức năng thoát lũ bằng tự chảy qua tràn. Trước mùa mưa lũ về, đơn vị quản lý, vận hành sẽ nâng 15 cửa xả van để trả lại khả năng thoát lũ của lòng sông. 

Đập dâng Rào Nan được thiết kế xây dựng mới là đập tràn dạng Ôfixêrôp đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi (283 cọc đường kính 1m, chiều sâu 20m), kết cấu toàn bộ bằng bê tông cốt thép. Cao trình ngưỡng tràn là 6m (đập dâng Rào Nan hiện tại cao trình 1,5m). Chiều dài đập dâng trên 177 m, bao gồm 15 cửa van (mỗi cửa van rộng 10m) và 2 cửa xã cát (mỗi cửa rộng 4,5m). Hệ thống gồm 15 cửa van và 2 cửa xã cát như trên đảm bảo an toàn tuyệt đối về thoát lũ cho công trình. Mùa kiệt, hệ thống cửa van sẽ đóng lại dâng nước lên nhằm cấp nước tưới cho những tháng thiếu nước (từ tháng 5-8) vụ Hè Thu. Khi mùa mưa đến (đầu tháng 9), toàn bộ 15 cửa tràn và 2 cửa xả cát sẽ được mở hoàn toàn để đảm bảo thoát lũ.

Nói về sự an toàn đập Rào Nan, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng- Viện trưởng Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, công trình Rào Nan không làm ngập thêm khu vực này. “Chúng tôi đã tính toán dựa trên quan trắc cơn lũ lớn nhất từ lúc xây đập Rào Nan cho đến nay. Dựa trên cơ sở đó và tính toán lớn hơn 1,5 lần nên độ an toàn tuyệt đối”- GS.TS Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Lào Cai đẩy nhanh thu hoạch cây vụ đông, triển khai phương án vụ xuân

Sở NN-PTNT Lào Cai đề nghị các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo thu hoạch cây vụ đông và triển khai một số công tác quan trọng trong vụ đông xuân 2024-2025

Bình luận mới nhất