Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Rạng Đông, vì chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp để hoạt động khai thác khoáng sản tại ấp Chà Lon, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản. Diện tích vi phạm hơn 4,5 ha. Tổng số tiền Công ty Rạng Đông bị xử phạt là 154,3 triệu đồng, trong đó 150 triệu đồng phải nộp do lỗi vi phạm và 4,3 triệu đồng phải nộp do thu lợi bất hợp pháp từ lỗi vi phạm.
Đây không phải lần đầu tiên có doanh nghiệp bị xử phạt vì hành vi xâm hại rừng phòng hộ. Tuy nhiên, năng lực giám sát của các cơ quan chức năng cũng như biện pháp chế tài vẫn chưa đủ mạnh mẽ, để ngăn chặn và chấm dứt tệ nạn nhức nhối này. Có thể lấy ví dụ nóng hổi ở tỉnh Bình Phước mà nhìn nhận rõ ràng hơn.
Thứ nhất, diện tích hơn 4,5 ha không hề nhỏ. Một doanh nghiệp không thể trong khoảng thời gian một sớm một chiều để biến 4,5 ha đất rừng phòng hộ thành đất phi nông nghiệp, để làm mỏ đá. Vai trò của chính quyền cơ sở ra sao, khi quá trình xâm hại đất rừng phòng hộ diễn ra công khai như vậy? Thứ hai, diện tích 4,5 ha đất rừng phòng hộ là rừng trồng, có nghĩa là một mảng cây xanh đã bị đốn hạ để triển khai dự án nhưng doanh nghiệp chỉ thu lợi được 4,3 triệu đồng chăng? Thử hỏi, 4,3 triệu đồng có đủ để khôi phục phần rừng trồng đã bị biến mất không?
Xem ra, đất rừng phòng hộ có giá quá rẻ. Cứ tùy tiện xâm hại rồi bỏ ra ít tiền để nộp phạt hành chính, thì đâu lại vào đấy. Vì tiền mà xâm hại rừng phòng hộ, rồi lại dùng tiền để che chắn hành vi xâm hại rừng phòng hộ. Cái vòng lẩn quẩn ấy còn tái diễn, thì đất rừng phòng hộ càng ngày càng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ tham lam và ích kỷ.
Dù đã rất muộn màng, cũng phải cảnh báo, diện tích rừng của Việt Nam đang đối diện sự mất mát nghiêm trọng. Những khẩu hiệu rừng vẫn vang lên khắp nơi, như “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống” hoặc “Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi người”, nhưng chưa thể kích hoạt ý thức chung “Yêu rừng sẽ giữ được rừng”.
Một thắc mắc nữa, cũng cần được lưu ý, sau những quyết định xử phạt hành chính về hành vi xâm hại rừng phòng hộ, thì ai sẽ theo dõi việc trả lại nguyên trạng cho đất rừng phòng hộ? Liệu số tiền mà đối tượng vi phạm nộp phạt vào ngân sách Nhà nước, có thể đáp ứng bao nhiêu phần trăm chi phí tái sinh rừng trồng đã bị thiệt hại?
Để xây dựng hành lang an toàn cho đất rừng phòng hộ, có lẽ phải thay đổi cơ chế quản lý. Không thể tiếp tục nhẹ tay dung túng cho các hành vi xâm hại đất rừng phòng hộ bằng những quyết định xử phạt hành chính. Ở những mức độ nghiêm trọng, cần khởi tố hình sự những cá nhân và đơn vị ngang nhiên xâm hại đất rừng phòng hộ, theo đúng tiêu chí “thuốc đắng giã tật”.