| Hotline: 0983.970.780

Dấu chân nghĩa quân Lam Sơn trên đất Diễn Kim

Thứ Năm 02/01/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tại thôn Trang (nay là xóm Hoàng Châu) xã Diễn Kim, đã từng có một ngôi đền thờ thần thời Lam Sơn, tướng quân Đinh Lễ.

12-25-49_sc_phong_2
Sắc phong đền Trang nhà văn Sơn Tùng từng lưu giữ nhiều năm.

Tháng 6/1425, Đinh Lễ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt 300 chiến thuyền quân, lương của giặc Minh tại Cửa Vạn thôn Trang, hạ thành Trài (Diễn Châu), góp phần chấm dứt 10 năm đô hộ của nhà Minh (Trung Quốc).
 

Phá thế giặc, chuyển đại bản doanh

Một buổi sáng ngày 16/6/2010, tại hội trường xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhà văn Sơn Tùng đã có buổi nói chuyện với các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các cán bộ và nhân dân trong xã, về những nghiên cứu của mình với quê hương. Ông nói:

“…Đền Trang, ở thôn Trang, làng Hoa Lũy, nay là xã Diễn Kim, nằm bên bờ bắc Cửa Vạn. Làng Thanh Bích (nay là xã Diễn Bích) ở bờ nam. Từ Cửa Vạn đến thành Trài (Diễn Châu) khoảng 2km về phía bắc. Thành Trài là trị sở của Diễn Châu thời giặc Minh cai trị (nay là xã Diễn Hồng).

Thành Trài nằm sát sông Trài, con sông này bắt nguồn từ dãy núi phía bắc huyện Yên Thành, chảy qua đường thiên lý (nay là quốc lộ 1A). Từ khúc sông Cổ Hạc chảy xuôi, bao bọc lấy thành Trài rồi đổ vào sông Bùng ra biển Đông qua Cửa Vạn. Cửa Vạn xưa, còn gọi là Cửa Hoa (tức làng Hoa Lũy).

Cuộc kháng chiến khởi từ Lam Sơn, Thanh Hoá do Bình Định vương “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” lãnh đạo, từ năm 1418. Trải qua 6 năm chiến đấu vô cùng gian khổ trên đất Thanh Hoá (trấn Thanh Đô) mà vẫn trong vòng vây của giặc Minh.

Theo mưu sĩ Nguyễn Chích, Lê Lợi và Nguyễn Trãi chuyển đại bản doanh vào đất Nghệ An, có thế đứng vững vàng, nhân tài vật lực đất Nghệ hùng hậu, đã giúp nghĩa quân Lam Sơn liên tiếp thắng nhiều trận lớn.

"Trận Bồ Đằng sấm vang, chớp giật

Miền Trà Lân, trúc chẻ tro bay…"

(Bình Ngô đại cáo)

Tháng 6/1425, Bình Định vương Lê Lợi điều quân Lam Sơn bao vây Thành Trài (Diễn Châu), hạ thành Nghệ An phía nam… Tướng nhà Minh là Tiết Tụ bối rối trước thế lực của quân Lam Sơn áp đảo, phải kêu cứu… Bọn giặc Minh cấp tốc đem 300 chiến thuyền quân, lương vượt biển đến Cửa Vạn qua Hoa Lũy vào sông Trài để cứu viện. Tướng quân Đinh Lễ đem quân Lam Sơn đánh diệt viện ngay từ Cửa Vạn đến các ngả sông Bùng, sông Trài, diệt gọn 300 chiến thuyền.

Tương truyền, tướng nhà Minh (Tiết Tụ) ôm đầu máu kéo tàn quân tháo chạy ra phía cung Đất Đỏ, Hoàng Mai. Trang sử này đã đi vào lời ru của bà của mẹ tự bao đời: “Buồm ra Cửa Vạn buồm xuôi/ Mà coi quân giặc đầu rơi thành cồn/ Còn trời còn nước còn non/ Còn quân giặc cướp thì còn đầu rơi”.
 

Tướng quân Đinh Lễ là ai?

Sử liệu (Danh tướng Việt Nam, NXB Giáo dục 1996) cho biết: Tướng quân Đinh Lễ, người sách Thủy Cối (Lam Sơn, Thanh Hoá), là cháu ngoại của Bình Định vương Lê Lợi. Ông là một trong những vị tướng tài giỏi nhất của nghĩa quân Lam Sơn, được phong dần tới chức Tư không.

Sau trận đánh diệt viện tại Cửa Vạn (làng Hoa Lũy), vây thành Diễn Châu trên đà thắng lợi, Đinh Lễ cùng nghĩa quân Lam Sơn truy đuổi giặc Minh tới tận thành Tây Đô.

Tháng 9/1426, Đinh Lễ cùng nghĩa quân tiến ra bắc, bao vây thành Đông Quan (Hà Nội). Tháng 3/1427, trong lần ông cùng tướng Nguyễn Xí truy đuổi giặc Minh, quân ít, voi lại chẳng may bị sa bẫy, giặc quay lại phản công, cả hai đều bị bắt. Nguyễn Xí trốn thoát được, còn Đinh Lễ bị giặc Minh sát hại…

Sau khi ông mất, Lê Lợi lên ngôi, gia phong cho Đinh Lễ chức Tư đồ. Đời Hồng Đức (1470 - 1497), vua Lê Thánh Tông gia phong chức Thái sư. Vua Lê Hiển Tông gia phong cho Đinh Lễ chức Đô Thái úy Thành quốc công.

Đền Trang, ở thôn Trang hiện còn 18 đạo sắc vua ban từ đời Lê Cảnh Hưng (1783) đền đời Nguyễn Khải Định (1924). Nhà văn Sơn Tùng lưu giữ 18 đạo sắc vua ban cho 3 ngôi đền xã Diễn Kim: Đền Cả 8 đạo sắc, đền Trang 8 đạo sắc, đền Ông (cá voi) 2 đạo sắc. Năm 2016 gia đình đã bàn giao cho địa phương quản lý.
 

Nhà văn Sơn Tùng tâm sự: “Tìm hiểu về lịch sử, nhất là lịch sử quê hương trước hết phải tâm thành, phải biết yêu quê hương, trong đó có gia đình mình, những người thân của mình, để rồi từ đó mà nhân lên thành tình yêu Tổ quốc. Ngoài những cứ liệu, phải có “chất men” tâm linh và linh thức lần theo lịch sử đa diện, xuyên suốt nhiều tầng sự kiện, biến cố…".

Đất lành chim đậu

Nhà văn Sơn Tùng nói tiếp: “Đền Trang được xây theo lối tiền bái, hậu cung, tam toà tứ vệ, lũy trúc bao quanh, biên thành cổ thụ. Đền hướng về nam, nơi Cửa Vạn, sông Bùng soi bóng xuống dòng sông. Trước cửa đền có một cái giếng to, giếng đào đúng đại mạch, nước xanh trong vắt và không bao giờ cạn. Những năm đại hạn, dân quanh vùng như Kẻ Vạn, Kẻ Vích, Kẻ Sy… phải sang làng Hoa xin nước về dùng. Mỗi kỳ tế lễ thần, dân thôn Trang thường lấy nước giếng thơi này để cúng tế.

Từ ngày có đền Trang, có giếng nước mát lành, đất đai màu mỡ, gieo hạt giống gì xuống đất đều nảy mầm xanh tốt. Lòng lành chim đậu tổ, người khắp nơi kéo về đây sinh sống và phát triển ngày một đông”.

Đến đầu thế kỷ 20, cả một vùng rộng lớn từ thôn Trang tới Cửa Vạn, dân cư đông đúc sinh sống làm ăn, theo nghề truyền thống của địa phương đánh cá biển khơi và trồng dâu nuôi tằm. Bước sang thế kỷ 21, đất nước phát triển, thôn Trang giàu có, trở thành nền kinh tế đầu tàu của xã Diễn Kim, với cả trăm em đỗ đại học và trên đại học. Có người trở thành phó giáo sư, bác sĩ trưởng khoa một bệnh viện lớn tuyến Trung ương… và nhiều doanh nhân thành đạt.

"Kể từ khởi nguyên Kẻ Lũy, tới trang Kim Hoa, đến Hoa Lũy, Kim Lũy cho đến thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, xã Diễn Kim có ba ngôi đền, một đền thờ Cá Voi, gọi là đền Ông, hai ngôi đền còn lại là thờ các đại danh thần có công tích chống giặc ngoại xâm.

Đã hơn nửa thế kỷ qua, xã Diễn Kim không còn một ngôi đền nào cả. Giờ là lúc chúng ta phải khôi phục lại, không thể để lâu hơn được nữa. Chúng ta chưa có điều kiện khôi phục một lúc cả ba ngôi đền, thì tập trung vào một nơi. Hãy tìm một mảnh đất, một chỗ nào đó không phải đền bù mà xây dựng, đỡ tốn kém. Nghe nói, khu đất đền Cả, thờ thần thời Lý Nam Đế ở thôn A (nơi phát tích làng Kim) đang còn, chúng ta có thể xây dựng ở đó.

Năm nay tôi đã vào tuổi 83 rồi, không biết có về thăm quê được một lần nữa không? Thương tật, đau ốm thế này, một lần đi là mười lần khó. Từ đáy lòng, tôi chỉ mong sao làng Kim ta, xây được một ngôi đền để đón 18 sắc phong về… cho con cháu biết mà tự hào: Đền làng ta không chỉ có huyền thần, mà có cả đại danh thần chống giặc ngoại xâm, chức tước được gia phong chẳng kém gì danh tướng Lý Thường Kiệt, đời nhà Lý”.

Buổi nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng năm đó, diễn ra hơn hai tiếng đồng hồ, trong thời tiết nắng nóng 39 - 40oC, huyết áp tăng cao. Chiều hôm đó, ông phải cấp tốc trở về Hà Nội.

Mười ngày sau, tức ngày 26/6/2010, vết thương sọ não tái phát, bị chảy máu trong. Sau 4 tháng điều trị, qua hai bệnh viện Bạch Mai, và bệnh viện Y học Cổ truyền Dân tộc (Nguyễn Bỉnh Khiêm), bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Ông bị liệt toàn thân, không thể đi lại được nữa. Bạn bè khắp nơi, nghe tin, đã đến bệnh viện chia sẻ nỗi đau với ông. Đặc biệt có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hai lần đến thăm tại hai bệnh viện mà ông nằm điều trị.

Ngày 16/6/2010, trở thành ngày cuối cùng nhà văn Sơn Tùng về thăm quê. Và đây cũng là buổi nói chuyện cuối cùng của ông với bà con làng Hoa Lũy.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Việt Nam giành huy chương vàng giải bóng bàn Mỹ mở rộng

Bóng bàn Việt Nam đã giành 1 HCV nội dung đội nữ nhóm tuổi U17 tại giải Mỹ mở rộng (US Open) 2024.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.