| Hotline: 0983.970.780

'Đầu tàu' xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 02/08/2019 , 10:28 (GMT+7)

Huyện Tây Hòa vừa đón nhận quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018. Đây là huyện đầu tiên của Phú Yên đạt chuẩn NTM. 

Nâng cấp hạ tầng nông thôn

Theo UBND huyện Tây Hòa, qua 8 năm xây dựng NTM, đến nay, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Tỉ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 35,5 triệu đồng/người. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,44%.

09-47-32_1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (phải) trao quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018 cho lãnh đạo huyện Tây Hòa.

Ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho hay trong 8 năm qua, các cấp, ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp, đã làm thay đổi cơ bản cảnh quan môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Hiện các tuyến đường trục xã, thôn xóm ở Tây Hòa được đầu tư xây dựng đồng bộ, đạt chuẩn theo quy định của Bộ GT-VT. Công trình thủy lợi đã hoàn thiện. Tây Hòa có hệ thống thủy nông Đồng Cam, hồ chứa nước Hóc Răm (tưới, tiêu liên xã) và 3 trạm bơm điện bơm tưới hỗ trợ chống hạn; cùng với đó có 8 đập dâng, 10 trạm bơm, 6 hồ chứa nước đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất lúa 2 vụ, cung cấp nước sinh hoạt và chăn nuôi, cải tạo môi trường sinh thái.

Cùng với đường, hệ thống thủy lợi thì hệ thống điện nông thôn huyện Tây Hòa cũng được đầu tư hoàn chỉnh, phủ khắp địa bàn dân cư nông thôn, nối liền trung tâm hành chính huyện đến các xã, thị trấn, bố trí dọc theo tuyến quốc lộ 29, ĐT645 và các tuyến giao thông nông thôn…

Trước đó (năm 2011), xuất phát điểm của các xã khi thực hiện xây dựng NTM đều ở mức thấp, bình quân đạt 6,8 tiêu chí/xã (có xã chỉ đạt 4 tiêu chí); hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh còn thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông và các thiết chế văn hóa ở các thôn, xóm.

Thế nhưng đến năm 2015, huyện Tây Hòa đã có 3 xã đạt chuẩn là Hòa Bình 1, Hòa Tân Tây, Hòa Phong; năm 2016, có 5 xã là Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Phú, Sơn Thành Đông. Đến cuối năm 2017, 2 xã còn lại là Hòa Mỹ Tây và Sơn Thành Tây đạt xã NTM.
 

Thúc đẩy phát triển sản xuất

Xây dựng NTM hướng đến mục đích cuối cùng là phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Vì vậy huyện Tây Hòa đề ra kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập lâu dài.

Diện tích lúa của Tây Hòa nhiều nhất tỉnh Phú Yên, với trên 6.600ha/vụ. Những năm qua, huyện luôn xác định nông nghiệp là “chìa khóa” phát triển kinh tế. Để phát triển cây lúa bền vững, chủ động tưới tiêu, huyện chú trọng đầu tư xây dựng thủy lợi nội đồng, với hơn 149km kênh mương nội đồng do xã quản lý được kiên cố (năm 2011 chỉ kiên cố 28,45km), vồn thực hiện trên 53,6 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 14,6 tỉ đồng. Qua đó góp phần đưa năng suất lúa vụ đông xuân 2018-2019 đạt 79 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Ông Bùi Tấn Long, nông dân xã Hòa Mỹ Tây cho biết: Thời gian qua, địa phương triển khai nhân rộng cho nông dân trồng giống “siêu lúa xanh”, lúa chất lượng. Cả cánh đồng Hòa Mỹ Tây rộng gần 100ha, trồng các giống lúa mới, hạt sáng bóng mẩy, năng suất gần 80 tạ/ha. Vùng này tiến tới xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao, năng suất và phẩm chất hạt gạo tốt.

Theo ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung về lúa, mía, sắn, tiêu, được quy hoạch liên vùng, liên xã, phù hợp với đồ án xây dựng NTM của huyện.

09-47-32_5
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa.

Cùng với đó, năm 2018, 2019, huyện thực hiện 26 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà. Mô hình cánh đồng mẫu trồng lúa ứng dụng cơ giới hóa, giảm lượng giống gieo sạ đạt 1.650ha. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống cấp xác nhận, xuất bán lúa giống các loại cho các công ty giống cây trồng và bán cho các thành viên HTX để sản xuất vụ sau...

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Bí thư Huyện ủy Tây Hòa, cho biết huyện thực hiện xây dựng NTM với tinh thần chủ động, quyết tâm cao. Trong quá trình xây dựng NTM, các thành viên Ban chỉ đạo huyện được phân công phụ trách địa bàn, thường xuyên làm việc với UBND các xã để đánh giá, rà soát các tiêu chí chưa hoàn thành, các hạng mục cần đầu tư, xác định nguồn vốn cần bổ sung. Qua đó, kịp thời hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 19 tiêu chí NTM.

Thời gian đến, Huyện ủy đề ra nhiệm vụ, giải pháp giữ vững, nâng cao các tiêu chí. Qua đó góp phần đảm bảo chương trình xây dựng NTM trên địa bàn luôn phát triển ổn định và bền vững.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: Bộ mặt nông thôn huyện Tây Hòa đã có nhiều khởi sắc. Từ phong trào xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.