Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 1/4, thiệt hại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không đáng kể. Trên 1.400ha lúa đông xuân muộn ở huyện Long Phú bị giảm năng suất, trong đó khoảng 43ha bị thiệt hại hoàn toàn khi mới xuống giống.
Các đợt xâm nhập mặn trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh và kênh Quản Lộ Phụng Hiệp xuất hiện muộn hơn khoảng 20 ngày. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh, xâm nhập mặn còn kéo dài đến tháng 5/2024.
Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 6.500 hộ dân khu vực ven biển các huyện Trần Đề, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu khả năng thiếu nước sạch sử dụng trong tháng 4 - 5/2024.
Trước diễn biến nắng hạn gay gắt kéo dài, nhận định nguy cơ thiếu nước sạch rất cao, mới đây, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để thực hiện đấu nối, mở mạng đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn của các địa phương trên.
Ông Lâu nhận định, địa phương đã có sự chủ động xây dựng các kịch bản phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn ngay từ quý III/2023.
Trong đó, đối với giải pháp phi công trình, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền người dân chủ động quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch. Nhất là tại các điểm xung yếu, đầu các cống đầu nguồn lấy nước phục vụ sản xuất. Đối với những vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con sử dụng tiết kiệm nước, dịch chuyển lịch thời vụ để né mặn.
Đối với giải pháp công trình, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình thủy lợi mới vào hoạt động để tham gia chống hạn mặn. Điển hình, các địa phương hoàn thành công tác nạo vét các tuyến kênh trục để chủ động trong việc tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Đầu tư sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi từ nguồn thủy lợi phí theo kế hoạch được phê duyệt.