| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư cho phòng chống thiên tai là đầu tư cho tương lai

Thứ Bảy 22/05/2021 , 09:42 (GMT+7)

'Chủ thuyết lớn nhất trong công tác phòng chống thiên tai là công việc này không phải là nghĩa vụ của riêng ai', Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Đức Tùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Đức Tùng.

Thiết chế phòng chống thiên tai ở Việt Nam rất đặc biệt 

Nếu nói ngắn gọn, trong 75 năm qua, chúng ta đã đt được thành tựu gì trong phòng và chống thiên tai, thưa Thứ trưởng? 

Nói đến công tác phòng chống thiên tai, chúng ta không thể gói gọn trong 75 năm. Bởi đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được vun đắp qua mấy nghìn năm lịch sử.

Bằng chứng là trong 2.700km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt hiện nay, phần nhiều được đắp từ thời ông cha ta. Sau năm 1945, chúng ta mới xây dựng các thiết chế về công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp độ an toàn của hệ thống đê điều.

Bác Hồ từng nói: Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng, lụt, ít nước quá thì hạn hán…

Vậy 75 năm qua, nhìn lại công cuộc phòng chống thiên tai, chúng ta làm được gì và chưa được gì? Nếu nói ngắn gọn thì cái được nhất là nhận thức của toàn xã hội về những mối đe dọa của thiên tai được nâng lên, từ đó có các giải pháp để khắc chế nó. Và từ nhận thức ấy, chúng ta tập trung nhiều hơn, đầu tư bài bản, căn cơ và có tầm nhìn tốt hơn trước. Bởi, đầu tư cho phòng chống thiên tai không chỉ là cho hiện tại mà cho cả tương lai.

Thiết chế phòng chống thiên tai ở Việt Nam rất đặc biệt. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chứ không phải một mình ai, một tổ chức nào. Phương châm “4 tại chỗ” của Việt Nam cũng hết sức nổi tiếng và rất có hiệu quả cho đến giờ phút này.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đầu tư cho phòng chống thiên tai là đầu tư cho tương lai.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đầu tư cho phòng chống thiên tai là đầu tư cho tương lai.

Nguyên nhân là do địa hình nước ta bị chia cắt quá lớn. Khi có bão, lũ lụt, nhiều khu vực có nguy cơ cao bị cô lập, cần phải có lực lượng tại chỗ để ứng phó. Đây là cách tiếp cận phòng chống thiên tai rất khác của Việt Nam.

Thế giới đã tổng kết rằng, khi chúng ta bỏ ra 1 đồng cho phòng thì sẽ tiết kiệm được 7 đồng cho khâu chống. Bởi vậy, giai đoạn vừa qua, phương châm “lấy phòng làm chính” trong công tác phòng chống thiên tai ngày càng rõ nét hơn.

Có những thiệt hại có tiền không giải quyết được

Khi thiên tai xảy ra, ai cũng có thể nhìn thấy ngay thiệt hại to lớn về con người, nhà cửa, tài sản, ruộng vườn tan nát… Song, có những thiệt hại âm ỉ, không nhìn thấy ngay được, thưa Thứ trưởng?

Đúng vậy. Trong thiên tai, đặc biệt là với Việt Nam luôn có những thiệt hại chồng chất. Một trận thiên tai đi qua, chúng ta nói là thiệt hại từng này tiền. Tiền chỉ là những thứ nhìn thấy, còn bao nhiêu mất mát phía sau những đồng tiền ấy không  nhìn thấy được.

Cái đầu tiên là rất nhiều gia đình từ giàu có bỗng chốc nghèo khổ, rất nhiều gia đình vừa thoát nghèo lại hoàn nghèo mà cái đó không thể khắc phục ngày một ngày hai.

Mình nói là sập một căn nhà, thôi thì hỗ trợ họ 40 triệu đồng để làm nhà, nhưng quan trọng hơn là sinh kế của họ sau đó là cái gì giúp họ khôi phục lại toàn bộ cuộc sống và thu nhập có khi phải mất hàng chục năm, chứ không phải vài năm.

Và chúng tôi rất trăn trở về câu chuyện đặt ra hiện nay, đó là khôi phục và sinh kế sau bão lũ. Đây là vấn đề lớn.

Cái thứ hai, nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm thế xã hội, tâm lý xã hội. Một trận lũ quét để lại di chứng chắc là cả thế hệ ở bản đó bị ám ảnh, dẫn đến những hệ lụy về cuộc sống, mưu sinh. Chưa nói đến những sinh mạng mất đi, không thể lấy lại được.

Thứ ba là ảnh hưởng về hạ tầng, sức chống chịu không cao ngay từ đầu, vì vậy khi một trận thiên tai đi qua sức tàn phá hạ tầng rất khủng khiếp.

Ví dụ, nếu sức chống chịu cao, nếu thiết kế chống được bão cấp 12 thì bão cấp 11 không là gì. Nhưng vì sức chống chịu thấp nên khi bão đi qua, hạ tầng quay trở lại như chưa đầu tư, và để làm lại như cũ không chỉ cần tiền, bởi có tiền cũng không làm được.

Nên khi miền Trung thiệt hại trận lụt năm 2020, ước tính 32.000 tỷ đồng, trường học, hạ tầng, công sở, nhà dân... đều ảnh hưởng nặng nề.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 3 từ phải) trong một lần chỉ đạo chống bão tại tỉnh Quảng Trị.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 3 từ phải) trong một lần chỉ đạo chống bão tại tỉnh Quảng Trị.

Câu chuyện đặt ra là nếu có ngay 32.000 tỷ hỗ trợ các tỉnh miền Trung thì cũng không thể khôi phục trong 5 năm. Vì khi khắc phục hạ tầng phải có thời gian, và nhiều yếu tố khác. Và nếu có ngay 32.000 tỷ thì cũng không làm lại được như cũ.

Cần lực lượng tinh nhuệ phòng chống thiên tai 

Một lực lượng tinh nhuệ, chuyên nghiệp trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là mong mỏi của nhiều người. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này thế nào? 

Rất cần. Lực lượng đặc biệt này không cần nhiều, chỉ cần 200 - 300 người nhưng phải thực sự tinh nhuệ. Lực lượng này nên đóng ở Trung ương. Còn địa phương cũng cần tổ chức lực lượng chuyên nghiệp, nhưng quy mô nhỏ hơn. Họ phải được đào tạo, tập huấn bài bản; có chế độ đãi ngộ riêng và được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, công nghệ chuyên dụng trong các tình huống, hoàn cảnh khác nhau.

Ví dụ, để tiếp cận một khu vực đang bị sạt lở do mưa lớn mà không thể vào được bằng đường bộ, chúng ta cần các thiết bị máy bay không người lái hoặc quan sát qua ảnh vệ tinh để biết tình trạng ở nơi đó ra sao. Từ đó, lựa chọn phương án ứng phó phù hợp chứ không phải vào tận nơi để xem tận mắt.

Một số quốc gia đã thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp. Còn ở Mỹ, dù không có Bộ Tình trạng khẩn cấp nhưng lại phân cấp rất rõ, thiên tai đến mức nào thì lực lượng tinh nhuệ đặc biệt của họ phải tham gia.

Chúng ta hiện có Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đồng thời có Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Sự phối hợp của hai cơ chế này hiện nay là tốt nhưng không phải là không có những suy nghĩ.

Như câu chuyện năm 2019, trận lũ quét kinh hoàng đã cô lập hoàn toàn xã Na Mèo, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Vì thiếu trang thiết bị chuyên dụng vượt dòng nước xiết qua sông, 7 người trong đoàn công tác của chúng tôi phải lên ca nô đơn sang sông. Trong quá trình ấy, ca nô của đồng chí Bí thư Huyện ủy Quan Hóa đã bị lật. Ông bị thương, phải quay về còn tôi thì may mắn sang được bờ bên kia.

Lúc đó, tôi nói với anh em trong đoàn là tại sao không lắp cầu phao để sang sông cho an toàn. Thế là ngay hôm sau, một chiếc cầu phao dã chiến đã được lắp đặt chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ.

Như vậy, cần có các thiết bị chuyên dụng đối với các thiên tai thường xuyên xảy ra ở địa khu vực đó, để khi xảy ra tình huống khẩn cấp, các thiết bị chuyên dùng này sẽ sử dụng được ngay. Ví dụ như cầu phao ở những vùng thường xuyên bị lũ chia cắt, máy bay không người lái, điện thoại vệ tinh… (được quản lý tại Tỉnh đội và các cơ quan khác).

Chúng ta nên đầu tư trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai một cách tập trung, thu về một mối chứ không bao giờ đủ nguồn lực để đầu tư một cách dàn trải cho từng cá nhân.

Chủ thuyết phòng chống thiên tai

Đâu là chủ thuyết xuyên suốt trong việc phòng chống thiên tai của Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Lần đầu tiên Ban Bí thư có Chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai. Đó chính là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thực ra, trước khi có Chỉ thị của Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc để chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Đây là chủ thuyết mà chỉ Việt Nam mới có. Nhiều khi thiên tai xảy ra quá thường xuyên và liên tục, chúng ta coi đây là việc đương nhiên phải làm.

Nhưng kể từ khi có Chỉ thị 42, sự vào cuộc của cả hệ thống khác hẳn. Trước đây, việc chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở địa phương thường do Chủ tịch UBND tỉnh đảm trách, nhưng bây giờ có cả Bí thư Tỉnh ủy. Khi Bí thư Tỉnh ủy tham gia trực tiếp vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị rất khác.

Hàng năm, các cơ quan chuyên trách của địa phương phải có một báo cáo về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 42- CT/TW, trong báo cáo nêu rất cụ thể các giải pháp, cách thức, phương án phòng chống thiên tai.

Do đó, chủ thuyết lớn nhất của công tác phòng chống thiên tai trong Chỉ thị 42–CT/TW là phòng, chống thiên tai không phải là nghĩa vụ của riêng ai, muốn phòng chống thiên tai có hiệu quả thì phải có sự đồng lòng từ người dân đến hệ thống chính trị, đặc biệt là đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành trong công tác phòng, chống thiên tai.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Vấn đề khôi phục lại sản xuất, khôi phục lại cuộc sống sau thiên tai, đặc biệt là cho người nông dân, người nghèo, người yếu thế là điều tôi trăn trở nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Vấn đề khôi phục lại sản xuất, khôi phục lại cuộc sống sau thiên tai, đặc biệt là cho người nông dân, người nghèo, người yếu thế là điều tôi trăn trở nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân để xảy ra thiệt hại, ngoài thiên tai còn có “nhân tai”. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này? 

Tôi cho rằng điều đó đúng. Mọi sự tác động của con người vào tự nhiên đều gây ra những hệ quả, vấn đề là tác động ấy gây ra hệ quả tốt (như những công trình phòng chống thiên tai) hay xấu (điển hình là phá rừng).

Ở một số nơi, việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không theo quy hoạch phòng chống thiên tai vẫn diễn ra. Thậm chí, những công trình xây dựng theo quy hoạch rồi mà vận hành không đúng quy trình thì vẫn là “nhân tai”.

Qua vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 cho thấy, chúng ta kêu gọi tàu thuyền trên biển về nơi tránh trú an toàn rất tốt, nhưng chúng ta rút người ở vùng sạt lở về lại không tốt.

Do đó công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai năm 2021 phải khác, nguyên tắc là “chỉ đạo trên bờ như trên biển”. Đồng thời hạn chế những hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Là người làm công tác phòng chống thiên tai, những hình ảnh đau thương của người dân có tác động gì khi Thứ trưởng tham mưu, ban hành chính sách?

Khi tôi làm Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, tôi luôn có mặt từ rất sớm.

Hình ảnh tôi ám ảnh mãi là vụ tai nạn ở Khánh Hòa khiến hơn 20 người chết. Lúc đó tôi bật khóc. Nó cứ ám ảnh trong đầu tôi mãi. Ngay lúc đó, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là giải quyết các tai nạn đấu đầu ở trên quốc 1 và quyết liệt kiến nghị đầu tư làm dải phân cách trên quốc lộ 1. Từ đó, tai nạn đấu đầu gây thiệt hại tính mạng nhiều người cùng lúc đã thuyên giảm.

Hai năm trở lại đây, tôi được phân công phụ trách lĩnh vực phòng chống thiên tai. Những lần trực tiếp phải chứng kiến cảnh người chết trong thiên tai thì ít hơn, vì mỗi năm có khoảng 200 người chết do thiên tai, còn giao thông là 8.000 người.

Khi về Quảng Trị để tổ chức hội nghị Khôi phục sản xuất sau thiên tai mưa lũ miền Trung năm 2020, hình ảnh cả cánh đồng mênh mông không có một chỗ nào là mặt ruộng đã tác động rất lớn đến tôi. Toàn là đất và đá. Bà con mặc áo mưa lấy cuốc để san gạt mặt ruộng.

Đó là những hậu quả thiên tai hết sức nặng nề, và người bị tổn thương nhiều nhất lại là nông dân. Chính vì thế, vấn đề khôi phục lại sản xuất, khôi phục lại cuộc sống sau thiên tai, đặc biệt là cho người nông dân, người nghèo, người yếu thế là điều tôi trăn trở nhất.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.