Chất lượng khách tăng nhờ đầu tư du lịch
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm, Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam bộ với GRDP đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cùng kỳ. Trong bức tranh chung của sự tăng trưởng kinh tế Tây Ninh, du lịch được xem là một điểm sáng quan trọng, với doanh thu đạt gần 1.450 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.
Đây không phải là kết quả đáng ngạc nhiên, bởi trong những năm gần đây, tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng thời công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tích cực triển khai, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Lý giải cho sức hấp dẫn của du lịch Tây Ninh, các chuyên gia cho rằng tỉnh đang được đầu tư thành điểm đến nổi bật trên cả nước với chất lượng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao. Theo ông Trần Anh Minh - Giám đốc Sở VH-TT&DL Tây Ninh, du lịch Tây Ninh nhiều năm gần đây không chỉ tăng về số lượng mà quan trọng hơn là tăng ở chất lượng khách, nhờ chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhìn nhận đúng về đầu tư du lịch.
“Chất lượng khách đến tăng lên là nhờ chất lượng sản phẩm du lịch tăng lên. Đơn cử như KDL tại núi Bà Đen, thông qua sự đầu tư của Tập đoàn Sun Group đã đưa núi Bà Đen trở thành một điểm đến hết sức độc đáo và đẳng cấp”, ông cho biết.
Có thể thấy, sự đầu tư các công trình du lịch về cả mặt quy mô, kiến trúc và tính đa trải nghiệm đã đưa Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Nam Bộ. Trong đó, Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain là sản phẩm tiêu biểu nhất trong bức tranh du lịch tỉnh, với lượng khách chiếm đến hơn 90% tổng số khách đến Tây Ninh.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tôi nghĩ rằng việc ứng dụng các công nghệ hiện đại từ cáp treo cho đến các hệ thống thiết bị về ánh sáng, âm thanh, cảnh quan, sự chăm chút về kiến trúc trên núi Bà Đen, điều đó cho thấy rất rõ là việc đầu tư sẽ mang lại giá trị, sự hài lòng cho du khách. Đây là một giá trị rất quan trọng để khẳng định và lan tỏa vị thế của điểm đến, thu hút khách du lịch. Và chính điều này sẽ một phần thúc đẩy sự phát triển chung của du lịch cũng như ngành kinh tế”.
Các công nghệ hiện đại lần đầu được ứng dụng trên núi Bà Đen đã giúp du khách khám phá thế giới Phật giáo một cách hoàn toàn mới. Tiêu biểu nhất phải kể đến công nghệ chiếu phim 3D mapping tại trung tâm triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi để khám phá sự hình thành vũ trụ qua lăng kính Phật giáo; công nghệ Hologram để du khách chiêm ngưỡng các ngôi chùa cổ nổi tiếng trên cả nước lơ lửng giữa không gian 3 chiều; hay 3.500 ngọn đèn LED thắp sáng khắp đỉnh núi tạo nên một bức tranh ánh sáng vô cùng ảo diệu.
Đây được xem là một cách thức khai thác du lịch tâm linh rất thành công của Tây Ninh khi có thể kết hợp khéo léo sự tiến bộ của công nghệ hiện đại trên đỉnh núi với những giá trị tâm linh truyền thống được gìn giữ nhiều thế kỷ qua với hệ thống chùa Bà 300 năm tuổi - nơi thờ phượng Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát như một biểu tượng tâm linh vững chãi trong tâm thức người dân Nam bộ.
Hút khách nhờ bản sắc văn hoá và tâm linh
Không chỉ được đầu tư quy mô về cảnh quan và trải nghiệm, núi Bà Đen còn là điểm đến linh thiêng khi là nơi hiếm hoi tại Việt Nam lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca do Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) trao tặng.
Đại đức Thích Đồng Ngộ, trụ trì chùa Thiên Hưng (Bình Định) là người cung rước xá lợi đức Phật về Việt Nam cho biết: “Tây Ninh có ngọn núi Bà Đen thật kỳ vĩ và lạ lùng, như được hun đúc bởi đất trời. Từ góc nhìn tâm linh, thì đây như là đại huyệt đạo của phía nam, của nước Việt, là phên giậu của nước nhà. Cung nghinh Ngọc xá lợi đức Phật về đây sẽ tôn thêm năng lượng cho ngọn núi Bà Đen, từ đó phước đức sẽ được hun đúc, để cả một vùng đất thêm trù phú, thịnh vượng”.
Đây cũng được xem là một lý do khiến núi Bà Đen trở thành điểm đến tâm linh được nhân dân cả nước mong muốn đến chiêm bái và quay trở lại nhiều lần.
Cũng theo các báo cáo của tỉnh, góp phần cho việc quảng bá hình ảnh Tây Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế chính là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sự kiện lễ hội… được tổ chức sôi nổi, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Tây Ninh.
Các sự kiện văn hoá lễ hội hút lượng khách lớn đến Tây Ninh từ đâu năm đến nay phải kể đến như Lễ Hội xuân núi Bà Đen dịp đầu năm, Lễ hội ẩm thực chay Tây Ninh, hay Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (tại núi Bà Đen) được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vừa diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua.
Đặc biệt, rất nhiều di sản văn hoá nghệ thuật được tỉnh gìn giữ và phát huy khi đưa vào trình diễn trong các lễ hội lớn như Đờn ca tài tử, múa Khmer, múa trống Chhay - dăm, múa Bóng rỗi…, tạo nên một bản sắc văn hoá không thể trộn lẫn và hút một lượng khách lớn đến với tỉnh vùng biên này.
Nếu như từ đầu năm 2023, tỉnh đưa ra chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách trong cả năm, thì 6 tháng đầu năm đã có 3,5 triệu lượt khách. Đây là một con số đầy kỳ vọng để Tây Ninh vươn lên không chỉ là một trong số điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam bộ, mà còn là một mắt xích quan trọng kết nối các điểm đến du lịch hàng đầu Nam bộ như TP.HCM, Đà Lạt, Phú Quốc…