Chiều 26/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với ông Thani Bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao sự hợp tác của Bộ Kinh tế UAE với các Bộ ngành của Việt Nam trong thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Bộ NN-PTNT hoan nghênh Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE đang tiến tới kết quả cuối cùng với nhiều triển vọng tích cực từ cam kết của hai bên.
Việc mở cửa rộng rãi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam mà cũng góp phần giúp người tiêu dùng UAE được hưởng lợi từ các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ hơn từ Việt Nam.
Một trong những kết quả đạt được nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị COP 28 vào tháng 12/2023 vừa qua, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu UAE đã ký kết “Bản ghi nhớ Hợp tác về Đa dạng lương thực”. Đây là cơ sở để hai bên thúc đẩy hợp tác song phương trong sản xuất nông nghiệp và trao đổi hàng hóa nông sản.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng phát triển các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng và giá trị gia tăng cao; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong đó có tính đến tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang thị trường Halal toàn cầu.
Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với thị trường Halal, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn như UAE. Thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông lâm thủy sản thô và sơ chế với 8 mặt hàng xuất khẩu chính là bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, hạt tiêu và chè.
Về phía UAE, ông Thani Bin Ahmed Al Zeyoudi cho biết, Việt Nam và UAE đang đi đến bước rà soát pháp lý sau khi kết thúc quá trình đàm phán về Hiệp định CEPA, và kỳ vọng sẽ được ký kết trong thời gian tới. Hầu hết các sản phẩm có trao đổi đã được đưa vào Hiệp định, trong đó có hải sản và các nông sản khác.
Về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Al Zeyoudi cho biết, hiện nay UAE đang ký hợp đồng để nhập khẩu một số nông sản của Việt Nam như lúa gạo, các loại hạt, hải sản, cà phê, socola… Ở chiều ngược lại, UAE mong muốn có nhiều cơ hội đầu tư hơn tại Việt Nam và xây dựng mô hình đầu tư với Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông sản. Trên cơ sở hiệp định được ký, cần tính đến những bước tiếp theo để thúc đẩy nông sản Việt Nam sang UAE được thuận lợi. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản hai nước đạt khoảng 350 triệu USD và 7 tháng đầu năm 2024 đạt 250 triệu USD, thông qua cơ chế liên thông, kim ngạch xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị hai bên tăng cường các hội nghị, diễn đàn xúc tiến thương mại nông sản để tạo điều kiện tiếp xúc thường xuyên giữa các doanh nghiệp.
Về mô hình hợp tác đầu tư, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng hai bên có thể liên kết xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn để xuất khẩu nông sản, mô hình này sẽ kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp UAE. Bộ NN-PTNT khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp UAE quan tâm đến khâu chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là logistics.
“Các nhà đầu tư UAE có thể tập trung đến trung tâm logistics nông sản, đặc biệt là đầu tư chế biến các nông sản Halal để xuất khẩu sang UAE và các nước Ả rập khác”, Thứ trưởng gợi mở.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu xuất khẩu thịt gà đạt chuẩn Halal sang thị trường UAE, song còn vướng mắc về tiêu chuẩn kiểm nghiệm, kiểm chứng. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị phía UAE cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
Cùng ngày, trong khuôn khổ Diễn đàn Thương mại Việt Nam – UAE (B2B), Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã có buổi trao đổi với đại diện Tập đoàn AlDahra về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại và xúc tiến thị trường giữa Việt Nam và các nước khác. Đối với UAE, Bộ đã tổ chức một số đoàn đại biểu tham gia nhiều lễ hội và triển lãm ẩm thực tại nước bạn. Việt Nam cũng có một câu lạc bộ các công ty thực phẩm Trung Đông.
Việt Nam mong muốn hợp tác xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nông sản chế biến, phát thải carbon thấp hơn và hoạt động xanh hơn.
“Việt Nam đã được Diễn đàn Kinh tế Nông nghiệp Thế giới chọn là một trong ba quốc gia đầu tiên trên thế giới thí điểm Trung tâm Đổi mới sáng tạo thực phẩm. Sáng kiến này mang đến một cơ hội quan trọng, đặc biệt là khi xét đến thế mạnh về đổi mới sáng tạo và công nghệ số của UAE. Chúng tôi tin rằng quan hệ đối tác giữa hai bên có thể giúp hợp tác hiệu quả trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo thực phẩm và lĩnh vực thực phẩm nói chung, bao gồm cả khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, ông Tuấn gợi ý.
Với ba mặt hàng chủ chốt hiện đang được đàm phán giữa Việt Nam và UAE trong khuôn khổ Hiệp định CEPA gồm hạt điều, tiêu và thủy sản, đại diện Bộ NN-PTNT đề nghị phía UAE có ưu đãi tốt hơn với các mặt hàng này, đặc biệt là thủy sản vì đây là những mặt hàng được thế giới quan tâm.
Bên cạnh đó, với nguồn nguyên liệu dồi dào của Việt Nam, phía Bộ NN-PTNT hoan nghênh các doanh nghiệp UAE thúc đẩy hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực thực phẩm Halal để xuất khẩu sang các thị trường Ả rập, trong đó có UAE.
Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản quan trọng của Việt Nam vẫn chưa được hưởng ưu đãi về 0% ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực, nhiều mặt hàng vẫn cần 5 năm (như hạt điều), thậm chí 10 năm (như hạt tiêu) để được hưởng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi 0%.