| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư phát triển thủy lợi Bắc Hưng Hải

Thứ Sáu 25/03/2022 , 13:56 (GMT+7)

Trong trung hạn 2021-2025, Bộ NN-PTNT sẽ bố trí khoảng 630 tỷ đồng để đầu tư một số công trình thuộc dự án Bắc Hưng Hải giai đoạn 2.

Nhiều công trình được đầu tư nâng cấp

Ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra công tác quản lý công trình thủy lợi tại Hải Dương và lắng nghe đề xuất của tỉnh đối với các dự án đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 về phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (ngoài cùng bên phải) và ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương (giữa), ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi khảo sát tình hình sử dụng một số khu vực bãi sông tại Hải Dương. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (ngoài cùng bên phải) và ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương (giữa), ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi khảo sát tình hình sử dụng một số khu vực bãi sông tại Hải Dương. Ảnh: Minh Phúc.

Địa điểm đầu tiên Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra là trạm bơm tiêu Dốc Bùng II (còn gọi là trạm bơm Vạn Phúc) tại xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Do được xây dựng đã lâu, công trình đã xuống cấp trầm trọng và không đáp ứng được nhu cầu tiêu úng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Để khắc phục những khó khăn trên, Bộ NN-PTNT đã bố trí kinh phí để đầu tư cải tạo, nâng cấp trạm bơm Vạn Phúc, qua đó điều tiết nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Song song với đó, Bộ NN-PTNT cũng đầu tư nạo vét, gia cố bờ kênh và công trình trên kênh Chùa So, kênh Cậy - Phủ - Cổ Bì, trạm bơm Hiệp Lễ (thuộc dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải giai đoạn 2).

Cũng trong buổi làm việc tại Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã kiểm tra cống Quảng Giang (trước cổng làng văn hóa thôn Quảng Giang, xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ) do địa phương đầu tư xây dựng từ năm 1991. Sau hơn 30 năm sử dụng, công trình không còn phù hợp với mỹ quan không gian. Mặt khác, quá trình vận hành đóng mở van cửa cống phải thực hiện thủ công nên thiếu chủ động đối với những tình huống bất thường xảy ra.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tại cống Quảng Giang (trước cổng làng văn hóa thôn Quảng Giang, xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ). Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tại cống Quảng Giang (trước cổng làng văn hóa thôn Quảng Giang, xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ). Ảnh: Minh Phúc.

“Không thể để tồn tại những công trình cũ trước cổng một ngôi làng nông thôn mới như vậy được”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị quản lý thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải thống kê những công trình tương tự, để đề xuất đầu tư sửa chữa, nâng cấp (hoặc xây mới) trong thời gian tới.

Ngoài ra, hàng loạt công trình đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng đã được Bộ NN-PTNT đề nghị nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp trong khung khổ dự án Quản lý Tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu (ADB10), vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Xử lý vấn nạn ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải

Theo UBND tỉnh Hải Dương, được sự quan tâm đầu tư nguồn vốn của Bộ NN-PTNT cùng với việc bố trí ngân sách của tỉnh, trong những năm qua, Hải Dương đã đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo trên 30 trạm bơm, 17 cống thuỷ lợi và đang triển khai xây dựng 9 cống.

Ông Lương Văn Cảnh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh hầu hết được xây dựng đã lâu, mức đảm bảo thấp, công trình, máy móc thiết bị xuống cấp, hiệu suất thấp, kinh phí đầu tư cho cải tạo, xây dựng còn hạn chế. Đặc biệt là thiếu công trình chủ động tưới tiêu động lực, hệ thống kênh, mương, sông trục bị bồi lắng, lấn chiếm làm biến dạng công trình, gây ách tắc cản trở dòng chảy.

Nguồn nước tưới khu vực Bắc Hưng Hải chưa đảm bảo, lưu lượng và mực nước tại cống đầu mối Xuân Quan chưa đáp ứng yêu cầu và thiếu hụt nhiều so với thiết kế ban đầu, khu vực cuối hệ thống Bắc Hưng Hải phải lấy nước thủy triều ngược nên không chủ động.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp về giải pháp phát triển thủy lợi, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp về giải pháp phát triển thủy lợi, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Ảnh: Minh Phúc.

Do đó, UBND tỉnh Hải Dương đề xuất Bộ NN-PTNT sớm đầu tư xây dựng, nâng cấp Cụm công trình đầu mối Xuân Quan và cống trạm bơm Nghi Xuyên để bổ sung nguồn nước sông Hồng vào hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy hoạch đã được phê duyệt. Qua đó khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước và lấy nước ngược từ các cống hạ lưu của hệ thống Bắc Hưng Hải. Đồng thời Bộ NN-PTNT có ý kiến kiến nghị UBND thành phố Hà Nội sớm xây dựng trạm xử lý nước thải sông Cầu Bây, đảm bảo chất lượng nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả ra hệ thống công trình thủy lợi.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trước mắt, trong trung hạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT sẽ bố trí khoảng 630 tỷ đồng để đầu tư một số công trình thuộc dự án Bắc Hưng Hải giai đoạn 2, trong đó có 3 trạm bơm gồm: Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), Ngọ Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh), Vạn Phúc (Ninh Giang, Hải Dương) và sửa chữa, nâng cấp một số tuyến kênh, kè nâng cao năng lực tưới tiêu cho toàn hệ thống.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương và công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP. Hà Nội để xây dựng, hoàn thiện phương án phát triển thủy lợi Bắc Hưng Hải. Từ đó, các tỉnh tích hợp vào quy hoạch của địa phương để có căn cứ đề xuất các dự án đầu tư xây dựng.

Liên quan đến vấn nạn ô nhiễm môi trường nước tại hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ông Trịnh Thế Trường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết: Trước đây chúng ta luôn luôn nghĩ nguồn ô nhiễm từ TP. Hà Nội chảy qua sông Cầu Bây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều báo cáo đánh giá đã khẳng định cả tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đều gây ô nhiễm cho hệ thống Bắc Hưng Hải.

Đặc biệt, 70% nguồn gây ô nhiễm là nước thải từ khu dân cư. Đã có rất nhiều dự án đầu tư của Bộ NN-PTNT cũng như đề tài nghiên cứu, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước nhưng rõ ràng năm sau lại ô nhiễm nặng hơn năm trước. Ngay cả các tuyến kênh trong thành phố Hải Dương như kênh T2, kênh Đoàn Thượng… cũng bị ô nhiễm.

Rất mong tỉnh Hải Dương sớm đầu tư các công trình thu gom, xử lý nguồn nước của các khu dân cư TP. Hải Dương và khu đô thị, khu công nghiệp trước khi thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Bình luận mới nhất