| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư thủy lợi: Nhà nước cho đi, người dân đáp lại

Thứ Tư 16/10/2024 , 07:32 (GMT+7)

Tây Ninh Từ khi có chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến kênh thủy lợi bằng đất tại xã Thái Bình đã được kiên cố hóa, tạo thuận lợi sản xuất lúa.

Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đối ứng 30%

Thái Bình là một trong những địa phương có diện tích canh tác lúa khá lớn của huyện Châu Thành (Tây Ninh). Thời gian qua, thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, chính quyền nơi đây đã từng bước khơi dậy sức dân để kiên cố hóa các tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng.

Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc HTX Dịch vụ thủy lợi số 2 xã Thái Bình đến thăm tuyến kênh thủy lợi 17/13-3 tại ấp suối Dộp, đây là một trong 3 tuyến kênh vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Tài hồ hởi cho biết, toàn bộ cánh đồng này có diện tích khoảng 500ha, trước đây, tuyến kênh bằng đất nên thường xuyên bị bồi lắng, gây khó khăn trong việc điều tiết nước. Việc nạo vét kênh đất tốn nhiều chi phí và công sức.

Toàn xã Thái Bình có 11 tuyến kênh bằng đất trong đó đã có 3 tuyến được bê tông hóa. Ảnh: Trần Phi.

Toàn xã Thái Bình có 11 tuyến kênh bằng đất trong đó đã có 3 tuyến được bê tông hóa. Ảnh: Trần Phi.

Sau khi nhận được chủ trương, tỉnh Tây Ninh hỗ trợ 70% kinh phí sửa chữa công trình thủy lợi nội đồng, nhân dân chỉ cần bỏ ra 30%, bà con nơi đây đồng thuận ngay. Chỉ sau đưa đầy 1 tháng thi công, hơn 750m tuyến kênh đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, bà con không ngần ngại hiến thêm 3m đất cặp kênh (tương đương hơn 2.100m2 đất) để làm tuyến đường nội đồng.

Có hơn 1ha lúa cạnh tuyến kênh đi qua, ông Lại Văn Ninh ở ấp suối Dộp phấn khởi cho biết, trước đây, khi sử dụng kênh đất, việc lấy nước rất khó khăn.Trong mùa mưa, tình hình cũng không khả quan. Khúc trên của cánh đồng có nước nhưng khúc dưới thì thường bị ngập lụt nghiêm trọng. Có những năm lụt nặng đến mức chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của xã để khắc phục.

Người dân suối Dộp phấn khởi lấy nước vào ruộng. Ảnh: Trần Trung.

Người dân suối Dộp phấn khởi lấy nước vào ruộng. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện tại, với việc sử dụng kênh bê tông, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Giờ đây, việc lấy nước dễ dàng hơn rất nhiều. Trong một buổi, tôi có thể cấp nước đủ cho toàn bộ cánh đồng trong một ngày. Điều này đã giúp cải thiện đáng kể tình hình sản xuất. Nếu không gặp phải vấn đề thời tiết bất lợi hay dịch bệnh, tôi kỳ vọng năng suất sẽ tăng khoảng 30% so với năm ngoái”, ông Ninh phấn khởi nói.

Tiếp tục nâng cấp đầu tư

Ông Trần Thế Hiệp, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết thêm, địa phương hiện có trên 1.200ha lúa, chiếm 60% diện tích đất nông nghiệp. Hiện toàn xã có 11 tuyến kênh bằng đất trong đó đã có 3 tuyến được nâng cấp. Việc nâng cấp kênh thủy lợi nội đồng không chỉ giải quyết được vấn đề ngập úng mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, cải thiện đời sống của người dân và nâng cao giá trị sản xuất.

“Với 8 tuyến còn lại, do kinh phí đầu tư khá lớn (khoảng 1 tỷ/tuyến kênh), chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng để đầu tư vào hạ tầng thủy lợi, đồng thời khuyến khích sự hợp tác của người dân trong bảo trì và duy tu hệ thống kênh, đảm bảo hiệu quả lâu dài cho sản xuất nông nghiệp”, ông Hiệp chia sẻ.

Việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng góp phần phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng góp phần phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Ảnh: Trần Trung.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện hiện có 419 tuyến kênh thủy lợi nhỏ và nội đồng, cùng với các tuyến suối, rạch có khả năng tiêu thoát nước, với tổng chiều dài 94km. Nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn, huyện đã đầu tư xây dựng 34 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 4.754ha đất sản xuất.

Việc kiên cố hóa hệ thống thủy lợi là một bước đi cần thiết để tiết kiệm nước, tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời giảm thiểu tác động của thiên tai.

“Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn đóng góp quan trọng vào chiến lược dài hạn trong sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai”, ông Lý nhấn mạnh.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Khỉ hoang phá hoại cây trồng ở Bình Sơn

Quảng Ngãi Người dân huyện Bình Sơn lo lắng vì nhiều tuần qua, đàn khỉ hoang liên tục xuất hiện tàn phá cây trồng...