Nhờ nguồn nước mặt và nước ngầm tương đối dồi dào, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang dần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế và tạo được sự đột phá sâu rộng.
Xin chào quý vị và các bạn!
Nói đến nông nghiệp Tây Ninh không thể không nhắc đến hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh của tỉnh. Nhờ nguồn nước mặt và nước ngầm tương đối dồi dào, được cung cấp bởi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa và hệ thống sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông đang giúp ngành nông nghiệp thay đổi cơ cấu, mang lại hiệu quả kinh tế và tạo được sự đột phá sâu rộng. Để hiểu rõ hơn về những hiệu quả mà thủy lợi mang lại cho ngành nông nghiệp Tây Ninh nói chung, xin kính mời quý vị và các bạn theo dõi ghi nhận do các phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam, khu vực Đông Nam bộ thực hiện.
Trước đây, Tây Ninh chủ yếu trồng những cây chịu hạn như mía, mì, cao su... Tuy nhiên, chính những cây trồng này nếu được tưới tiêu đầy đủ sẽ cho năng suất cao gấp 2-3 lần. Đến năm 1985, hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt nước 270km2 đưa vào vận hành trong niềm vui mừng khôn tả của người dân Tây Ninh.
Phỏng vấn ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh:Việc mà có nước thủy lợi về đến nơi dù là tự chảy hay là phải hỗ trợ để đưa vào ruộng thì về cơ bản đều là hỗ trợ rất lớn đối với người dân. Đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước cũng đã miễn giảm thủy lệ phí cho người dân. Cho nên nguồn nước này gần như là miễn phí và người dân khi chủ động được nước rồi, thì họ có thể lựa chọn những cây mà có nhu cầu nước cao. Tôi cho rằng là thủy lợi đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn của Tây Ninh và tạo ra nguồn thu nhập, sức sống mới cho ngành nông nghiệp Tây Ninh.
Từ khi có hệ thống tưới tiêu, diện tích lúa tại Tây Ninh không ngừng cải thiện, sản lượng cũng cao hơn nhiều so với trước đây. Không những thế, Tây Ninh cũng đã xuất hiện những loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó phải kể đến các loại cây trồng như sầu riêng, mãng cầu, hoa lan…
Phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hòa, Chủ vườn hoa lan tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu:Điều quan trọng nhất để cho tôi chọn cái vườn đặt ở Tây Ninh là do cái cái nguồn nước kênh Đông này tưới cho lan rất là tốt. Không phải riêng gì cây lan mà mình làm qua các cái cây khác này cũng phải cần nước nước kênh Đông, rồi chăn nuôi heo hay là vịt, nói chung là vườn, ao chuồng là cái nguồn nước Kinh Đông này rất là cần thiết.
Hiện nay, nước từ hồ Dầu Tiếng cung cấp cho ngành nông nghiệp Tây Ninh thông qua hệ thống kênh thủy lợi các cấp là trên 2.000km đảm bảo phục vụ cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.000 ha/3 vụ.
Thế nhưng, do địa hình, nước từ hồ Dầu Tiếng lại không thể đưa nước về cho các cánh đồng bên kia sông Vàm Cỏ Đông. Hàng chục năm qua, người dân ở 2 huyện biên giới là Bến Cầu và Châu Thành khao khát có một công trình thủy lợi, để giảm bớt những nhọc nhằn vì thiếu nước tưới.
Cuối tháng 4/2018, UBND tỉnh Tây Ninh đã khởi công xây dựng "siêu" công trình thủy lợi vượt sông Vàm Cỏ Đông. Đây là một dự án quy mô lớn trong kế hoạch mở rộng phạm vi tưới tiêu của hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng. Đây là dự án công trình thủy lợi cấp II, với tổng mức đầu tư là hơn 1.246 tỷ đồng. Ðến nay, dự án đã thực hiện trên 95% khối lượng.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Chủng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành:Từ cái vùng đất khô cằn chỉ có sản xuất một vụ thôi. Trước đây thì bà con sản xuất đa số để sử dụng cái nguồn nước của giếng khoan. Có những năm thì các cái giếng nó không có đảm bảo nước, bà con phải đào lỗ rồi âm sâu máy bơm, các mô-tơ để phục vụ cho cái việc tưới hoa màu của bà con. Tuyến kênh về thì nó đáp ứng được cái nguồn nước cho bà con sản xuất. Bà con Châu Thành là rất là phấn khởi. Dọc theo các tuyến kênh chính thì bà con cũng đang thuận lợi trong cái việc sản xuất chủ động được nguồn nước. Các cây con giống trên cái vùng này thì phải nói là phát triển rất là tốt.
Những năm gần đây, Tây Ninh đã chuyển đổi gần 41.000 hécta cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn quả và cây hằng năm. Hiện, giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 hécta đất trồng trọt tại Tây Ninh 108 triệu đồng cao hơn bình quân cả nước. Nhìn chung, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản.
Phỏng vấn Ông Đinh Hùng Danh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Tây Ninh:Có những công trình thủy lợi này thì mới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp được. Khi mà đưa cái công trình này vào thì nó sẽ tăng cái năng suất của nông nghiệp lên thì đồng thời là người dân sẽ tăng thu nhập, cải thiện đời sống và như hiện nay thì cái vùng này chủ yếu là vùng biên giới, công trình này vào thì sẽ tăng thu nhập của người dân.
Ông Nguyễn Văn Khỏe, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Điền, huyện Châu Thành:Địa phương cũng đang có lộ trình khi mà được tuyến kênh vượt sông này đến địa phương thì có lộ trình đang là chuyển đổi cơ cấu từ những cái vùng đất lúa mà kém hiệu quả để sản xuất cái dòng cây ăn trái. Nói chung là xã thì cũng đang thực hiện được là khoảng 90 hécta rồi, từ cây lúa sang cây bưởi, cây nhãn.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Quy hoạch thủy lợi nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nư ớc, phục vụ thiết thực cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, ngành thủy lợi cũng phải chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Do đó, công tác duy tu công trình thủy lợi, chủ động ứng phó mới mọi tình huống khó lường của thiên tai nhưng vẫn bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt đời sống và phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp Tây Ninh phải hướng tới.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh:Chúng ta phải kiên cố hóa được kênh mương, đặc biệt là những cái đoạn đê đập xung yếu, không để xảy ra trường hợp mưa, lũ kéo dài dẫn tới sạt lở thì chúng ta sẽ làm hư hỏng công trình và đe dọa tới an ninh của người dân. Và thứ hai nữa rằng là chúng ta phải chủ động về nước, phải chuẩn bị được cho những tình huống xấu. Tôi nghĩ rằng đây là một cái chiến lược dài hạn và chúng ta cần phải có những cái tính toán thật tốt để đảm bảo cái duy trì lượng nước tưới quanh năm.
Thưa quý vị. Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và cần thiết cho mọi lĩnh vực từ phục vụ sinh hoạt đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ..., địa phương nào có nguồn nước dồi dào sẽ có lợi thế lớn để phát triển kinh tế - xã hội và Tây Ninh đã và đang phát huy lợi thế này từ việc quan tâm đầu tư phát huy từ hệ thống thủy lợi. Phóng sự do Báo Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện đến đây cũng xin phép được khép lại. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.