| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh sản xuất để bù đắp thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam

Thứ Ba 17/08/2021 , 09:10 (GMT+7)

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp gặp khó do dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu các giải pháp trong những tháng cuối năm để giữ nhịp tăng trưởng.

Vai trò quan trọng của hai Tổ công tác đặc biệt

Những tháng vừa qua của năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt những kết quả khả quan, năng lực sản xuất ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng kỷ lục. Xin Thứ trưởng cho biết một số kết quả quan trọng ngành đã đạt được từ đầu năm đến nay?

Nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác đều chịu ảnh hưởng rất nặng nề và nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, với sự chủ động xây dựng và bám sát các kịch bản điều hành năm 2021 của Bộ NN-PTNT, sản xuất nông nghiệp 7 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Điển hình là trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đã đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua (từ năm 2011 đến nay). Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản trong 7 tháng đầu năm đạt 28,6 tỷ USD, thặng dư 3,9 tỷ USD. Tất cả các lĩnh vực sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ với báo chí về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ với báo chí về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Minh Phúc.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc ứng phó nhanh nhạy với biến động của thị trường rất quan trọng. Từ thực tế triển khai các giải pháp của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về bài học kinh nghiệm này?

Chúng ta đã trải qua rất nhiều đợt dịch Covid-19, mỗi đợt dịch đều xảy ra vào thời điểm thu hoạch nông sản. Ví dụ, ở làn sóng Covid-19 trước, hơn 350.000 tấn vải ở Bắc Giang, Hải Dương và một số tỉnh thành đứng trước nguy cơ tiêu thụ khó khăn.

Từ thực trạng đó, chúng ta có những kịch bản tiêu thụ và thay đổi hình thức thương mại như: bán hàng qua sàn thương mại điện tử, livestream, bán hàng online… Chưa bao giờ có chuyện vải từ Bắc Giang vào đến Tây Ninh chỉ sau 2 ngày.

Thứ nữa, chúng ta cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Trung Quốc để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản… Từ kinh nghiệm của vụ vải đó, chúng ta chỉ đạo cho các ngành hàng khác như xoài, nhãn, lúa gạo để chủ động kết nối từ vùng sản xuất đến cơ sở tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT là một trong những đơn vị sớm nhất thành lập Tổ công tác đặc biệt để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh mới trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; nhất là công tác chỉ đạo để đảm bảo sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Nam và phía Bắc thời gian qua. Xin Thứ trưởng cho biết phương thức, cách thức chỉ đạo và hoạt động của hai Tổ công tác đặc biệt của Bộ thời gian qua?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã thành lập hai Tổ công tác đặc biệt tại phía Nam và phía Bắc do hai đồng chí Thứ trưởng làm Tổ trưởng. Như chúng ta đã biết, thời điểm đó nhãn, xoài ở một số tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Bến Tre có sản lượng lớn. Năng lực sản xuất tôm, cá tra tại các tỉnh ĐBSCL cũng rất lớn. Trong khi đó, lượng tiêu thụ trong nước giảm xuống; quá trình vận chuyển hàng hóa bị ách tắc; nguồn nhân lực để thu hoạch nông sản cũng giảm, gây ra những ảnh hưởng nhất định.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh minh họa: Lê Dân/Zing.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh minh họa: Lê Dân/Zing.

Để giải quyết vấn đề này, Tổ công tác phía Nam đã kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội các ngành hàng, hợp tác xã, các trang trại cũng như Hội Nông dân với hơn 1.000 điểm cung ứng, tiêu thụ nông sản, qua đó vấn đề tiêu thụ nông sản cơ bản được tháo gỡ. Các chuỗi ngành hàng tuy bị ảnh hưởng nhưng chưa có chuỗi nào đứt gãy.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị lưu thông các vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi;… đều đã có những bước chuẩn bị để khi chúng ta khống chế được dịch Covid-19 thì các địa phương sẽ triển khai ngay kế hoạch của vụ thu đông và đông xuân.

Nếu chúng ta không làm được hai việc đó, thì nông sản đến vụ thu hoạch không đảm bảo tiêu thụ hết và giá ở mức tương đối. Và nếu không thu hoạch được nông sản thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vụ sau, gây nguy cơ thiếu nông sản.

Vừa rồi các tỉnh phía Bắc khống chế dịch bệnh Covid-19 tương đối tốt. Do vậy, cần phải thúc đẩy tăng trưởng sản lượng nông sản ở các địa phương này. Được biết, thời gian qua, một loạt tỉnh, thành phía Bắc đều có tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp rất cao. Sản phẩm vừa cung cấp nhu cầu tại địa phương vừa phục vụ cho xuất khẩu và chuẩn bị một lượng dự trữ để bù đắp cho thiếu hụt tại các tỉnh phía Nam.

Như vậy, Việt Nam sẽ không bị đứt gãy nguồn cung cấp, không bị thiếu hụt nông sản thực phẩm như lúc dịch tả lợn châu Phi xảy ra, chúng ta mất 6 triệu con lợn và ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng CPI, một chỉ số rất quan trọng trong nền kinh tế.

Đẩy mạnh sản xuất

Trong những tháng cuối năm, khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt là rất lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Xin Thứ trưởng cho biết các giải pháp quan trọng mà Bộ NN-PTNT ưu tiên để vừa giữ vững chuỗi cung ứng vừa đảm bảo chống dịch an toàn?

Như chúng ta biết, sản xuất nông nghiệp đang và sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất là Covid-19 diễn biến phức tạp, thứ hai là dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, thứ ba là mùa mưa bão đã đến…

Trước tình trạng trên, hai Tổ công tác đặc biệt của Bộ phải hoạt động hết sức tích cực để chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo tăng trưởng ở mức cao, bù đắp cho sự thiếu hụt ở các tỉnh phía Nam. Khi vấn đề kết nối cung cầu đã đạt kết quả tương đối, thì việc bây giờ cần là đảm bảo lưu thông, phân phối và chuẩn bị vật tư nông nghiệp, giống… để triển khai vụ thu đông sắp tới.

Cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đồng thời vẫn đảm bảo được việc phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh minh họa).

Cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đồng thời vẫn đảm bảo được việc phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh minh họa).

Thủy sản ở các tỉnh phía Nam khoảng 5 triệu tấn, phải thu nhanh và giải quyết được khó khăn ở khâu chế biến. Đặc biệt, 14 cảng cá có trường hợp F0. Một số cơ sở giết mổ, chế biến cũng có trường hợp dương tính với Covid-19. Do đó, cần chỉ đạo các cảng cá và cơ sở giết mổ, chế biến nông sản sàng lọc trường hợp F0; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm túc để hoạt động trở lại.

Bởi các đơn vị này giữ vai trò trung gian trong kết nối vùng nguyên liệu với thị trường, nếu các cơ sở này không hoạt động sẽ gây ách tắc nông sản.

Vấn đề nữa là phải có giải pháp để các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị phải hoạt động trở lại. Vì các hệ thống này chiếm 65-70% nông sản tiêu thụ.

Những khó khăn, thách thức cũng đã xảy ra với các cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh. Có những doanh nghiệp sử dụng hàng chục nghìn lao động đang rất khó thực hiện “ba tại chỗ”. Nếu doanh nghiệp thuê khách sạn cho người lao động ở thì chi phí tăng cao, việc xét nghiệm Covid-19 của của mỗi tài xế cũng mất hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sản lượng thủy sản như tôm, cá tra đến vụ thu hoạch không thu được, gây ứ đọng, dịch bệnh.

Một việc quan trọng nữa là phải tổ chức tiêm vacxin cho những người trong chuỗi nông sản. Vì phải có những con người này thì mới có hệ thống tiêu thụ sản phẩm của mấy chục triệu nông dân.

 Phải tổ chức tiêm vacxin cho những người trong chuỗi nông sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 Phải tổ chức tiêm vacxin cho những người trong chuỗi nông sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải rà soát các doanh nghiệp cần vốn đầu tư để cho vay. Qua đó, các đơn vị tăng cường mua dự trữ lúa gạo, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi. Như vậy chúng ta mới có thể kéo được toàn bộ hệ thống sản xuất đi theo kịch bản và đạt được kế hoạch như đã định. Đó là những giải pháp cơ bản.

Thứ trưởng có thể cho biết nguồn cung lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm 2021 có bị thiếu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hay không?

Về nguồn cung lương thực và thực phẩm, năm nay chúng ta phấn đấu đạt sản lượng hơn 43,19 triệu tấn lúa. Tiêu thụ trong nước ước tính chỉ hết hơn 14 trệu tấn; lúa sử dụng làm giống hơn 1 triệu tấn; dự trữ 3 triệu tấn; chế biến 7,5 triệu tấn; xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương khoảng 13,5 - 13,7 triệu tấn lúa), do đó, nguồn cung lúa gạo, rau củ quả chúng ta không đáng ngại lắm.

Còn về thịt thì trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thịt lợn tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm trước…, thủy sản năm nay dự kiến 8,6 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung thịt của chúng ta hoàn toàn đáp ứng được và phải khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ, là nền tảng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm