| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 17/11/2010 , 10:46 (GMT+7)

10:46 - 17/11/2010

Dạy thế nào đây?

Từ lâu, nạn chạy trường đã không còn là chuyện hiếm trong xã hội. Dù không công khai, nhưng cứ sau mỗi kỳ tuyển sinh các cấp hay đầu những năm học mới, không khó để nghe thấy những lời xì xào về chuyện ông này, bà nọ vừa chạy cho con vào một trường nào đó hết bao nhiêu tiền… Thậm chí, chuyện chạy trường đã được không ít người coi là chuyện đương nhiên, bình thường trong xã hội, là chuyện “chẳng có gì mà ầm ỹ”.

Dẫu vậy, vụ “chạy trường tập thể” do Sở GĐ-ĐT Hải Phòng thực hiện trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, thì vẫn khiến cho người ta phải giật mình. Trước hết, một cơ quan quản lý cấp Sở mà lại đi làm cái chuyện “hô biến” tới trên 200 học sinh vốn đã trượt cả nguyện vọng 1 lẫn nguyện vọng 2, hay nói nôm na là thi trượt, được vào học trong các trường THPT công lập, thì quả là chuyện hy hữu.

Đã thế, để được UBND TP Hải Phòng thông qua, Sở GD-ĐT thành phố này đã đánh lừa cấp trên của mình bằng cách nói rằng những học sinh trên đều thuộc đối tượng rất đáng được cảm thông, ưu tiên như: con, cháu gia đình chính sách, gia đình cách mạng, con cháu những người Anh hùng, trẻ mồ côi hay con cái các gia đình đặc biệt khó khăn…

 Trong khi đó, nhiều em trong “Bản danh sách Schindler” này là con quan chức, con chủ doanh nghiệp, con nhà buôn bán…, nghĩa là không nằm trong những hoàn cảnh đáng được chiếu cố như trên. Sở còn lừa thành phố bằng việc xin xét những hồ sơ thiếu không quá 1 điểm, nhưng có học sinh thiếu tới 2,5 điểm vẫn được “vớt” vào một trường “ngon lành”.

Cũng may, vụ “chạy trường tập thể” nói trên đã bị lộ. Những người có liên quan rồi sẽ bị xử lý. Những học sinh “con ông cháu cha” nhưng không xứng đáng ngồi trên ghế nhà trường THPT trong năm học này rồi cũng sẽ phải trở về nhà ôn luyện lại để tìm cơ hội trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm tới.

Thế nhưng, vụ “chạy trường” này chắc hẳn sẽ còn để lại dư vị buồn và thất vọng trong không ít những học sinh thi đậu một cách đàng hoàng, và cả trong những học sinh con nhà nghèo khó, lỡ thi trượt nhưng không được đưa vào danh sách nói trên. Sự dối trá, bất công, có thể nói là 2 trong những vấn đề đang gây nên tình trạng suy thoái của đạo đức xã hội hiện nay.

Đáng buồn thay, ở cơ quan quản lý ngành giáo dục của một thành phố lớn, người ta lại lạm dụng cả hai cái xấu đó chỉ để mưu lợi cho một số người. Rồi đây, các thày, cô giáo ở Hải Phòng sẽ phải dạy bài học về sự trung thực, về tính công bằng cho học sinh như thế nào đây?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm