Một đoạn bờ sông bị sạt lở |
Theo nhận định của Tổng cục PCTT, trong những năm gần đây thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt hạn hán 2016, bão lụt trong năm 2017 gây thiệt hại nặng nề về con người, tài sản. Từ đầu năm đến nay các đợt mưa rất lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Bắc gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đặc biệt trong những ngày qua mưa lớn do hoàn lưu bão Sơn Tinh đã làm vỡ đập thủy điện (Xe Pian-Xe Namnoy, ngày 23/7 - PV) tại Lào…
Theo ước tính, ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập lượng nước đổ về vùng hạ lưu không quá lớn nên dự báo mực nước về tới An Giang, Đồng Tháp dâng lên khoảng 5 cm vẫn không ảnh hưởng lớn đời sống và hoạt động SX ở vùng hạ lưu ĐBSCL. Tuy nhiên đặt lại vấn đề nếu lũ lớn đặc biệt xảy ra, nhất là sự cố vỡ đập, xả lũ đầu nguồn sông Mekong thì kế hoạch ứng phó phòng ngừa ở ĐBSCL sẽ ra sao? Trong khi đó tại khu vực miền Nam, ĐBSCL có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nhưng cũng là vùng đất dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Thực tế qua những năm gần đây cho thấy ĐBSCL không còn nằm ngoài phạm vi thiên tai bão, lũ.
Tại hội nghị, Tổng Cục PCTT phổ biến về trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong công tác PCTT, đảm bảo an toàn đê điều. Chủ tịch huyện sẽ quyết định giao trách nhiệm cho một phòng chức năng thuộc UBND cấp huyện làm văn phòng thường trực; tổ chức các phương án ứng phó thiên tai phù hợp theo điều kiện địa phương và thanh-kiểm tra đôn đốc các các cơ quan tại địa phương thực hiện nhiệm vụ PCTT và khắc phục hậu quả.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định xu thế thời tiết và khả năng diễn biến bão lũ năm 2018 tại khu vực Nam bộ: + Qua 6 tháng đầu năm đã xảy ra 3 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Dự báo từ nay đến cuối năm 2018 có 8-10 cơn bão và ATNĐ trên khu vực biển Đông, trong đó có 4 cơn bão, ATNĐ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. + Khu vực Nam bộ ít có khả năng chịu ảnh hưởng của bão và ATNĐ vào cuối mùa như năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến tháng 9 trong thời kỳ hoạt động mạnh gió mùa Nam cần đề phòng gió mạnh trên các khu vực ven biển, vùng biển phía Nam biển Đông. Đặc biệt thời kỳ này hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ có khả năng xảy ra. + Từ nay đến cuối tháng 7/2018 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh, mực nước cao nhất tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ lên từ 2,5-2,8m. Đỉnh lũ ở đầu nguồn tại Tân Châu và Châu Đốc xuất hiện vào nửa đầu tháng 10/2018 ở mức báo động (BĐ) 2 và trên BĐ2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm (TBNN); các trạm vùng hạ nguồn lên mức BĐ3 và trên mức BĐ3 từ 0,1-0,2m. |