| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL đang sụt lún 2,5cm/năm

Thứ Sáu 15/03/2019 , 09:13 (GMT+7)

Khu vực MêKông đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa giảm nghiêm trọng, sạt lở diễn ra nghiêm trọng cùng với đó là nước biển dâng 3mm/năm.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đưa ra cảnh báo và báo động, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây.
 

100 năm nữa một phần của ĐBSCL sẽ bị chìm

Gần đây nhất tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức “Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2018” và “Hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp”.

15-49-11_nh_1_-_thu_truong_bo_nn-ptnt_h_cong_tun_cung_lnh_do_so_nn-ptnt_kien_ging_kho_st_tuyen_de_bien_bi_st_lo_ti_vm_xeo_nhu
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang khảo sát tuyến đê biển bị sạt lở tại Vàm Xẻo Nhàu

Ngài Laurent Umans – Bí thư thứ nhất về Quản lý nước và BĐKH, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cho rằng: Thiên tai là không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể ngăn nó trở thành thảm họa. Hiện nay, khu vực MêKông đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa giảm nghiêm trọng. Đó là sự báo động, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây.

Theo ngài Laurent Umans diễn biến BĐKH trong 30 đến 100 năm nữa một phần của ĐBSCL sẽ bị chìm trong nước biển; đây là điều khiến cho các nhà đầu tư quan ngại khi muốn đến đầu tư. Trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, Hà Lan đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam thích ứng BĐKH, và sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa trong thời gian tới đặc biệt là tại ĐBSCL.

ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, ĐBSCL hiện đang đối diện với 3 thách thức chính về BĐKH, những vấn đề phát triển thiếu bền vững ở ĐBSCL, và tác động của thủy điện Mekong. Trong đó tác động đáng lo ngại và cấp bách nhất hiện nay là sạt lở và sự sụt lún đất của đồng bằng đang bị chìm rất nhanh, đến 10 lần so với nước biển dâng. Vấn đề sụt lún, nguyên nhân số 1 của sụt lún ở ĐBSCL là do khai thác nước ngầm quá mức. Như vậy, để giải quyết vấn đề sụt lún sẽ không có biện pháp công trình nào có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề.

15-49-11_nh_2_-_rung_phong_ho_vm_xeo_nhu_dng_bi_xoi_lo_thnh_tung_mng_n_su_vo_trong_de_bien
Rừng phòng hộ Vàm Xẻo Nhàu ở huyện An Minh – Kiên Giang đang bị xói lở thành từng mảng ăn sâu vào trong đê biển

ĐBSCL được mệnh danh là một vùng sông nước trù phú trái ngọt quanh năm, với lượng nước rất dồi dào. Với tổng lưu lượng dòng chảy sông Mekong mỗi năm đến 475 tỷ m3, còn lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL là khoảng 1.400 đến 2.000 mm/năm thì có thể nói rằng chúng ta ở một trong những nơi có lượng nước dồi dào nhất thế giới. Ấy vậy mà chúng ta không sử dụng được nước sông ngòi mà phụ thuộc vào nước ngầm là vì ngày nay sông ngòi quá ô nhiễm từ nhiều nguồn, trong đó có phần lớn từ nguồn công nghiệp và phân bón, nông dược từ nông nghiệp thâm canh.

Để giảm sụt lún cho ĐBSCL, cách duy nhất là phải giảm sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì lời giải nằm ở nước mặt, tức là phải giảm ô nhiễm, phục hồi sông rạch lại, không để sông rạch tiếp tục gánh quá nhiều ô nhiễm như hiện nay.  Muốn phục hồi sông rạch thì cần xử lý ô nhiễm trước khi thải ra sông. Về công nghiệp ở ĐBSCL cần phải tránh những ngành công nghiệp gây ô nhiễm và những công nghệ lạc hậu. Công nghiệp ở ĐBSCL chỉ nên là những công nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ chế biến hỗ trợ cho nông nghiệp.
 

Sạt lở đê biển ngày càng nghiêm trọng

Tỉnh Kiên Giang nằm trải mình bên vịnh Thái Lan thuộc vùng biển Tây, với tuyến đê biển dài hơn 200km, chạy dài từ huyện Kiên Lương đến huyện An Minh. Trong những năm gần đây, sự xâm thực của biển có xu hướng ngày càng mạnh thêm, mức độ sạt, lở rất nghiêm trọng, do ảnh hưởng trực tiếp từ thủy triều, các dòng chảy từ các cửa sông trong mùa mưa lũ, các tác động do BĐKH và gió mùa Tây Nam thổi mạnh gây nên sóng lớn phá vỡ cấu trúc rừng phòng hộ, bóc dỡ các gốc cây lâu năm, làm xói lở đê biển và lấn sâu vào đất liền.

15-49-11_nh_3_st_lo_de_bien_dng_dien_bien_phuc_tp_o_dbscl
Sạt lở đê biển đang diễn biến phức tạp ở ĐBSCL

Theo Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 69,8km chiều dài đê biển đang bị sạt lở, trong đó có khoảng 30,7 km bị sạt lở rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Có 4 huyện ven biển có tuyến đê biển bị sạt lở, nhiều nhất là huyện Hòn Đất (25,9km), tiếp đến là An Biên (25km), An Minh (16,9km) và Kiên Lương (2 km). Sạt lở đê biển xảy ra càng nhanh khi rừng phòng hộ phía ngoài không còn. Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, diện tích bãi bồi ven biển của tỉnh Kiên Giang bị sóng đánh gây sạt lở khoảng 500 ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 60 - 300m.

Điều đáng lo ngại là các bãi bồi ven biển hiện nay không còn ổn định như trước mà thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi, lở bờ biển diễn ra theo mùa, theo điều kiện thời tiết cũng như dòng chảy từ các kênh thoát lũ ra biển, mặc dù có những đoạn được bồi đắp nhưng vẫn không đáng kể, tình trạng xói lở vẫn nhiều hơn bồi tụ.

Trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang đã đi khảo sát tuyến đê biển tại Vàm Xẻo Nhàu (huyện An Minh), khu vực được xác định đang xảy ra sạt lở rất nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, huyện An Minh có 30km đê biển thì có tới 17km đang bị sạt lở, nhiều đoạn đang xảy ra rất nghiêm trọng. Sạt lở diễn tiến rất nhanh hiện nay là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đang làm đảo lộn đời sống và sinh hoạt của người dân.

Không chỉ tuyến đê biển mà tuyến đê quốc phòng phía trong bảo vệ sản xuất của người dân cũng đang bị đe dọa. Trước đây, đê quốc phòng cách xa mép biển ít nhất là 500m nhưng hiện nay có chỗ chỉ còn cách 100-200 m. Tỉnh Kiên Giang đã từng thử nghiệm loại kè mềm sử dụng bằng cừ tràm đển chắn sóng, tạo bãi trồng rừng phòng hộ nhưng không hiệu quả. Do cây tràm chỉ chịu được khoảng 2 năm là gãy ngang mặt nước, rừng không kịp phát triển. Cừ bằng cây tre có tuổi thọ bền hơn nhưng nguồn nguyên liệu này tại địa phương lại rất hiếm.

15-49-11_nh_5_-_st_lo_hi_ben_bo_song_tien_v_song_hu_ly_di_nh_cu_dt_nong_nghiep_l_mot_trong_nhung_thien_ti_vung_dbscl_dng_doi_mt
Sạt lở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu lấy đi nhà cửa, đất nông nghiệp là một trong những thiên tai vùng ĐBSCL đang đối mặt

Ông Tâm cho biết thêm, với tốc độ sạt lở như hiện nay thì mỗi năm tỉnh đất đi cả chục ha đất và rừng phòng hộ ven biển. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là phải làm hệ thống kè cứng bằng bê tông nhưng kinh phí cao, khoảng 20 tỷ đồng/km chiều dài. Do đó, rất cần sự quan tâm, hộ trợ kinh phí từ các Bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh thực hiện để bảo vệ tuyến đê biển cũng như đời sống, sản xuất của người dân trong vùng bị sạt lở.

Ngoài chuyện sụt lún đất ở đồng bằng vấn đề sạt lở diễn ra trong giai đoạn 25 năm gần đây từ sau 1992 và càng về sau càng dữ dội hơn. Hiện nay hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang bị sạt lở. Tổng sạt lở bờ sông, bờ biển lên đến 891km.

Nguyên nhân chính của sự sạt lở là do thiếu phù sa mịn và thiếu cát; ô nhiễm nước do sông ngòi phải gánh nhiều nguồn chất thải không qua xử lý từ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp và một lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu từ nông nghiệp thâm canh ba vụ lúa liên tục trong nhiều năm. Kế tiếp tác động của thủy điện Mekong.

Hiện nay lượng phù sa mịn đã giảm 50% từ 160 triệu tấn còn 83 triệu tấn. Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn thành, phù sa mịn sẽ giảm 50% một lần nữa và 100% cát, sỏi sẽ bị chặn lại.

(Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện)

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm