Để kịp thời chăm sóc, thu hoạch cây vụ đông năm 2024 và chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2025 thắng lợi, Sở NN-PTNT Lào Cai vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Đối với cây rau màu vụ đông
Thu hoạch kịp thời những diện tích cây vụ đông đã đến kỳ thu hoạch, giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời chăm sóc, bảo vệ tốt những diện tích cây vụ đông còn lại nhằm tăng năng suất, sản lượng, cung cấp đủ rau xanh trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, tránh dồn ứ nguồn cung do tận thu diện tích rau trước lấy nước đổ ải gieo cấy lúa vụ xuân.
Có kế hoạch chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ xuân, nhất là trên các vùng chuyên rau và vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu vụ xuân. Đẩy mạnh phát triển và liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với sản xuất lúa vụ xuân năm 2025
Thời vụ gieo cấy xung quanh tiết Lập Xuân (04/02/2025, tức ngày 07/01 âm lịch), kết thúc cấy trong tháng 3. Căn cứ vào nhu cầu, kế hoạch sản xuất của địa phương có thể bố trí gieo trồng các giống lúa, ngô khác đã được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành và sản xuất. Khuyến cáo người dân không sử dụng giống để qua nhiều vụ, giống cũ từ nhiều năm trước (Hương thơm số 1, Khang dân, Nhị ưu 838 cũ) hoặc những giống hết hạn sử dụng. Chỉ sử dụng các giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức, giống đã được trồng trình diễn tại Lào Cai và được đánh giá kết quả tốt.
Không gieo mạ hoặc cấy trong những ngày trời rét đậm, nhiệt độ dưới 15 độ C. Khuyến khích làm vòm che phủ mạ bằng nilon, rắc tro phủ trên mặt luống để giữ ấm cho mạ; đưa nước vào ngập 1/3 - 1/2 chân mạ đối với mạ dược và tưới ẩm đối với mạ sân. Bón bổ sung phân lân, kali, phân hữu cơ vi sinh, tuyệt đối không bón thúc đạm cho mạ; có kế hoạch dự trữ giống để gieo bù lượng mạ khi thiếu hụt.
Đối với một số vùng sản xuất lúa Séng cù tại huyện Bát Xát bố trí gieo cấy thời vụ phù hợp tránh thời điểm lúa trỗ bông gặp thời tiết bất thuận ảnh hưởng đến năng suất.
Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV…) đảm bảo chất lượng; chủ động rà soát và xây dựng phương án phòng chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích không chủ động về nguồn nước; tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị, hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.
Đối với cây công nghiệp và cây ăn quả
Các địa phương tập trung chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ vật tư sản xuất, thời vụ gieo trồng tốt nhất đảm bảo hoàn thành đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đối với các vườn cây ăn quả đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản: Khi có dự báo sương muối, rét đậm, rét hại cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ gốc bằng phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, cỏ khô... ) hay màng phủ nông nghiệp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây. Sáng sớm vào những ngày rét đậm, đặc biệt khi có sương muối cần dùng vòi nước xịt lên để rửa lá làm trôi sương.
Thực hiện việc bao tán cho cây bằng túi nilon (khi có tuyết, sương muối) nhằm ngăn chặn sương muối và giữ ấm cho toàn bộ tán lá cây mới trồng. Sử dụng biện pháp che chắn cho cây mới trồng để giảm tác hại của gió rét. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn giống để trồng dặm đối với những diện tích bị chết.
Đối với các vườn cây đang trong thời kỳ kinh doanh: Ngoài biện pháp tủ gốc và tưới nước, những nơi có điều kiện tiến hành hun khói ở đầu hướng gió làm giảm tác động của gió rét. Có thể bón bổ sung supe lân trong thời điểm này để tăng sức chống chịu của cây bằng cách rắc dưới tán cây mỗi gốc khoảng 0,1 - 0,2kg cho mỗi 1m đường kính tán. Bên cạnh đó, có thể bổ sung thêm kali, phân hữu cơ để tăng khả năng chống rét cho cây; tiến hành tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây.
Đối với cây chè: Hướng dẫn người dân trồng cây che bóng, chắn gió tầng cao, tầng thấp theo quy trình kỹ thuật.
Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.