| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Lúa hè thu yên tâm nguồn nước

Thứ Hai 20/04/2020 , 09:26 (GMT+7)

Đối mặt với hạn mặn gay gắt, nhiều địa phương ĐBSCL đã chủ động xây dựng, tu bổ các công trình thủy lợi khá tốt, đủ nguồn nước cho vụ hè thu.

Các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực đầu tư các công trình thủy lợi lấy nước ngọt là yếu tố quan trọng để đảm bảo thắng lợi vụ lúa HT năm 2020. Ảnh: Đào Chánh.

Các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực đầu tư các công trình thủy lợi lấy nước ngọt là yếu tố quan trọng để đảm bảo thắng lợi vụ lúa HT năm 2020. Ảnh: Đào Chánh.

Quyết tâm thắng lợi lúa hè thu

Vụ HT 2020, theo Bộ NN-PTNT, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1,8 triệu ha. Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,6 triệu ha. Kế hoạch xuống giống HT trong tháng 3 và tháng 4/2020 tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu và vùng Đồng Tháp Mười cùng một phần Tứ giác Long Xuyên.

Trong tháng 5 xuống giống các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ I cách biển 70 km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Tháng 6 khi có mưa sẽ xuống giống các vùng ven biển ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau...

Các tỉnh ĐBSCL cho rằng, việc sản xuất lúa HT đang được chủ động và sản xuất phù hợp theo diễn biến hạn mặn nhằm đảm bảo hiệu quả. Trong đó vấn đề đầu tư các công trình thủy lợi lấy nước ngọt là yếu tố quan trọng để đảm bảo thắng lợi vụ lúa HT.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, vụ hè thu toàn tỉnh xuống giống 230.000ha. Năm 2020 đang triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện trên 125 công trình nạo vét kênh và sửa chữa cống phục vụ nước sản xuất và dân sinh, với kinh phí trên 80 tỷ đồng.

Về lâu dài, tỉnh cũng đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi vùng cao ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, như: trạm bơm điện vùng cao, hệ thống thủy lợi sau hồ phục vụ diện tích 4.344 ha.

Trong đó, đã thực hiện đầu tư 8 trạm bơm điện vùng cao (cấp I, cấp II và cấp III), phục vụ diện tích 3.964 ha và đầu tư 3 hệ thống thủy lợi sau các hồ chứa nước phục vụ tưới với diện tích 380ha cho diện tích đất vùng cao từ sản xuất 1 vụ lúa nhờ nước trời sang chủ động nguồn nước, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngoài ra, đang thực hiện đầu tư 2 trạm bơm, với diện tích phục vụ 590 ha và 5 hệ thống thủy lợi sau hồ, với diện tích phục vụ 988ha. Tổng diện tích dự kiến phục vụ mới là 1.578 ha.

Khi có hạn, mặn xảy ra chủ động sẵn sàng phương án bơm chuyền cấp nước phục vụ yêu cầu sản xuất và phương án đấu nối tuyến tạm, chuyển nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân khi cần thiết. Sẵn sàng xây dựng các đập tạm ngăn mặn, trữ nước theo kế hoạch.

Tại TP Cần Thơ, đến thời điểm này, các huyện vùng ven: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn, Thốt Nốt… được nguồn nước ngọt sông Hậu cung cấp no đầy, không bị ảnh hưởng hạn mặn, nông dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp. 

Vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Ảnh: Đào Chánh.

Vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Ảnh: Đào Chánh.

Theo ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, đến nay thành phố đã xuống giống lúa HT trên 70.000ha, chiếm trên 90% kế hoạch. Lúa HT sớm hiện đã hơn 1,5 tháng, lúa phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh.

Dọc theo các tuyến đường giao thông thuộc huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ nhiều nông dân vào vụ sớm và sản xuất lúa không bị ảnh hưởng bởi mùa khô hạn. Địa phương cũng tăng cường công tác thủy lợi, nạo vét kênh nội đồng, dự trữ nước phục vụ sản xuất lúa hè thu 2020.

Cần Thơ yên tâm

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết: Từ Tết đến nay địa bàn Cần Thơ chưa ghi nhận hạn mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như vụ lúa ĐX vừa qua đã thắng lợi lớn, kế tiếp là vụ lúa HT đang tập trung xuống giống. Các công trình thủy lợi nội đồng đang hoạt động tốt đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho nông dân.

Bên cạnh đó Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ đã triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước, chủ động nạo vét kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến.

Chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch… để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn. Vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Nhiều trà lúa HT xuống giống sớm không bị ảnh hưởng bởi mùa khô hạn. Ảnh: Đào Chánh.

Nhiều trà lúa HT xuống giống sớm không bị ảnh hưởng bởi mùa khô hạn. Ảnh: Đào Chánh.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và khép kín do thành phố quản lý: hệ thống thủy lợi Ô Môn – Xà No và dự án đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Theo ông Ninh, trước mắt cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.

Chủ động thực hiện nạo vét lại các hệ thống kênh mương bị bồi lắng, dọn cỏ, chỉ đạo tháo dỡ chà nò, vật cản trên sông, kênh, rạch đảm bảo khơi thông dòng chảy tạo nguồn và đảm bảo dòng chảy được thông thoáng đủ nước bơm tưới.

Đồng Tháp không chủ quan

Hạn vẫn đang ở cao điểm, theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Đồng Tháp, mực nước các nơi trong tỉnh sẽ tiếp tục xuống thấp dần và đạt mức thấp nhất vào đầu tháng 6, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,1 - 0,3m gây bất lợi cho sản xuất và đời sống.

Khi đạt đỉnh của mùa khô, tỉnh Đồng Tháp có thể xảy ra thiếu nước tưới phục vụ sản xuất ở diện rộng, theo tính toán có khoảng 6.682ha gặp khó khăn tiếp cận được nguồn nước. Bên cạnh đó, có khoảng 25.387 người dân nông thôn bị ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt do hạn hán.

Ông Huỳnh Minh Đường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Tháp cho biết: Thủy lợi Đồng Tháp là hệ thống mở, kênh rạch đan xen nhau, nước được lấy từ sông Tiền và sông Hậu thông qua các kênh trục ngang, cấp cho các kênh trục dọc, kênh dẫn, đến mạng lưới kênh nội đồng để tưới trực tiếp hoặc bơm tưới cho sản xuất.

Vụ lúa HT năm nay toàn tỉnh xuống giống gần 200.000ha, còn hoa màu các loại xuống giống trồng khoảng 19.500ha đảm bảo đủ nước tưới nhờ thủy lợi nội đồng phục vụ tốt.

Đồng Tháp hiện có 833 công trình kênh trục, kênh dẫn nước tạo nguồn bằng đất, năng lực phục vụ 485.132 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, với chiều dài khoảng 4.073 km. Ảnh: Đào Chánh.

Đồng Tháp hiện có 833 công trình kênh trục, kênh dẫn nước tạo nguồn bằng đất, năng lực phục vụ 485.132 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, với chiều dài khoảng 4.073 km. Ảnh: Đào Chánh.

Toàn tỉnh có 833 công trình kênh trục, kênh dẫn cấp II, III, IV với chiều dài khoảng 4.073 km, phục vụ khoảng 485.132 ha, hệ thống điều tiết có 2.616 cống các loại và 1.219 trạm bơm điện.

Về ô bao bảo vệ sản xuất toàn tỉnh có 1.319 ô bao với chiều dài 8.105 km, trong đó có 1.102 ô bao triệt để chiều dài 6.303 km, 217 ô bao chống lũ tháng 8 (bảo vệ lúa HT).

Hàng năm tỉnh Đồng Tháp sử dụng trên 500 tỷ đồng để duy trì, nâng cấp, duy tu sửa chữa, xây mới hệ thống thủy lợi, cơ bản hiện nay đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 554.799 ha diện tích gieo trồng với điều kiện mực nước mùa kiệt bằng với trung bình nhiều năm.

Để khắc phục nguồn nước tưới vào cao điểm hạn hán năm 2020, ngành nông nghiệp đang thực hiện thi công 15 công trình nạo vét các kênh tạo nguồn cấp nước chính, với tổng chiều dài 92,8 km, kinh phí 80,43 tỷ đồng.

Đến nay, đã thực hiện đạt khoảng 32% khối lượng, kinh phí đã giải ngân 26 tỷ đồng. Ngoài ra cũng cần phải nạo vét cấp bách các đoạn kênh dẫn tạo nguồn, với tổng chiều dài 115,3 km, khối lượng khoảng 1,55 triệu m3, kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Mặn giảm, chuẩn bị xuống giống đồng loạt

Theo Tổng cục Thủy lợi, nhận định từ nửa cuối tháng 4/2020, xâm nhập mặn ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng sẽ giảm nhanh.

Đến đầu tháng 5/2020, xâm nhập mặn ở vùng các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn sẽ bắt đầu giảm. Với tình hình xâm nhập mặn diễn biến như trên, việc xuống giống vụ HT có thể thực hiện đồng loạt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi, cần đề phòng tình trạng thiếu nước vào đầu vụ nếu mưa xuất hiện muộn.

Còn những khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn phải rửa mặn, phèn thật kỹ trước khi xuống giống. Những khu vực nào thuận lợi về nguồn nước có thế xuống giống sớm hơn.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm