Nhằm đồng bộ hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn nước, Chi cục Thủy lợi, Chi cục BVTV, Chi cục Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang triển khai dự án "Nâng cao hiệu quả thủy lợi nội đồng" tại xã Phú Xuân, huyện Phú Tân.
Dự án có mục tiêu cải thiện hiệu quả sử dụng nước cho SX nông nghiệp của cộng đồng thông qua việc cải tiến hệ thống kết cấu hạ tầng cấp cộng đồng (kênh, cống, trạm bơm…) áp dụng kỹ thuật SX nông nghiệp mới. Qua đó cải tiến, quản lý nước và nông nghiệp địa phương.
Mô hình thí điểm tại xã Phú Xuân, huyện Phú Tân với diện tích 320ha và 420 hộ dân tham gia thực hiện tiến tới cải thiện phương thức SX nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái và xã hội. Thông qua đó mang lại hiệu suất cao về môi trường sống, sản phẩm nông nghiệp và thích ứng với tình hình hạn hán, suy giảm tài nguyên nước trong tương lai.
Ông Trần Văn Tú ở ấp Phú Hạ, xã Phú Xuân cho biết, tình hình bơm tưới và tiêu úng là vấn đề quan tâm nhất của nông dân. Ngành chức năng của tỉnh đã chủ động đầu tư, khai thông kênh, lắp đặt các trạm bơm mới, gia cố kênh mương đã tạo thuận lợi trọng việc xuống giống cung cấp nước chăm sóc lúa, giờ lúa nếp đang phát triển khá tốt năng suất có thể ước đạt trên 1,3 tấn/công.
Cải tạo thủy lợi nội đồng nhằm nâng cao hiệu quả SX
Bên cạnh đầu tư, xây dựng các công trình, huyện còn tiến hành áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến vào đồng ruộng như thực hiện trình diễn giống nếp mới có năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu sâu bệnh; triển khai tập huấn 6 mô hình “1 phải 5 giảm” (mỗi mô hình 30ha); 6 mô hình sinh thái trồng hoa bờ rộng (mỗi mô hình 10ha) chiều dài hơn 5km; trình diễn mô hình san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; tập huấn quản lý thị trường, hợp đồng kinh tế... với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng.
Theo đó Chi cục BVTV sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc giúp nông dân thực hiện đúng quy trình tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, “3 giảm 3 tăng”, tưới nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch...
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, cán bộ Trạm BVTV huyện Phú Tân cho biết, trạm tiến hành tập huấn cho nông dân về kiến thức của chương trình trong dự án, sẽ có 6 lớp tập huấn, mỗi lớp trên 30 nông dân canh tác 3 vụ lúa/năm. Đồng thời, khuyến cáo xuống giống tập trung né rầy, đúng lịch thời vụ, giảm lượng phân đạm, thuốc trừ sâu...
Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Mô hình sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng cũng được tiến hành nhằm thu hút thiên địch, hạn chế sâu hại, giảm lượng phun thuốc BVTV nhất là trong giai đoạn lúa 40 sau sạ. Áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm theo quy trình của IRRI, giảm số lần bơm nước bình quân từ 1 - 3 lần/vụ. Ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, phơi sấy đúng kỹ thuật nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng chất lượng lúa gạo giảm chi phí đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thẩm có hơn 20 năm kinh nghiệm SX lúa ở ấp Phú Hạ, xã Phú Xuân chia sẻ: “Gia đình xuống giống vụ TĐ 2016 với diện tích hơn 1ha nếp được 25 - 30 ngày tuổi, phát triển tốt, sâu bệnh hại ít. Đặc biệt, mô hình trồng hoa trên ruộng tạo cảnh quan đồng ruộng, hạn chế sâu, rầy. Năng suất ước đạt từ 1 - 1,2 tấn/ha, chi phí đầu tư năm nay thấp nên rất phấn khởi”.