Cơ sở hạ tầng thủy lợi dần được cải thiện đã góp phần tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động.
Hơn 86% số xã đạt tiêu chí thủy lợi
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chia sẻ: Chương trình MTQG xây dựng NTM được thực hiện từ năm 2010, trong đó thủy lợi là một trong 19 tiêu chí quy định hoàn thành để công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Bộ NN-PTNT kêu gọi các địa phương đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân ra quân làm thủy lợi. |
Qua 10 năm thực hiện chương trình, đã có 7.680 xã trên tổng số 8.902 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt tỷ lệ 86,3%). Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ số xã đã đạt tiêu chí này cao nhất (99,3%), tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ, thấp nhất là các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (74,9%). 19 tỉnh hoàn thành 100% xã đạt tiêu chí thủy lợi.
Xuất phát điểm thực hiện Chương trình NTM năm 2011, số xã đạt tiêu chí thủy lợi chỉ mới đạt 8,6%, nhưng hiện tại tỷ lệ số xã đạt tiêu chí này tăng thêm 77,7%.
Có thể nói, tiêu chí thủy lợi đã hoàn thành vượt 9% so với mục tiêu của chương trình đề ra (mục tiêu chương trình là 77%). Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới cho trên 7,2 triệu ha diện tích gieo trồng lúa và trên 1,65 triệu ha diện tích cây trồng cạn.
Ngoài các hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn, hiện cả nước có gần 4.000 hồ chứa nước nhỏ có dung tích từ 50.000÷500.000 m3; 15.900 đập dâng kiên cố có chiều cao nhỏ hơn 10m; 16.000 đập tạm; gần 10.000 trạm bơm có tổng lưu lượng từ 1.000÷3.600 m3/h; 174.000 km kênh mương cấp 3 và nội đồng.
Ngoài ra, còn hàng ngàn ao, hồ có dung tích nhỏ hơn 50.000 m3, trạm bơm có tổng lưu lượng nhỏ hơn 1.000 m3/h và các công trình trên kênh khác.
Điểm sáng trong triển khai
Trong quá trình thực hiện tiêu chí thủy lợi xây dựng NTM, nhiều địa phương đã có những cách làm rất sáng tạo. Điển hình như tỉnh Lâm Đồng đi đầu trong việc ban hành chính sách hỗ trợ người dân, tổ chức đào ao, hồ nhỏ trữ nước để cung cấp nước tưới cho cây rau màu, cây công nghiệp, vì vậy đã giải quyết được tình trạng thiếu nước tưới ở vùng khan hiếm nước, nhiều diện tích cây trồng được tưới tăng thêm.
Nghệ An là tỉnh duy nhất trong cả nước duy trì phong trào “Toàn dân ra quân làm thủy lợi” liên tục 18 năm. Qua phong trào này đã sửa chữa được hư hỏng công trình, khơi thông dòng chảy, tăng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương, khắc phục kịp thời hạn hán, úng ngập..., kinh phí mỗi năm ước tính đạt trên 100 tỷ đồng.
Xuất phát điểm thực hiện Chương trình NTM năm 2011, số xã đạt tiêu chí thủy lợi chỉ mới đạt 8,6%, nhưng hiện tại tỷ lệ số xã đạt tiêu chí này tăng thêm 77,7%. |
Tuyên Quang, Thái Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh… thực hiện tốt Chương trình kiên cố hóa kênh mương, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương nội đồng tăng lên, nhờ vậy nâng cao hiệu quả sử dụng nước công trình thủy lợi, giảm được công dẫn nước và giảm thất thoát nước… Các tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh, Đồng Nai... áp dụng tốt công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, qua đó khắc phục được tình trạng thiếu nước, góp phần tiết kiệm nước, tăng năng suất cây trồng.
Thủy lợi nội đồng đối mặt thách thức
Tuy nhiên công trình thủy lợi nội đồng là những công trình nhỏ lẻ, kết cấu đơn giản, nhiều công trình tạm, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ nên phần lớn đều đang xuống cấp, cần được tu sửa thường xuyên. Trong điều kiện biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa phần công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hiện nay chưa đáp ứng được các phương thức canh tác tiên tiến.
Nguồn lực đầu tư cho thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng còn rất hạn chế, nhiều nơi còn bị bỏ ngỏ, chưa quan tâm, chú trọng đến công tác thủy lợi, đặc biệt là thủy lợi nội đồng. Vi phạm công trình và chất lượng nước trong công trình thủy lợi ngày càng gia tăng, nghiêm trọng, nhất là tình trạng xả trực tiếp nước thải sinh hoạt vào kênh mương nội đồng.
Đặc biệt trình độ năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi của các tổ chức thủy lợi cơ sở vừa thiếu, vừa yếu. Chưa phát huy được vai trò chủ thể của người sử dụng nước trong việc đầu tư, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, để duy trì bền vững kết quả đạt được của tiêu chí thủy lợi cần chú trọng đầu tư, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương. Bên cạnh đó cần áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để nâng cao năng lực tưới tiêu sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM.
Chính quyền các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về công tác quản lý công trình sau đầu tư nhằm khai thác tối đa năng lực và nâng cao tuổi thọ các công trình, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. |