| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL sẽ chủ động kiểm soát hạn, mặn vào năm 2030

Thứ Tư 25/03/2020 , 09:24 (GMT+7)

Để giảm bớt khó khăn cho người dân vùng bị hạn mặn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gói hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng cho 8 tỉnh ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Không những thế, Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để tiến tới chủ động “sống chung với mặn”. Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi về vấn đề này.

Thưa ông, năm 2020 tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nhất trong lịch sử đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, các tỉnh ĐBSCL vẫn được mùa lớn khi năng suất lúa bình quân đạt xấp xỉ 7 tấn/ha. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi này?

Từ tháng 6/2019, Bộ NN-PTNT đã giao các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể về tình hình nguồn nước trên phạm vi toàn quốc, nhất là vùng ĐBSCL. Từ đó dự báo chính xác thời điểm, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020.

Do hạn mặn đến sớm hơn mọi năm, Bộ NN-PTNT chủ động triển khai các giải pháp ứng phó hạn mặn, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo quyết liệt.

Nhờ đẩy lịch thời vụ gieo cấy lúa đông xuân sớm (từ tháng 10 đến tháng 12), chúng ta đã né hạn hán, xâm nhập mặn thành công. Đến nay, khoảng 1,3 triệu ha trong tổng số 1,54 triệu ha lúa trên toàn vùng đã thu hoạch xong.

Duy chỉ có khoảng 16.000 ha lúa vụ mùa 2019 và và khoảng 27.500 ha vụ đông xuân 2019 – 2020 là bị ảnh hưởng giảm năng suất. Đây là những diện tích mà bà con gieo cấy không tuân thủ khung thời vụ theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT.

Nhìn chung, việc sản xuất vụ đông xuân ở ĐBSCL thắng lợi lớn khi vừa được mùa, giá lúa lại cao và chi phí thấp do ít sâu bệnh.

Trên tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã triển khai các giải pháp gì để người dân có thể “sống chung với hạn mặn”?

Một thông tin rất vui, đó là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ cho 8 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn. Trong đó 5 địa phương giáp biển được hỗ trợ 70 tỷ đồng/tỉnh và 3 địa phương hạn mặn nhẹ hơn một chút là 60 tỷ đồng/tỉnh. Đây là nguồn lực rất quan trọng để các địa phương ứng phó ngay với hạn mặn.

Đào rãnh trữ nước cứu các vườn cây ăn trái.

Đào rãnh trữ nước cứu các vườn cây ăn trái.

Các địa phương sẽ chủ động chi nguồn tiền này để hỗ trợ tiền điện, dầu bơm nước vượt định mức; nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, nâng cấp, sửa chữa công trình, nối dài đường ống dẫn nước, đào ao... Qua đó, đảm bảo tất cả người dân ở ĐBSCL đủ nước sinh hoạt trong điều kiện hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó, khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục năm 2015 – 2016, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi điều tiết nước. Tất cả các dự án xây dựng công trình trên địa bàn ĐBSCL mà Bộ NN-PTNT quản lý đều vượt tiến độ từ 6-13 tháng.

Trong đó có 5 dự án đã kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay để ứng phó hạn mặn từ tháng 12/2019 và tháng 1/2020 như cống Ninh Quới, trạm bơm Xuân Hòa, cống Tân Dinh - Bông Bót, Vũng Liêm và 18 cống thuộc dự án thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1.

Các công trình mới được đưa vào sử dụng này đã góp phần kiểm soát mặn khoảng 83.000 ha, đồng thời hỗ trợ khoảng 3.000 ha bị hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL.

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các công trình nêu trên, Bộ NN-PTNT cũng sẽ báo cáo Chính phủ để đầu tư những công trình có tính chất kiểm soát mặn liên vùng và công trình chuyển nước ngọt liên vùng.

Ví dụ như dự án Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, hệ thống Tứ giác Long Xuyên,... để chuyển nước ngọt từ vùng có điều kiện về vùng bán đảo Cà Mau và vùng ven biển. Vừa đảm bảo nước cho sản xuất, vừa đảm bảo nước phục vụ sinh họat và các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp.

Nếu các công trình nêu trên hoàn thành, thì chúng tôi tin tưởng đến năm 2030 có thể chủ động kiểm soát mặn ở ĐBSCL, kể cả những năm thời tiết cực đoan.

Được biết, trong quá trình công tác tại các địa phương, Tổng cục Thủy lợi đã ghi nhận rất nhiều cách làm hay và sáng tạo để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, ông có thể chia sẻ về điều này?

Thời gian qua có khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nhưng bằng nhiều giải pháp khác nhau, tất cả các hộ dân đều tiếp cận được nguồn nước sinh hoạt. Thông qua đẩy mạnh công tác truyền thông, chúng tôi rất mừng là cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhất là khối văn nghệ sỹ cũng đã giúp sức cho người dân vùng hạn mặn có nước sinh hoạt trong điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015 – 2016, các hộ dân đã chủ động mua sắm các vật dụng tích trữ nước; đào mương, ao, giếng ngay trong vườn cây để sử dụng trong thời kỳ cao điểm khô hạn.

Nhờ đó, các diện tích trồng cây ăn quả giá trị cao gần như chưa bị ảnh hưởng. Không những thế, nhiều địa phương còn chủ động nạo vét kênh mương, đắp đập tạm trên sông để vừa ngăn mặn và giữ ngọt rất hiệu quả. Những giải pháp trên đã giúp hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.