Sạt lở và sụt lún đất gây thiệt hại các công trình xây dựng ở Bán đảo Cà Mau. ảnh HĐ |
Ngày 22/11, tại TP Cần Thơ, hơn 50 nhà khoa học quốc tế và trong nước tham dự hội thảo Sụt lún đất tại ĐBSCL, trong khuôn khổ Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Chính phủ hai nước Đức và Thụy Sỹ tài trợ, Bộ Xây dựng phối hợp Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức.
Theo GIZ, ĐBSCL đang sụt lún nhanh hơn so với mực nước biển dâng. So với các khu vực đô thị hóa thị sụt lún từ 2-4 cm/năm thì các khu vực nông nghiệp chậm hơn với mức 0,5-1 cm/năm và xu hướng sẽ còn tiếp tục, có khả năng tiếp diễn tốc độ khá nhanh mức trên dưới 2,5 cm/năm.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, trong 10 năm qua ĐBSCL bị sụt lún khoảng 25 cm. Một nhóm nghiên cứu Trường Đại học Utrech (Hà Lan) còn cho biết, ĐBSCL thực tế chỉ cao hơn mực nước biển trung bình 0,8 m, thấp hơn dự báo trước kia là 2,6 m. Trong khi đó mực nước biển dâng ít nhất khoảng 0,5 cm/năm, ở một số nơi mức độ sụt lún đất còn cao hơn 5-7 lần so với mực nước biển.
Các nhà khoa học Quốc tế tham dự hội thảo Sụt lún đất tại ĐBSCL. Ảnh: HĐ |
ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn nhất trên thế giới và được xem là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Theo khuyến nghị các nhà khoa học tại hội thảo, đến năm 2050 một phần ĐBSCL sẽ chìm dưới mực nước biển khi mức triều dâng cao. Trong 50 năm tới ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến này nếu không thực hiện các giải pháp khắc phục hiệu quả và xây dựng chiến lược dài hạn.
Bên cạnh đó nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, trong những năm qua việc khai thác nước ngầm như ở Cà Mau là một yếu tố góp phần gây sụt lún đất đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hành động để giảm thiểu sụt lún đất, xác định các giải pháp thích ứng và sống chung với sụt lún đất.