Nhiều tỉnh đã phải công bố tình huống khẩn cấp để huy động nguồn lực chống sạt lở.
Kiên Giang gần 50% đê biển sạt lở
Là tỉnh ven biển Tây uốn mình theo vịnh Thái Lan, Kiên Giang có tuyến đê biển dài hơn 200 km, từ Mũi Nai (TP Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh, giáp tỉnh Cà Mau). Nhưng hiện nay có khoảng hơn 90 km bờ biển bị sạt lở, có nhiều đoạn sạt lở rất nghiêm trọng. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương bố trí nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng để triển khai khắc phục khẩn cấp, làm kè chống sạt lở đê biển.
Sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, cần có giải pháp công trình để bảo vệ. Ảnh: Đào Chánh. |
Trong đó, có nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm, ăn sâu vào đất liền, đe dọa đời sống người dân và làm mất đất sản xuất. Các vị trí đã được UBND tỉnh Kiên Giang quyết định công bố tình huống khẩn cấp, đủ điều kiện thực hiện là: khu vực Mũi Rãnh (huyện An Biên), Xẻo Nhàu và vàm Kim Quy đến Tiểu Dừa (huyện An Minh).
Khu vực Mũi Rãnh bị xói lở bờ biển với chiều dài 5 km. Khu vực Xẻo Nhàu đang bị xói lở bờ biển với chiều dài 7 km. Khu vực vàm Kim Quy đến Tiểu Dừa, cần xử lý cấp bách đê biển với chiều dài 7 km. Tổng nguồn vốn để xử lý khẩn cấp 3 điểm sạt lở bờ biển, đê biển nói trên là 333 tỷ đồng.
UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện ngay các biện pháp an toàn cho đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực sạt lở. Cắm biển báo, khoanh vùng sạt lở bờ biển và đê biển đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân và sản xuất nông nghiệp. Khẩn trương khảo sát, tham mưu đề xuất phương án, giải pháp xử lý tình trạng sạt lở. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở bờ biển và vận động người dân di dời đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, trước tình trạng sạt lở đê biển xảy ra nghiêm trọng, tỉnh đã xử lý khẩn cấp từ nguồn vốn ngân sách địa phương là 15 tỷ đồng, với chiều dài 1km, để xử lý đoạn đê bị đứt giáp vàm Kim Quy và các đoạn sạt lở cục bộ nghiêm trọng sát chân đê từ Kim Quy đến Tiểu Dừa.
Ngoài ra, còn có các khu vực sạt lở khác cần đầu tư trong giai đoạn 2020-2025, gồm: Kè chống sạt lở khu vực Thứ Nhất - Xẻo Quao (An Biên), có tổng chiều dài 15 km, khu vực Xẻo Nhàu – Mương Đào (An Minh), chiều dài 18 km, khu vực huyện Hòn Đất, với tổng chiều dài 25 km.
Cà Mau đã phải công bố tình huống khẩn cấp để huy động nguồn lực bảo vệ sạt lở đê biển. Ảnh: Đào Chánh. |
Kết quả quan trắc của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các bãi bồi ven biển không ổn định và thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi lở bờ biển diễn ra theo mùa, theo điều kiện thời tiết, cũng như dòng chảy các kênh thoát lũ ra biển Tây. Mặc dù có những đoạn được bồi đắp nhưng vẫn không đáng kể, tình hình sạt lở vẫn nhiều hơn là bồi tụ, ăn sâu vào chân đê biển.
Cà Mau sạt lở từ sông ra biển
Cà Mau là tỉnh có 2 mặt giáp biển, những năm gần đây tình trạng sạt lở đê biển của địa phương này xảy ra cả ở bờ biển Đông lẫn biển Tây. Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân.
Đặc biệt đối với bờ biển hiện đang có nhiều đoạn tiếp tục bị sạt lở rất nghiêm trọng, làm mất đai rừng phòng hộ ven biển. Trước tình trạng trên, liên tiếp trong tháng 8 và tháng 9/2019, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây và sạt lở bờ biển Đông trên địa bàn.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: Tính đến hết quý III năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 156 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài gần 228 km. Trong đó có 107 vị trí sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 160 km và 49 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài gần 68 km. Ngoài ra, còn có 19 điểm sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài khoảng 33 km, gồm phía bờ biển Tây 7,5 km và bờ biển Đông 25,5 km.
Khắc phục sự cố sạt lở tại đê biển Tây (Cà Mau). Ảnh: Đào Chánh. |
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi hiện trạng các khu vực sạt lở cũ đã rà soát, đồng thời thống kê các điểm sạt lở mới để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng, trồng mới rừng để tăng độ che phủ và hạn chế sạt lở đất. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển cho người dân ở khu vực ven sông, kênh, rạch và ven biển để chủ động phòng ngừa. Vận động, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Ông Hoai cho biết, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ khẩn cấp về nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai (sạt lở đất) năm 2016 – 2018 từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó, sẽ triển khai thực hiện các dự án như: Dự án trồng rừng phòng hộ ven sông gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông ven biển, Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tỉnh Cà Mau...
Cà Mau đang đối mặt với một số khó khăn nhất định trong công tác phòng chống thiên tai, tại một số khu vực xung yếu ven sông, cửa sông và ven biển thường xuyên xảy ra sạt lở đất. Bên cạnh đó, số lượng dân cư sống ven biển, vùng trũng, thấp tương đối nhiều, thiếu vốn và thiếu quỹ đất do tái định cư… gây khó khăn cho công tác di dời, sơ tán dân. Công tác quản lý dân cư tự do còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và tái chiếm rừng phòng hộ vẫn còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
Làm kè phá sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ đê biển Tây tại Cà Mau. Ảnh: Đào Chánh. |
Ông Hoai cho biết, kinh phí đầu tư cho các công trình xử lý sạt lở trên địa bàn tỉnh còn rất hạn hẹp. Do tỉnh chỉ xử lý được các đoạn sạt lở khẩn cấp cho mỗi công trình quá thấp (dưới 01 tỷ đồng) từ mức chi hỗ trợ nguồn Quỹ Phòng chống Thiên tai.
Trên địa bàn toàn tỉnh có 156 điểm sạt lở nguy hiểm và rất nguy hiểm, trong đó đã cắm biển cảnh báo được 109 điểm, còn lại 53 điểm chưa cắm biển cảnh báo. Các vị trí sạt lở này có khả năng đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương cắm biển cảnh báo tại 53 vị trí sạt lở nói trên.