Lũ nhỏ nhưng vùng hạ lưu sông Hậu, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang vẫn phải lo đối phó triều cường. Ảnh: HĐ. |
ĐBSCL vào mùa nước nổi, nước thượng nguồn sông Cửu Long đang dâng cao. Vùng hạ lưu chuẩn bị đón đợt triều cường cuối tháng 9/2019… Tuy nhiên theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ghi nhận qua kết quả quan trắc giám sát nguồn nước trên lưu vực Mekong mới đây cho thấy biến động nguồn nước thượng lưu ngày càng mạnh do các công trình thượng nguồn, lũ về ĐBSCL có xu thế giảm, lũ lớn hiếm xảy ra. Hiện tại gần 90%, tương lai chiếm 99% số năm là lũ vừa và nhỏ.
Theo đó, dòng chảy đầu mùa khô giảm mạnh và có xu thế gia tăng giữa – cuối mùa khô đã làm quy luật xâm nhập mặn (XNM) thay đổi so với trước đây theo xu thế: XNM trước 1-2 tháng, mặn giảm mạnh cuối mùa khô. Tính đột biến chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn (có thể ứng xử bằng các biện pháp giám sát, dự báo và bổ sung hạ tầng vừa và nhỏ). Triều biển cũng có những dấu hiệu thay đổi (biến động nhanh trong thời gian ngắn) dẫn đến xâm nhập mặn sâu thêm.
Tổng lưu lượng dòng chảy sông Mekong khoảng 475 tỷ m3, trong đó Trung Quốc đóng góp 16% vào dòng chảy, Myanma đóng góp 2%, Lào đóng góp 35%, Thái Lan đóng góp 18%, Campuchia đóng góp 18% và Việt Nam đóng góp vào dòng chảy 11%.